Có thể khiếu nại hoặc khởi kiện về việc không công nhận liệt sĩ đối với ông Hàn Văn Hòe

Ở tuổi 77, chân chậm, mắt mờ nhưng nhiều năm nay, bà Hoàng Thị Nhuận, trú tại Khu phố 2, phường Đông Lương, TP. Đông Hà vẫn cầm đơn gõ cửa nhiều nơi với mong muốn được quan tâm, xem xét để chồng mình được công nhận liệt sĩ. Tuy nhiên, ngành chức năng cho biết đã tích cực thực hiện nhiệm vụ của mình nhưng chưa đủ cơ sở để giải quyết.

Bà Hoàng Thị Nhuận đã dành nhiều thời gian, công sức để làm hồ sơ đề nghị xem xét, công nhận liệt sĩ cho chồng - Ảnh: TL

Bà Hoàng Thị Nhuận đã dành nhiều thời gian, công sức để làm hồ sơ đề nghị xem xét, công nhận liệt sĩ cho chồng - Ảnh: TL

Gần 25 năm đi làm thủ tục công nhận liệt sĩ cho chồng

Đến giờ, bà Hoàng Thị Nhuận không thể nhớ hết số lần đến các cơ quan, địa phương để làm hồ sơ, thủ tục và gửi gắm nguyện vọng công nhận liệt sĩ cho chồng mình là ông Hàn Văn Hòe. Ở tuổi gần đất, xa trời, bà Nhuận không mưu cầu về việc được hưởng chế độ, chính sách. Điều mà bà mong muốn là người chồng đã mất trong chiến tranh được ghi công bởi ông đã lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc, nhận nhiệm vụ vào “đất lửa” Vĩnh Linh công tác trong thời điểm ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Theo dòng trò chuyện, bà Hoàng Thị Nhuận cho biết, ông Hàn Văn Hòe, chồng bà sinh năm 1945 ở Thanh Hóa. Ông tham gia cách mạng vào tháng 10/1967. Sau khi nhận nhiệm vụ theo phân công của cấp trên, ông vào làm công nhân tại Xí nghiệp Ô tô Vĩnh Linh (sau này là Công ty Dịch vụ Vận tải ô tô Quảng Trị).

Ngày 25/8/1972, máy bay của giặc Mỹ ném bom vào xí nghiệp trong lúc ông Hòe đang sửa chữa xe để kịp thời phục vụ chiến trường. Trước tình thế nguy cấp, ông Hàn Văn Hòe đã bỏ tay búa, cầm súng chiến đấu và tử vong. “Chồng tôi mất tại thôn Tân Định, xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh. Nhiều người làm việc ở Xí nghiệp Ô tô Vĩnh Linh thời điểm đó biết về sự việc”, bà Nhuận chia sẻ.

Theo bà Nhuận, chồng mình mất khi con trai chỉ mới 20 ngày tuổi. Vì những bộn bề, lo toan của cuộc sống nên bà không có điều kiện để đến các địa phương, đơn vị, gặp những nhân chứng cụ thể để làm hồ sơ. Bẵng đi nhiều năm, năm 1999, bà Nhuận mới ngược xuôi đi làm các giấy tờ, thủ tục cần thiết cho chồng. Bà rất hy vọng khi nghe một nhân chứng cho biết thông tin, ông Nguyễn Tuấn Nhị, người mất cùng ngày với chồng bà đã được công nhận là liệt sĩ.

Hy vọng là thế nên bà Nhuận rất buồn khi biết tin chồng mình không đủ điều kiện để xem xét, công nhận liệt sĩ. Cho rằng điều đó là không công bằng, bà Nhuận đã nhiều lần tìm đến và gửi đơn thư cho cơ quan chức năng. “Chồng tôi từ Thanh Hóa xung phong vào chiến trường. Nếu không may hy sinh trên đường đi thì bây giờ cũng đã là liệt sĩ. Huống hồ ông ấy sống, bám trụ tại đất lửa Vĩnh Linh, ngày đêm phục vụ chiến đấu mà không được công nhận là liệt sĩ thì quá vô lý”, bà Nhuận nói.

Quan điểm của ngành chức năng

Sau khi tiếp nhận đơn thư và nắm bắt thêm thông tin từ bà Nhuận, phóng viên Báo Quảng Trị đã làm việc với Sở LĐ-TB&XH Quảng Trị. Thông tin từ ông Nguyễn Trí Thanh, Trưởng phòng Người có công của Sở LĐTB&XH cho biết, sở đã từng nhận được đơn kiến nghị của bà Hoàng Thị Nhuận về việc giải quyết hồ sơ, đề nghị xác nhận liệt sĩ đối với ông Hàn Văn Hòe.

Sau khi tiếp nhận đơn, lãnh đạo sở đã có văn bản trả lời cụ thể vào năm 2021. Theo đó, trường hợp từ trần của ông Hàn Văn Hòe không đủ điều kiện để xem xét, công nhận liệt sĩ. Cụ thể, hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ của ông Hàn Văn Hòe chưa xác định được thời gian, địa phương nơi ông Hòe bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng cũng như thời gian, cơ quan ông Hàn Văn Hòe công tác trước khi tham gia công tác ở Xí nghiệp Ô tô Vĩnh Linh.

Theo đơn của gia đình: “Đầu năm 1967, sau khi học cơ khí ô tô tại Trung Quốc về nước, ông Hàn Văn Hòe được Bộ Giao thông vận tải điều động vào công tác tại khu vực Vĩnh Linh thuộc Xí nghiệp Ô tô Vĩnh Linh”. Tuy nhiên, không có các loại giấy tờ chứng minh cơ quan cử đi học, cơ quan cử về công tác tại Ty Giao thông vận tải khu vực Vĩnh Linh. Tại biên bản của Xí nghiệp Ô tô Vĩnh Linh, biên bản họp xét của hội đồng xác nhận người có công xã Quảng Văn, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa thể hiện thời gian tham gia hoạt động của ông Hàn Văn Hòe là tháng 10/1967.

Về trường hợp hy sinh, giữa kê khai của gia đình, người làm chứng và biên bản đề nghị xác nhận liệt sĩ của đơn vị mà ông Hòe làm việc trước đây không nhất quán. Tại biên bản đề nghị xác nhận liệt sĩ của Công ty Dịch vụ Vận tải Ô tô Quảng Trị ngày 11/1/1995 ghi: Ông Hàn Văn Hòe là công nhân sửa chữa ô tô vừa là chiến sĩ tự vệ thuộc Xí nghiệp Ô tô Vĩnh Linh, đang làm nhiệm vụ sửa chữa xe để vận chuyển hàng phục vụ cho chiến trường đánh Mỹ. Trên đường đi từ xưởng sửa chữa ô tô của đơn vị (sau buổi tan tầm) về nhà thì bị máy bay B52 Mỹ ném bom (loạt 2), chết vào khoảng 11 giờ 20 phút ngày 25/8/1972.

Căn cứ Điều 11, Nghị định 28/CP ngày 29/4/1995 của Chính phủ quy định 8 trường hợp đủ điều kiện xác nhận liệt sĩ, ông Hàn Văn Hòe mất không phải trong trường hợp “chiến đấu với địch” và cũng không phải “trực tiếp phục vụ chiến đấu”. Trường hợp “trực tiếp phục vụ chiến đấu” được hiểu là: “Trực tiếp phục vụ chiến đấu trong khi địch bắn phá: Tải đạn, cứu thương, tải thương, đảm bảo thông tin liên lạc, cứu chữa kho hàng, bảo vệ hàng hóa và các trường hợp đảm bảo chiến đấu”.

Trong đơn của mình, gia đình bà Hoàng Thị Nhuận và người làm chứng có đề cập thông tin ông Hàn Văn Hòe hy sinh cùng với ông Nguyễn Tuấn Nhị. Hiện nay, ông Nguyễn Tuấn Nhị đã được công nhận liệt sĩ nhưng ông Hòe chưa được công nhận.

Để làm rõ thông tin này, cán bộ Sở LĐ-TB&XH đã tìm hiểu, tra cứu hồ sơ liệt sĩ Nguyễn Tuấn Nhị do Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh quản lý cung cấp. Tại giấy báo tử ngày 14/9/1975 do Ty Giao thông vận tải khu vực Vĩnh Linh cấp, trường hợp hy sinh của liệt sĩ Nguyễn Tuấn Nhị cụ thể như sau: “Máy bay địch ném bom xuống xí nghiệp có người chết, ông Nhị bị thương nhẹ, ông xung phong ở lại để giải quyết hậu quả trận đánh, được tổ chức đồng ý thì B52 ném bom lần thứ 2, ông Nhị chết ngay tại chỗ”.

Như vậy, trường hợp hy sinh của ông Nguyễn Tuấn Nhị được quy định tại Khoản 6, Điều 11, Nghị định 28/CP ngày 29/4/1995 của Chính phủ: “Dũng cảm làm những công việc cấp bách phục vụ quốc phòng và an ninh; dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và Nhân dân”.

Theo Trưởng phòng Người có công Nguyễn Trí Thanh, bên cạnh trả lời đơn thư của bà Hoàng Thị Nhuận, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH cũng đã có văn bản báo cáo về trường hợp này gửi UBND tỉnh. Trong văn bản trả lời bà Hoàng Thị Nhuận, lãnh đạo sở đề nghị bà Nhuận thực hiện quyền khiếu nại hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật nếu không chấp nhận nội dung trả lời của Sở LĐ-TB&XH.

Tây Long

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/ban-doc-phap-luat/co-the-khieu-nai-hoac-khoi-kien-ve-viec-khong-cong-nhan-liet-si-doi-voi-ong-han-van-hoe/179363.htm