Có thể phải tiêm nhiều hơn 3 mũi để chống lại biến chủng Omicron?
Một chuyên gia y tế Mỹ nói con người có thể phải tiêm nhiều hơn 3 mũi để đảm bảo khả năng miễn dịch trước Omicron. Tuy nhiên, ông nhận định điều đó không có nghĩa vaccine thất bại.
Kent Sepkowitz, bác sĩ và chuyên gia kiểm soát lây nhiễm tại Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering ở New York, tin rằng biến chủng Omicron đang khiến con người nhận ra cả sự cần thiết cũng như quan điểm có phần sai lệch về việc tiêm vaccine tăng cường.
Cho đến nay, ông khẳng định vaccine vẫn là giải pháp tốt nhất. Tuy nhiên, tốc độ lây lan của Omicron đáng lo ngại. Biến chủng này không chỉ tấn công những người chưa tiêm chủng, mà còn có khả năng lây nhiễm cho cả người đã nhận đủ 2 liều vaccine mRNA.
Tại Mỹ, biến chủng Omicron đang lây lan với tốc độ chóng mặt. Chỉ 3 tuần sau khi được phát hiện lần đầu tiên ở nước này, Omicron đã trở thành chủng virus áp đảo, chiếm 73% tổng số ca mắc mới tính đến ngày 27/12, theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ.
Dữ liệu được thu thập ở Nam Phi và Anh cũng cho thấy phần nào về một kịch bản đại dịch có thể xảy ra trong thời gian tới. Số ca mắc Covid-19 mới có thể tăng theo cấp số nhân, gây áp lực lớn lên các hệ thống chăm sóc sức khỏe vốn đã căng thẳng, theo CNN.
Hầu hết báo cáo cho đến nay đều cho thấy rằng biến chủng Omicron gây ra bệnh ít nghiêm trọng hơn, với tỷ lệ nhập viện và tử vong thấp hơn so với Delta hay các biến chủng khác.
Vaccine vẫn là vũ khí mạnh mẽ
Trước sự lây lan mạnh mẽ của Omicron, cùng với những dữ liệu cho thấy vaccine giảm dần hiệu quả đối với Delta trong vòng 6 tháng, các cơ quan y tế công cộng của Mỹ cách đây vài tuần đã khuyến khích người dân tiêm vaccine tăng cường.
Việc tiêm nhắc lại đã cho thấy sự gia tăng trong hiệu quả chống lại Omicron.
Theo dữ liệu của Viện Y tế Quốc gia (NIH), vaccine Pfizer đạt hiệu quả khoảng 80% chống lại lây nhiễm Omicron sau khi tiêm liều thứ 3. Trong khi đó, dữ liệu sơ bộ từ Imperia College London cho thấy cả hai loại vaccine mRNA được sử dụng ở Mỹ đều có hiệu quả từ 55% đến 80% sau khi tiêm nhắc lại.
Cựu Giám đốc NIH Francis Collins và các nhà lãnh đạo Anh đã lưu ý rằng việc tiêm tăng cường là rất quan trọng để giảm nguy cơ mắc triệu chứng nghiêm trọng nếu bị nhiễm virus.
Bác sĩ Sepkowitz cho biết các quan chức y tế từng có phản ứng tương tự đối với các loại vaccine ngừa bệnh khác trước đây.
Việc tiêm vaccine tăng cường để tránh lây nhiễm "đột phá” (lây nhiễm ngay cả khi đã tiêm đủ liều vaccine tiêu chuẩn) đã nhiều lần được áp dụng đối với các loại dịch bệnh khác, chẳng hạn bệnh sởi, quai bị và rubella.
Thêm vào đó, việc tiêm vaccine liều thứ 3, thậm chí là liều thứ 4, để tăng cường khả năng miễn dịch sau khi vaccine bị suy giảm hiệu quả là giải pháp khá quen thuộc đối với các quan chức y tế công cộng.
Đơn cử, Mỹ từng có chương trình tiêm chủng viêm gan B (gồm 3 liều tiêu chuẩn) thành công đáng kể. Tuy nhiên, đối với một số người có phản ứng ban đầu chậm với vaccine (5% đến 15% dân số), họ phải tiêm đợt thứ hai gồm 3 mũi nữa. Như vậy, nhóm người này đã phải tiêm tổng cộng 6 liều vaccine để tạo miễn dịch.
Những chiến dịch tiêm chủng như vậy đều được thực hiện một cách suôn sẻ và không có sự phản đối từ công chúng, cũng không có lời chỉ trích hay xem vaccine là thất bại khi có một ca lây nhiễm “đột phá” nào xảy ra, bác sĩ Sepkowitz cho biết.
“Như vậy, mọi người đều cần được tiêm nhắc lại về lâu dài, cho đến khi có một nhóm vaccine mới chứng minh kết quả khác đi”, ông nói.
“Cơ chế tiêm vaccine ngừa Covid-19 nên là 3 liều, và có thể cần phải tiêm bổ sung thêm nữa nếu dữ liệu chứng minh điều đó là cần thiết. Chúng ta cần cởi mở với khả năng mình cần phải tiêm tăng cường định kỳ để nâng cao khả năng miễn dịch”, bác sĩ khuyến nghị.
Vị chuyên gia nêu ví dụ về Israel - quốc gia dẫn đầu trong việc tiêm vaccine tăng cường. Nước này cũng đang bắt đầu triển khai tiêm liều thứ 4 cho người dân sau khi chứng kiến số ca nhiễm tiếp tục tăng, cả ở những người đã tiêm 3 liều sau vài tháng.
“Omicron là tin xấu, nhưng không phải thảm họa”
Trước sự lây lan của Omicron, bác sĩ Sepkowitz dự đoán những tháng sắp tới "rất đáng lo ngại vì chúng ta chắc chắn sẽ chứng kiến số trường hợp Covid-19 tăng lên", nhưng ông cũng lạc quan khi nói đến sự bảo vệ của vaccine.
Ông nêu ví dụ về một loại vaccine mới với tương lai hứa hẹn. Đó là vaccine sử dụng công nghệ hạt nano tái tổ hợp để đưa protein đột biến của virus vào hệ thống miễn dịch của cơ thể con người.
Loại vaccine này vừa được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp. Đây là điều kiện tiên quyết để phân phối vaccine cho các quốc gia theo chương trình COVAX.
Cho đến lúc đó, việc tiêm nhắc lại các loại vaccine hiện hành vẫn là giải pháp tối ưu.
“Đối với những người đã được tiêm tăng cường, sự xuất hiện của Omicron có thể là một tin xấu, nhưng chắc chắn không phải là một thảm họa”, vị chuyên gia khẳng định.
Bên cạnh đó, bác sĩ cũng nhấn mạnh lại vấn đề đối với những người chưa được tiêm chủng. Ông dẫn lời Tổng thống Joe Biden rằng những người chưa tiêm chủng có khả năng phải đối mặt với một “mùa đông bệnh tật và chết chóc”.
Vị chuyên gia cho rằng sự xuất hiện của Omicron "sẽ có thể thực hiện được những gì mà biến chủng Alpha và Delta không làm được, đó là thuyết phục mọi người bảo vệ chính họ và cộng đồng của họ".
Ông cũng tin rằng biến chủng này có thể dạy cho con người bài học rằng "không thể đoán trước được thời gian, cách thức và vị trí xuất hiện của các biến chủng SARS-CoV-2 tiếp theo".