Có thể ngăn chặn mua bán sắc phong tại Trung Quốc bằng con đường ngoại giao
Trước sự việc một Công ty đấu giá đăng tải đấu giá hàng loạt sắc phong bị rao bán ở nước ngoài, Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Phú Thọ Nguyễn Đắc Thủy đã có văn bản gửi các cấp liên quan trong tỉnh để xác minh thông tin.
Trả lời báo chí sáng 13/4, Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Phú Thọ Nguyễn Đắc Thủy cho biết, sau khi nhận được thông tin Công ty đấu giá “Thượng Hải Dương Minh phách mại hữu hạn” đăng tải thông tin vào 9 giờ 30 ngày 22/4/2023 sẽ diễn ra phiên đấu giá có đạo sắc có khả năng là hiện vật gốc, nguồn gốc của Việt Nam (gồm sắc phong đã có tại xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ), phía tỉnh Phú Thọ đã có văn bản gửi các cấp liên quan trong tỉnh để xác minh thông tin.
“Chúng tôi đã yêu cầu xác minh thông tin trang mạng rao bán sắc phong thật hay giả. Nếu thật thì chúng tôi đề xuất bằng con đường ngoại giao, thông qua Đại sứ quán Việt Nam tại Thượng Hải có sự can thiệp, ngăn chặn bán đấu giá tài sản nếu là tài sản của mình trên mạng. Lực lượng Công an tỉnh phối hợp với Bộ Công an thống nhất hợp phương án phù hợp với quốc tế để xử lý” – ông Nguyễn Đắc Thủy cho biết.
Cũng theo Giám đốc Sở VH&TTDL tỉnh Phú Thọ, sắc phong tại đền Quốc Tế (xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) bị đánh cắp từ ngày 21/5/2021, kẻ gian đã phá két sắt lấy toàn sắc phong của đền. Công an huyện đã lập hồ sơ gửi cấp trên để điều tra nhưng đến nay chưa tìm được dấu tích.
“Sắc phong rao bán tại Trung Quốc nếu đúng là tài sản đã bị mất cắp của đền Quốc Tế, thì những người liên quan sẽ bị xử lý theo pháp luật của Việt Nam. Riêng với Phú Thọ, trách nhiệm đầu tiên thuộc về Ban quản lý khu di tích, mỗi di tích địa phương đều có Trưởng ban quản lý và các thành viên, họ cần có trách nhiệm trong việc bảo quản, giữ gìn những tài sản của di tích. Về phía nước bạn cần phải xác minh theo luật quốc tế, việc có thể đưa sắc phong trở về là câu chuyện cần phải bàn thảo giữa các bên để có phương án cụ thể đối với từng di vật mất cắp. Việc mua, chuộc lại những vật phẩm là hình thức xử lý khác, đối với sắc phong không thể mua như một “món hàng” bởi đó là giấy chứng nhận cho từng di tích, đặc biệt liên quan đến các quốc gia khác nhau” – Giám đốc Sở VH&TTDL tỉnh Phú Thọ nói.
Trước đó, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTT&DL) Lê Thị Thu Hiền đã ký Công văn số 309/DSVH-DT gửi Sở VHTT&DL, Sở VH&TT các tỉnh, TP gồm: Phú Thọ, Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương đề nghị phối hợp, khẩn trương xác minh tính xác thực của các sắc phong hiện đang bị rao bán có nguồn gốc tại các di tích, bảo tàng và địa điểm liên quan ở địa phương.
Cụ thể, Cục Di sản văn hóa đề nghị Sở VHTT&DL, Sở VH&TT các tỉnh, TP nêu trên phối hợp, khẩn trương xác minh tính xác thực của các sắc phong hiện đang bị rao bán trên có nguồn gốc tại các di tích, bảo tàng và địa điểm liên quan ở địa phương.
Đồng thời thu thập, cung cấp các thông tin pháp lý về sắc phong (bao gồm hình ảnh, kích thước, chất liệu… và các văn bản pháp lý có liên quan), việc mất cắp sắc phong (đơn trình báo mất cắp, hình ảnh, biên bản, hồ sơ liên quan đến vụ việc mất cắp sắc phong này), báo cáo UBND tỉnh và Bộ VHTT&DL để phối hợp, làm việc với các cơ quan, tổ chức liên quan về giải pháp hồi hương cổ vật về di tích gốc, bảo tàng theo nội dung Công ước UNESCO 1970 về các biện pháp ngăn cấm xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa mà Việt Nam tham gia.
Đồng thời, Cục Di sản văn hóa đề nghị các Sở phối hợp chặt chẽ với Cục trong quá trình xác minh tính xác thực của các sắc phong; xây dựng hồ sơ chứng minh nguồn gốc sắc phong từ các di tích, bảo tàng và địa điểm liên quan ở địa phương. Báo cáo đầy đủ gửi Cục Di sản văn hóa trước ngày 17/4/2023 để có cơ sở triển khai các bước tiếp theo theo quy định.