Hạn chế xe máy - cần giải pháp đồng bộ

Hà Nội vừa đề xuất thí điểm hạn chế xe máy ở 12 quận nội thành, bắt đầu tại quận Hoàn Kiếm vào năm 2025 và tiến tới cấm hoàn toàn vào năm 2030 nhằm giảm ô nhiễm, ùn tắc giao thông và xây dựng đô thị văn minh.

Đề xuất của Hà Nội phản ánh sự trăn trở của chính quyền đối với bài toán giao thông và môi trường đô thị. Trong bối cảnh Thủ đô ngày càng đối mặt với những thách thức về tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm không khí và sự phát triển nhanh chóng của đô thị, việc xem xét các giải pháp để giảm thiểu những tác động tiêu cực là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, sự cần thiết ban hành, tác động chính sách cũng như những thách thức về hạ tầng, quyền lợi người dân, và tính công bằng vẫn còn là vấn đề cần bàn luận.

Trước hết, xe máy đúng là một nguồn gây ô nhiễm đáng kể nhưng nó đồng thời là trở thành phương tiện không thể thiếu trong cuộc sống của người dân Hà Nội. Với đặc điểm linh hoạt, chi phí thấp, xe máy vẫn là lựa chọn tối ưu cho những người có thu nhập trung bình và thấp; là công cụ mưu sinh của nhiều người lao động.

Trong khi đó, giao thông công cộng tại Hà Nội chưa đáp ứng đủ nhu cầu, cả về mạng lưới lẫn hiệu quả vận hành, khiến người dân càng khó từ bỏ xe máy. Thực tế, nhiều năm qua, Hà Nội đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp chính sách để giải quyết vấn đề giao thông đô thị, trong đó đặc biệt tập trung phát triển giao thông công cộng. Vậy nhưng, số lượng xe máy đăng ký mới vẫn tiếp tục gia tăng mà không có dấu hiệu dừng lại và lượng ô tô cá nhân và thương mại cũng đang có xu hướng tăng. Điều này cho thấy, mặc dù các chủ trương, chính sách có thể đúng về lý thuyết hay logic hình thức, nhưng lại không phù hợp với yêu cầu thực tế, nhu cầu, điều kiện và hoàn cảnh sống của người dân!

Hơn nữa, xe máy không phải là nguồn duy nhất gây ô nhiễm. Nếu chỉ tập trung vào xe máy mà không kiểm soát ô tô hay các nguồn ô nhiễm khác, chính sách này có thể gây tranh cãi về tính công bằng và khả năng thực thi.

Và suy đến cùng, nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến ùn tắc giao thông kéo theo ô nhiễm môi trường ở Hà Nội không phải do xe máy hay ô tô, mà nằm ở quy hoạch đô thị (trong đó, quy hoạch xây dựng gây tác động nhiều hơn là quy hoạch giao thông) và do mật độ người quá đông.

Trong bối cảnh hiện nay, dù hạn chế và tiến tới cấm xe máy là một chính sách cần thiết nhưng thực hiện chắc chắn không dễ dàng. Muốn có được sự đồng tình của người dân về quyết định hạn chế, cấm xe máy, Hà Nội cần triển khai đồng bộ các giải pháp, từ phát triển giao thông công cộng, quy hoạch đô thị bền vững, đến bảo đảm lợi ích của người dân. Quan trọng nhất là đầu tư mạnh vào hạ tầng giao thông công cộng, nâng cao hiệu quả mạng lưới xe buýt và đường sắt đô thị, đồng thời mở rộng các hình thức di chuyển xanh. Các giải pháp hỗ trợ như ưu đãi tài chính để người dân chuyển đổi sang phương tiện thân thiện môi trường cũng cần được triển khai.

Đặc biệt, sự tham gia của người dân trong quá trình xây dựng và thực hiện chính sách là yếu tố không thể thiếu. Việc thảo luận để ban hành chính sách hạn chế, tiến tới cấm xe máy, cần có sự tham gia của người dân, đặc biệt những người sử dụng xe máy là nhóm đối tượng chịu sự tác động. Chỉ khi minh bạch thông tin, đánh giá tác động khoa học, và lắng nghe ý kiến cộng đồng mới có thể tìm kiếm được các giải pháp khả thi và tiếng nói đồng thuận.

Nhìn ra bên ngoài, các quốc gia như Trung Quốc đã thành công nhờ giải quyết tốt bài toán quy hoạch đô thị và phát triển hạ tầng trước khi áp dụng lệnh cấm xe máy. Hà Nội cần học tập tư duy quản trị tổng thể, giải quyết bất cập từ nguồn gốc như quy hoạch xây dựng và giao thông, thay vì chỉ xử lý các vấn đề phát sinh bề mặt. Có như vậy, thành phố mới xây dựng được một tương lai giao thông xanh và hiện đại.

Cẩm Phô

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/han-che-xe-may-can-giai-phap-dong-bo-post396826.html