Cởi bỏ gánh nặng chính sách để doanh nghiệp phát triển
Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), kiềm chế giá xăng trong nước không để gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế, Chính phủ đã có nhiều biện pháp cắt giảm các loại thuế đối với xăng dầu, gồm thuế bảo vệ môi trường, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng.
Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam cho rằng, tiền thuế bảo vệ môi trường (BVMT) xăng dầu được cơ cấu nằm trong giá bán sản phẩm. Do đó, việc điều chỉnh mức thuế này dẫn đến giá xăng dầu giảm tương ứng phần thuế được giảm. Từ đó kích thích tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
“Việc giảm thuế với các mặt hàng xăng dầu vừa qua là cú hích rất mạnh giúp doanh nghiệp (DN), người dân giảm áp lực tăng giá, giảm áp lực lạm phát, bình ổn giá thị trường”- bà Cúc nói.
Năm 2022, đối với thuế BVMT, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã 2 lần giảm loại thuế này để ứng phó với việc giá xăng dầu của thế giới liên tục tăng. Lần thứ nhất, giảm 50% (từ 4.000 đồng/lít xuống còn 2.000 đồng/lít), áp dụng từ tháng 4 đến hết tháng 12/2022. Lần thứ hai, giảm xuống mức sàn (từ 2.000 đồng/lít xuống còn 1.000 đồng/lít). Các Nghị quyết này đều được xây dựng theo trình tự thủ tục rút gọn. Cuối tháng 12/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lại quyết định mức thuế BVMT đối với xăng dầu là 50% mức trần trong năm 2023.
Đối với thuế nhập khẩu, Chính phủ cũng đã giảm thuế suất nhập khẩu ưu đãi (MFN) từ mức 20% về mức 10%. Thuế nhập khẩu xăng có 2 mức, mức 8% áp dụng cho các quốc gia mà Việt Nam có Hiệp định thương mại tự do (FTA) như: các nước ASEAN, Hàn Quốc và mức MFN 20% áp dụng cho hầu hết các nước khác.
Tuy nhiên, theo VCCI, vẫn còn nhiều văn bản đặt thêm điều kiện kinh doanh, chồng chéo về nội dung hoặc nội dung không rõ ràng, gây khó khăn cho DN xăng dầu khi thực thi.
Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI nói rằng vẫn có nhiều quy định vướng mắc, gia tăng chi phí kinh doanh một cách bất hợp lý cho DN. Còn theo TS Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - CIEM) thì các kết quả cải cách vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhà đầu tư, DN. Gánh nặng chính sách đối với DN tồn tại dưới nhiều hình thức, thể hiện qua nhiều bất cập khác nhau. Có những vấn đề kéo dài nhiều năm chưa được giải quyết.
Theo phản ánh của cộng đồng DN, quy định về điều kiện đảm bảo phòng cháy chữa cháy chưa khoa học; chưa phân loại theo mức độ rủi ro của ngành nghề sản xuất, kinh doanh; áp đặt điều kiện quá mức cần thiết và làm tăng đáng kể chi phí của DN. Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam cho rằng, giấy phép phòng cháy chữa cháy và giấy phép hoàn công đã được cấp khi xây dựng nhà máy ban đầu khác với quy định hiện hành, dẫn đến tăng chi phí và kéo dài thời gian cấp phép cho DN.
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho rằng, doanh nghiệp mong muốn ổn định môi trường pháp lý để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân. Đối với các dự án đầu tư lớn, thực hiện trong thời gian dài, các nhà đầu tư luôn đòi hỏi tính ổn định và khả năng dự đoán của môi trường pháp lý để quyết định liệu có đầu tư hay không. Rủi ro pháp lý cao đồng nghĩa với hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp kém thuận lợi.