Có thể coi nghị quyết mới là một hình thức đầu tư
Ngày 26-5, Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Phóng viên Báo SGGP ghi nhận ý kiến của một số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về nội dung này.
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga: Chú trọng nhân tố con người
Nghị quyết là cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh mới, chúng ta có quá nhiều tác động từ nội tại nền kinh tế, các điều kiện bên ngoài khiến chúng ta phải xem xét một loạt chính sách, cơ chế đặc thù cho các động lực tăng trưởng. Thời điểm để đưa ra nghị quyết mới về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM là hoàn toàn phù hợp và thuyết phục. Nếu phát huy được tính năng động, tự chủ thì mới phát huy được hết tiềm năng, tiềm lực của thành phố.
Dự thảo nghị quyết mới nghiêng về hướng giao quyền tự chủ cho thành phố nhiều hơn, để làm sao phát huy được tối đa tính năng động, hiệu quả của cơ chế đặc thù. Nếu chúng ta ban hành cơ chế đặc thù mà vẫn bị bó buộc thì TPHCM khó có được đột phát trong thời gian tới. Đi đôi với việc trao quyền tự chủ nhiều hơn, dự thảo nghị quyết cũng đã chú trọng tới ràng buộc nhất định để thành phố phát huy được hiệu quả mà vẫn đảm bảo được các quy định pháp luật. Các nhóm cơ chế như 4 thế “chân kiềng”, cần phải phát triển cân đối, hài hòa, phải là sức mạnh tổng hợp.
Tôi cho rằng, trong quá trình thực hiện nghị quyết về cơ chế đặc thù cho TPHCM, nhân tố con người rất cần phải chú trọng. Chúng ta đang nói nhiều tới cán bộ, đảng viên đùn đẩy trách nhiệm, không dám tham mưu, làm việc nhiệt tình vì sợ sai, sợ trách nhiệm. Tôi cho rằng, cơ chế chính sách chỉ là một yếu tố, nhiều chính sách đúng nhưng không đi được vào đời sống, phát huy hiệu quả, do đó phải chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ để thực hiện tốt cơ chế đặc thù. Phải tính đến việc tổ chức thực hiện; nguồn lực đầu tiên chưa phải kinh phí mà là con người. Tôi tin chắc với đề xuất cơ chế đặc thù, TPHCM đã có phương án về vấn đề nhân lực.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Tạ Văn Hạ: Đầu tư cho TPHCM bằng cơ chế chính sách
Sau 5 năm triển khai Nghị quyết 54 của Quốc hội, đã có tổng kết, đánh giá, cá nhân tôi ủng hộ cần thiết ban hành nghị quyết mới thay thế. TPHCM là một trung tâm lớn, đầu tàu của nền kinh tế Việt Nam. TPHCM là nơi có đủ điều kiện để thử nghiệm các chính sách mới mà pháp luật chưa quy định, chưa được luật hóa, triển khai thực hiện. Việc có nghị quyết mới với TPHCM cũng có thể coi đó là một hình thức đầu tư: đầu tư cho TPHCM bằng cơ chế chính sách, đầu tư cho TPHCM là đầu tư cho phát triển để đầu tàu mạnh, là đầu kéo kinh tế của cả nước và hỗ trợ cho các vùng còn khó khăn.
Khi tổng kết Nghị quyết 54, mong muốn của chúng ta là nghiêm túc, thẳng thắn đánh giá cơ chế nào thực hiện mang lại hiệu quả. Một số nội dung chúng ta chưa làm hết, loại trừ các yếu tố khách quan thì cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, quy ra trách nhiệm ngành nào, người đứng đầu nào chưa làm quyết liệt, cần có kiểm điểm rõ ràng. Trong dự thảo nghị quyết, thành phố đề xuất thêm nhiều chính sách về thu hút đội ngũ nhân tài và các chính sách phát triển khoa học - công nghệ, tôi cho rằng thành phố cần làm tốt việc này. Đồng thời, tăng cường hơn nữa, giao trách nhiệm và phân quyền cho TPHCM để thực hiện chủ động, linh hoạt, phù hợp với điều kiện của mình. Về lâu dài, cũng cần tính toán việc có cần thiết xây dựng một luật dành riêng cho TPHCM không. Chúng ta có Luật Thủ đô rồi, nếu TPHCM cần thiết thì cũng nghiên cứu thêm.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/co-the-coi-nghi-quyet-moi-la-mot-hinh-thuc-dau-tu-post691309.html