Có thể nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật về hộ kinh doanh

Trước ý kiến đại biểu Quốc hội đề xuất bổ sung đối tượng hộ kinh doanh vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, nội dung này từng được đề xuất nhưng Quốc hội quyết định không đưa vào do không phù hợp với phạm vi, tên của Luật Doanh nghiệp. Bộ Tài chính đang nghiên cứu có thể đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành Luật về hộ kinh doanh để xác định pháp lý cũng như mô hình hoạt động cho đối tượng này.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng

Nhiều giải pháp thúc đẩy hộ kinh doanh thành doanh nghiệp

Tại phiên thảo luận của Quốc hội về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp sáng 20/5, có ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung đối tượng là hộ kinh doanh vào dự thảo Luật và có chính sách thúc đẩy hộ kinh doanh thành doanh nghiệp.

Chia sẻ về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho hay, đối tượng áp dụng Luật Doanh nghiệp hiện nay là các doanh nghiệp thuộc loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân, chưa áp dụng đối với hộ kinh doanh.

Năm 2020, khi trình dự thảo Luật Doanh nghiệp, Chính phủ đã trình Quốc hội đề nghị bổ sung đối tượng Hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp để bao quát hết các chủ thể kinh doanh trong nền kinh tế. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, Quốc hội đã biểu quyết không đưa đối tượng này vào Luật Doanh nghiệp do không phù hợp với phạm vi, tên của Luật.

Vừa qua, tại Nghị quyết số 68 - NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, Bộ Chính trị đã chỉ đạo rà soát hoàn thiện khung pháp lý về kinh doanh cá thể. Do đó, Bộ Tài chính đang nghiên cứu có thể đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành Luật về hộ kinh doanh để xác định pháp lý cũng như mô hình tổ chức hoạt động cho đối tượng này.

Về chính sách thúc đẩy hộ kinh doanh trở thành doanh nghiệp, Bộ Tài chính khi nghiên cứu trình Chính phủ trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 68-NQ/TW đã tính toán việc để thực hiện được mục tiêu có 2.000 doanh nghiệp tư nhân vào năm 2030 và 3.000 doanh nghiệp vào năm 2045. Theo đó, cần có sự chuyển dịch từ hộ kinh doanh sang doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Do đó, trong Nghị quyết số 68 - NQ/TW của Bộ Chính trị đã có đầy đủ những giải pháp để thúc đẩy, khuyến khích hộ kinh doanh đủ điều kiện, khả năng chuyển sang doanh nghiệp như: Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp mới thành lập; hỗ trợ tiền thuê đất; giảm thiểu các thủ tục, điều kiện về kế toán, lao động, kê khai thuế... Theo đó, các hộ kinh doanh hoạt động theo mô hình doanh nghiệp sẽ có nhiều ưu đãi, thuận lợi hơn.

Quy định những vấn đề "đã chín, đã rõ"

Việc sửa đổi, bổ sung về đối tượng được thành lập, tham gia quản lý, điều hành, làm việc tại doanh nghiệp bao gồm viên chức cũng nhận được nhiều sự quan tâm của đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho hay, Nghị quyết số 57 - NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội đã quy định cho phép viên chức, viên chức quản lý làm việc tại tổ chức khoa học và công nghệ công lập, cơ sở giáo dục đại học công lập được tham gia góp vốn, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp, làm việc tại doanh nghiệp do tổ chức đó thành lập hoặc tham gia thành lập để thương mại hóa kết quả nghiên cứu do tổ chức đó tạo ra.

Hiện nay, dự thảo Luật Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo cũng đã quy định viên chức làm việc tại tổ chức khoa học công nghệ được góp vốn, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp do cơ sở đó thành lập hoặc tham gia thành lập để thương mại hóa kết quả nghiên cứu do cơ sở đó tạo ra.

Nhằm thể chế hóa tại Luật đối với đối tượng còn lại là viên chức làm việc tại cơ sở giáo dục đại học công lập, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp đề xuất sửa đổi nhằm bổ sung quy định đối tượng viên chức, viên chức quản lý làm việc tại cơ sở giáo dục đại học công lập được góp vốn, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp do cơ sở đó thành lập hoặc tham gia thành lập để thương mại hóa kết quả nghiên cứu do cơ sở đó tạo ra.

Quy định trên không bị trùng lắp với dự thảo Luật Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo và bao quát các đối tượng còn lại. Trước kiến nghị của các đại biểu để xuất bổ sung thêm đối tượng tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Bộ trưởng khẳng định sẽ nghiên cứu thêm theo tinh thần "cái gì đã rõ, đã chín sẽ đưa vào Luật, còn lại sẽ tiếp tục thí điểm".

Trần Huyền

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/co-the-nghien-cuu-de-xuat-xay-dung-luat-ve-ho-kinh-doanh.html