'Có tình trạng quy hoạch đô thị đi trước, Nhà nước phải đầu tư hạ tầng theo sau'

Đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị làm quy hoạch đô thị phải tính toán, cân nhắc được chi phí, lợi ích trước mắt và lâu dài để tránh tình trạng cứ thấy đất đẹp là bôi xanh, bôi đỏ…

Sáng 28-6, Quốc hội (QH) đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn.

Còn nhiều chồng chéo

Thảo luận tại hội trường, đại biểu (ĐB) QH Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) nhận định “vẫn còn quá nhiều và chồng chéo” giữa hệ thống quy hoạch được điều chỉnh theo luật này và các quy hoạch điều chỉnh theo Luật quy hoạch.

Ông Cường liệt kê sáu điểm còn chồng chéo giữa hai loại quy hoạch tỉnh và quy hoạch đô thị, nông thôn.

Cụ thể, hiện nay ở cấp tỉnh có các Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật chuyên ngành, gồm quy hoạch cao độ nền thoát nước mặt đô thị; giao thông; cấp nước; hạ tầng thoát nước thải đô thị; hạ tầng viễn thông; hạ tầng cung cấp năng lượng và chiếu sáng; hạ tầng viễn thông; nghĩa trang và xử lý chất thải. Các quy hoạch này có tỉ lệ 1/5.000-1/10.000.

“Những hạ tầng kỹ thuật chuyên ngành này đều có các Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật chuyên ngành cấp quốc gia. Vậy trên địa bàn tỉnh có cần phải xây dựng các quy hoạch hạ tầng kỹ thuật chuyên ngành này riêng rẽ từng loại không?” – ĐB Cường đặt câu hỏi.

Theo đó, ông đề nghị nên gộp các công trình kỹ thuật như giao thông, điện, nước, viễn thông lại cùng nhau để tránh tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, gây lãng phí.

 ĐBQH Nguyễn Hải Nam (đoàn Thừa Thiên Huế). Ảnh: PHẠM THẮNG

ĐBQH Nguyễn Hải Nam (đoàn Thừa Thiên Huế). Ảnh: PHẠM THẮNG

Trước lo ngại “quy hoạch chồng chéo, gây lãng phí”, ĐBQH Nguyễn Hải Nam (đoàn Thừa Thiên Huế) cho rằng cần nhìn vào bản chất và tiêu chí của hai loại quy hoạch, tức quy hoạch tỉnh và quy hoạch chung đô thị.

Theo ông, về bản chất quy hoạch tỉnh là quy hoạch cụ thể quy hoạch tổng thể quốc gia, các không gian về hoạt động kinh tế - xã hội quốc phòng, an ninh, hệ thống đô thị và phân bổ dân cư nông thôn. Còn quy hoạch đô thị, nông thôn là quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia về tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị, hạ tầng kỹ thuật.

Theo ĐB nếu đào sâu hơn, sẽ có 10 điểm khác nhau như giữa quy hoạch tỉnh và quy hoạch chung đô thị; trong đó có kỳ hạn khác nhau; đối tượng khác nhau; mục tiêu khác nhau; tính biến động khác nhau; có chỉ tiêu khác nhau; tỉ lệ khác nhau…

“Tôi lấy ví dụ, hai quy hoạch này có mục tiêu khác nhau. Một bên là xây dựng kế hoạch kinh tế - xã hội, một bên là xây dựng hình ảnh đô thị về dài hạn” - ông nói và cho rằng việc tích hợp hai loại quy hoạch này là khó khả thi…

Tránh tình trạng thấy đất đẹp là bôi xanh đỏ

ĐBQH Hoàng Văn Cường cũng đề nghị phương án quy hoạch phải dựa trên cơ sở đánh giá và so sánh được dòng lợi ích và chi phí trước mắt và tương lai.

“Điều này để tránh tình trạng cứ nhìn thấy đất đẹp là bôi xanh đỏ thành đô thị, không cần biết cơ sở nào để nó sẽ trở thành đô thị và tương lai dựa trên dòng lợi ích nào để phát triển” – ông Cường nói.

Theo ĐB, cần phải quy định cụ thể các nội dung quy hoạch đô thị theo định hướng giao thông TOD như thế nào để tự quy hoạch sẽ thu hút các nhà đầu tư, tạo nguồn lực phát triển hạ tầng và hưởng lợi từ dự án đô thị.

 ĐBQH Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội).

ĐBQH Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội).

“Tránh tình trạng như hiện nay, đô thị đi trước, để giải quyết nhu cầu bức xúc của người dân, Nhà nước phải đầu tư hạ tầng đi sau. Như thế vừa khó khăn do không có không gian dành cho phát triển hạ tầng, thậm chí Nhà nước phải bỏ tiền để giải phóng mặt bằng, bỏ tiền ngân sách ra đầu tư hạ tầng để nhà đầu tư dự án được hưởng lợi” – ĐB Cường nói.

Còn ĐB Nguyễn Thị Ngọc Xuân (đoàn Bình Dương) kiến nghị bổ sung nội dung với dự án nhà ở xã hội, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, tái định cư tại chỗ được ưu đãi về mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất theo quy định về nhà ở thì được điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị, nông thôn để đảm bảo thực hiện dự án.

Theo bà, điều này nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thực hiện dự án nhà ở xã hội, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, tái định cư tại chỗ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người lao động.

Giải trình vấn đề ĐBQH nêu, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định đô thị và nông thôn là các không gian lãnh thổ không thể tách rời, được tổ chức xen kẽ, được quản lý theo các cấp chính quyền. Do đó, công tác quy hoạch đô thị và nông thôn cần được nghiên cứu đồng bộ để đảm bảo đáp ứng yêu cầu về sự chuyển hóa giữa đô thị và nông thôn theo hướng hiệu quả, bền vững.

Dự luật phân định rõ quy hoạch nông thôn với quy hoạch đô thị; quy định rõ các hoạt động trên địa bàn gắn kết phát triển đô thị và nông thôn, các đối tượng không gian lập quy hoạch cũng được xác định theo Điều 5 của dự thảo luật.

Theo đó, nội dung quy hoạch nông thôn tập trung vào xây dựng, tổ chức phân bố dân cư nông thôn trên cơ sở đánh giá lựa chọn không gian đất đai trên toàn bộ phận ranh giới lập quy hoạch. Còn các ngành, lĩnh vực khác như nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi.. thì theo quy hoạch của luật chuyên ngành.

Về các nội dung ĐB nêu, Bộ trưởng Xây dựng cho hay cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp tục cùng với cơ quan thẩm tra nghiên cứu tiếp thu tối đa các ý kiến của các ĐBQH để hoàn thiện dự thảo luật.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/co-tinh-trang-quy-hoach-do-thi-di-truoc-nha-nuoc-phai-dau-tu-ha-tang-theo-sau-post797882.html