Có tình trạng dấu dịch, vứt xác bừa bãi lợn bị bệnh dịch tả lợn châu Phi
Có tình trạng giấu dịch, không báo cáo dịch bệnh trên hệ thống, làm lây lan và là thách thức nghiêm trọng cho công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Thông tin được ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) chia sẻ tại cuộc họp chỉ đạo về công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi của Bộ Nông nghiệp và Môi trường diễn ra chiều 15/7, tại Hà Nội.
Dịch tả lợn châu Phi đang có chiều hướng gia tăng
Báo cáo tại cuộc họp, ông Phan Quang Minh cho hay, từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước đã xảy ra 514 ổ dịch tại 27 tỉnh, thành phố (sau sáp nhập). Số lợn mắc bệnh là hơn 29.642 con, số lợn chết và tiêu hủy là 30.462 con.
Trong đó, có 248 ổ dịch tại 20 tỉnh, thành phố (sau sáp nhập) chưa qua 21 ngày, số lợn mắc bệnh là 19.699 con, số lợn chết và tiêu hủy là 20.280 con. So sánh với cùng kỳ năm 2024, số liệu của 31 tỉnh, thành phố (sau khi sáp nhập) có số ổ dịch giảm hơn 41%, số lợn chết và tiêu hủy giảm hơn 60%.

Nhiều địa phương tại Quảng Ngãi ghi nhận các ổ dịch tả lợn châu Phi.
Nhận định về tình hình dịch tả lợn châu Phi, ông Phan Quang Minh cho biết, dịch bệnh đang có chiều hướng gia tăng, chủ yếu là tái phát các ổ dịch cũ, phát sinh ở loại hình chăn nuôi quy mô nhỏ (bình quân 50-60 con/ổ dịch) tại các hộ gia đình nơi có điều kiện chăn nuôi không đảm bảo an toàn sinh học. Nguy cơ dịch bệnh tiếp tục phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất cao.
Ông Phan Quang Minh cũng chỉ ra 6 nguyên nhân khiến dịch tả lợn châu Phi bùng phát trở lại và có xu hướng gia tăng gồm: Chăn nuôi nhỏ lẻ còn khá phổ biến, chiếm tỷ lệ cao, không bảo đảm an toàn sinh học; mặc dù đã có vaccin dịch tả lợn châu Phi nhưng nhiều người nuôi vẫn chủ quan không tiêm phòng cho đàn vật nuôi; hiện tượng người chăn nuôi giấu dịch, khi đàn vật nuôi có dấu hiệu nghi mắc bệnh thường không thông báo cho chuyên môn thú y, chính quyền địa phương để được hỗ trợ điều trị, xử lý mà bán chạy lợn, vứt xác ra môi trường làm dịch bệnh lây lan rộng;
Hoạt động giết mổ động vật còn chưa được kiểm soát triệt để, một số cơ sở giết mổ vi pham pháp luật thú y, vẫn thu gom, giết mổ gia súc mắc bệnh, nghi mắc bệnh; Vẫn còn trường hợp người nuôi, vận chuyển động vật vứt xác động vật xuống sông, kênh mương, nơi công cộng làm tăng nguy cơ lây lan dịch; Chưa tổ chức tuyên truyền thường xuyên, liên tục về các quy định hỗ trợ cho công tác phòng chống dịch bệnh.
Vẫn còn tình trạng giấu dịch, không báo cáo dịch bệnh
Ông Phan Quang Minh cho biết, qua các kênh thông tin không chính thức, phản ánh từ người dân, các phương tiện truyền thông và các đoàn công tác của Cục Chăn nuôi và Thú y cho thấy tình trạng giấu dịch, không báo cáo dịch bệnh trên hệ thống đang diễn ra phổ biến, làm lây lan dịch bệnh và thách thức nghiêm trọng cho công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường)
Tình trạng giấu dịch biểu hiện dưới nhiều hình thức (bán chạy, giết mổ chui, tiêu thụ nội bộ, vứt xác lợn bừa bãi, báo cáo không đúng sự thật, thiếu sự chủ động kiểm tra từ cơ quan chức năng...), chủ yếu xuất phát từ tâm lý sợ thiệt hại kinh tế và thiếu niềm tin vào chính sách hỗ trợ.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến cho hay, năm 2000, khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát, giữa Bắc Giang và Thái Nguyên đã xảy ra tranh cãi về việc xác lợn bị vứt ra sông. Bắc Giang thì nói là Thái Nguyên đổ ra, còn Thái Nguyên thì khẳng định họ không có. Virus dịch tả lợn châu Phi lây rất nhanh qua nguồn nước, chưa kể gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
“Năm 2020, do dịch bệnh, chúng ta đã phải tiêu hủy gần 9 triệu tấn thịt lợn, khiến CPI tăng đến 6,73%, ảnh hưởng nặng đến tăng trưởng và môi trường đầu tư”, ông Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Năm nay ngành chăn nuôi và thú y được giao chỉ tiêu tăng trưởng 5,7–5,9%. 6 tháng đầu năm 2025, ngành chăn nuôi và thú y đã đạt 5,4%. Đây là ngành chiếm khoảng 25–26% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, hai yếu tố đang đe dọa nghiêm trọng là dịch bệnh và buôn lậu qua biên giới. Nếu không xử lý được hai vấn đề này thì việc giữ đà tăng trưởng là rất khó.
Trong bối cảnh bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp và có chiều hướng lây lan ở nhiều địa phương trên cả nước, để công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi hiệu quả, ông Phan Quang Minh kiến nghị, cần rà soát và sửa đổi quy định pháp luật về chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y để tăng nặng mức phạt đối với hành vi giấu dịch, không báo cáo dịch bệnh, vận chuyển, buôn bán lợn bệnh, lợn không rõ nguồn gốc; nâng cao năng lực và trách nhiệm của chính quyền cơ sở; chăn nuôi lợn an toàn sinh học; vệ sinh, tiêu độc, khử trùng.
Bên cạnh đó, cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm dịch bệnh; tiêu hủy lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi; tăng cường công tác kiểm dịch động vật tại các chốt kiểm dịch, cửa khẩu, bến cảng; kiểm tra chặt chẽ giấy tờ, nguồn gốc xuất xứ của lợn và sản phẩm lợn; xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán lợn và sản phẩm lợn không rõ nguồn gốc, không có giấy kiểm dịch, đặc biệt là lợn bệnh;
Quản lý chặt chẽ việc chăn nuôi, giết mổ lợn, buôn bán lợn và việc tiêu thụ các sản phẩm thịt lợn; giám sát chặt chẽ các lò mổ, đảm bảo chỉ giết mổ lợn khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng; áp dụng các biện pháp vệ sinh, tiêu độc khử trùng tại lò mổ; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về phòng, chống dịch bệnh và an toàn thực phẩm;...
Cần tăng cường thông tin tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, đặc biệt là biện pháp sử dụng vaccine phòng bệnh; Tuyên truyền các chế tài xử lý vi phạm hành chính, hình sự trong lĩnh vực phòng, chống dịch bệnh động vật cũng như an toàn thực phẩm; Củng cố hệ thống thú y tại địa phương, đặc biệt tại cấp xã đảm bảo yêu cầu chuyên môn, hiệu lực, hiệu quả trong tình hình hiện nay (địa bàn cấp xã rộng hơn rất nhiều so với trước đây);…