Cố vấn cựu Thủ tướng Anh đưa ra 7 chìa khóa giúp con người bước vào cánh cửa hạnh phúc
Có phải đôi khi bạn thấy thế giới này rất nhàm chán không? Nhưng cuộc sống này thật sự muôn màu muôn vẻ hơn bạn nghĩ.
Mùa hè vừa trôi qua, hẳn rằng không ít người đã thưởng cho mình kỳ nghỉ để “làm mới bản thân”. Vậy bạn đã được chữa lành đến đâu rồi?
Cái nóng đổ lửa khiến ai cũng ám ảnh. Nhìn lại mọi thứ, chúng ta đã trải nghiệm rất nhiều chuyện.
Dám hỏi một câu đơn giản, hơn nửa năm vừa qua của bạn như thế nào? Chắc là ai cũng có câu trả lời riêng, hoặc có lẽ vẫn đang băn khoăn không biết mình đang sống đúng nghĩa chưa, có hạnh phúc không…
Mở rộng tầm nhìn ra một chút, như Richard Layard, chuyên gia ngành kinh tế học hạnh phúc, đã tự đặt câu hỏi rằng:
“Sống như thế nào mới hợp lý? Rốt cuộc thì điều gì đáng để chúng ta tiếp tục sống đến vậy?...”.
Bất kể ở nơi đâu, những câu hỏi của Richard đều “chọc trúng” tâm can của mỗi người chúng ta. Là cố vấn chính sách cho cựu Thủ tướng nước Anh Tony Blair, Richard tập trung nghiên cứu tâm lý học tích cực, đề ra 7 chìa khóa giúp con người bước vào cánh cửa hạnh phúc trong quyển Happiness.
1. Cho đi: quan tâm và giúp đỡ người khác
Quan tâm người khác là yếu tố cơ bản của cảm giác hạnh phúc. Giúp đỡ người xung quanh không chỉ mang lại lợi ích cho người được giúp, mà còn là chuyện tốt khiến chúng ta càng thêm hạnh phúc và khỏe mạnh.
Không chỉ như thế, cho đi còn có thể thắt chặt các mối quan hệ, từ đó thúc đẩy hình thành nên xã hội hạnh phúc và đầy bao dung.
Cho đi không chỉ hạn chế ở mặt vật chất. Nó cũng có thể là thời gian, suy nghĩ và công sức. Vậy nên, nếu bạn muốn cảm thấy vui vẻ thì hãy hành thiện tích đức.
2. Giữ mối quan hệ: duy trì liên lạc với người thân thương
Quan hệ xã hội là nhân tố ảnh hưởng quan trọng nhất của cảm giác hạnh phúc. Người sở hữu vòng quan hệ xã hội rộng rãi thường đủ đầy vui vẻ và sống thọ hơn.
Quan hệ mật thiết với người thân và bạn bè mang lại yêu thương và ủng hộ đến cho ta, giúp ta cảm thấy bản thân có giá trị, cuộc sống tràn đầy ý nghĩa.
Duy trì mối quan hệ không nhất thiết phải mở rộng liên tục, kết nhiều bạn, mà là “giữ lửa” kết nối mọi người với nhau, không để thời gian và khoảng cách làm nguội lạnh tình cảm.
3. Vận động: giữ gìn sức khỏe
Cơ thể và tâm hồn liên kết chặt chẽ với nhau. Vận động không chỉ giúp cơ thể khỏe mạnh, mà còn giúp chúng ta càng thêm vui vẻ, lạc quan.
Hơn hết, vận động có thể cải thiện cảm xúc, thậm chí kéo chúng ta vượt qua giai đoạn sụp đổ cùng cực. Đương nhiên, đây không phải nói ai cũng phải chạy Marathon. Trên thực tế, bạn có thể chọn những bộ môn phù hợp với mình, như tập yoga, leo núi, nhảy dây, tập gym…
Luyện thói quen đặt điện thoại và máy tính xuống trong một khoản thời gian nhất định trong ngày, ra ngoài tản bộ, ngủ nghỉ hợp lý, sức khỏe đủ đầy đến bất ngờ.
4. Tận hưởng: để ý đến thế giới xung quanh
Có phải đôi khi bạn thấy thế giới này rất nhàm chán không? Nhưng cuộc sống này thật sự muôn màu muôn vẻ hơn bạn nghĩ. Chỉ cần chúng ta bước chậm lại một chút, tạm thời buông bỏ những tất bật trong tay để tỉ mỉ và thành tâm quan sát những gì trước mắt.
Trên đường đi làm, lúc ăn uống, giao lưu với bạn bè và đồng nghiệp… đều chứa đựng những khoảnh khắc vui vẻ khiến bạn phải nhớ mãi. Hãy cố gắng tìm thấy những hạnh phúc nhỏ nhặt xung quanh, bởi lẽ cuộc sống này không nhàm chán đến thế.
5. Tin tưởng tương lai: đặt ra mục tiêu để phấn đấu
Hy vọng vào tương lai cũng ảnh hưởng đến cảm giác hạnh phúc của chúng ta. Dù biết rằng kỳ vọng càng cao, thất vọng càng nhiều, nhưng vẫn phải tin tưởng vào tương lai tươi sáng đúng không?
Đây là một trong những cơ sở tạo động lực để chúng ta không ngừng phấn đấu. Mục tiêu dẫn lối chỉ đường cho chúng ta bước đi, cho dù kết quả ra sao, ít nhất bản thân đã cố gắng để không phải hối hận.
6. Thản nhiên: năng lực tự tin trước biến cố
Sống trên đời, ai cũng phải trải qua áp lực, mất mát, trắc trở và thất bại, không ít thì nhiều. Nhưng khi đối mặt với nghịch cảnh, cách đối phó khác nhau sẽ mang lại kết quả không giống nhau.
Chúng ta không thể ngăn cản biến cố xuất hiện, nhưng chúng ta có thể lựa chọn thái độ để đối mặt. Mặc dù bắt tay hành động không dễ dàng như thế, nhưng chí ít cũng sẵn sàng tâm thái để thử sức.
7. Tiếp nạp: chấp nhận bản thân
Không ai là hoàn hảo. Nhưng chúng ta thường lấy sở đoản của mình để so đo với sở trường của người khác. Nếu cứ mãi loay hoay với khuyết điểm của mình thì rất khó có được niềm vui.
Phải học cách chấp nhận chính mình, những lúc khó khăn thì càng phải đối xử tốt với bản thân hơn, tận hưởng cuộc sống, nâng cao cảm giác hạnh phúc. Đây chính là tiền đề để bạn yêu thương người khác, chấp nhận đối phương.
(Nguồn: Thepaper)