Coi chừng bỏng da, loét họng khi dùng tinh dầu tràm sai cách

Tinh dầu tràm hiện được rất nhiều gia đình dùng để bảo vệ sức khỏe. Tuy nhiên, việc dùng không đúng cách có thể dẫn đến những hậu quả tai hại như dị ứng, bỏng... đặc biệt đối với trẻ em.

Không nên bôi trực tiếp tinh dầu lên da của trẻ để tránh bỏng… Ảnh: T.G

Không nên bôi trực tiếp tinh dầu lên da của trẻ để tránh bỏng… Ảnh: T.G

Bỏng vì dùng tinh dầu sai cách

Biết đến công dụng của tinh dầu tràm trong việc chăm sóc sức khỏe trẻ sơ sinh, chị Chu Thị Ngọc (Hà Nội) đã mua một lọ tinh dầu được cho là nguyên chất ở trên mạng cho con 6 tháng tuổi của mình. Mua về chị bôi tinh dầu lên lòng bàn chân, bàn tay và vùng ngực của con nhằm giữ ấm cơ thể. Sau 15 phút sử dụng, con chị có biểu hiện rát đỏ bàn tay và phồng rộp vùng ngực. Đưa con đi khám, chị mới biết nguyên nhân con bị bỏng do dùng tinh dầu tràm sai cách. Bác sỹ khuyên chị ngừng sử dụng dầu tràm và kết hợp dùng thuốc da liễu, nhờ đó mà sau thời gian điều trị da của con chị mới trở lại bình thường.

Dược sĩ Nguyễn Thị Hường, Công ty TNHH TM & DV Sức khỏe Vạn Xuân (Hà Nội) cho biết, tinh dầu là một trong những liệu pháp được sử dụng để chăm sóc sức khỏe tương đối tốt. Với tinh dầu tràm rất tốt trong việc phòng và điều trị cảm lạnh, ho, trúng gió, trị các vết côn trùng đốt, các loại nấm da, viêm da… Ngoài ra, thường xuyên dùng dầu tràm để tắm cho trẻ, mụn nhọt trên da sẽ giảm rõ rệt, tránh bị các bệnh lây nhiễm qua da, chân tay miệng…

Tuy nhiên tinh dầu tràm nguyên chất rất tốt cũng không nên sử dụng một cách bừa bãi, đặc biệt trước khi sử dụng cần phải đọc nhãn mác để không gây hại sức khỏe. Một sai lầm hay gặp ở các bậc phụ huynh khi dùng tinh dầu là dùng 1 đến 2 giọt tinh dầu tràm bôi trực tiếp lên da ngực trẻ để giữ ấm hoặc nhỏ vào họng trẻ, nhằm chữa viêm họng và sát khuẩn vùng vòm họng cho trẻ. Điều này sẽ gây nguy hiểm cho trẻ, có thể làm bỏng da, loét họng…

“Nếu mua đúng dầu tràm chuẩn thì sẽ không có hiện tượng này xảy ra, vì dầu tràm là thứ ít gây kích ứng đến mức bỏng da. Song đa số các mẹ khi sử dụng tinh dầu lại không thể kiểm chứng được xem loại tinh dầu đó có thật sự nguyên chất. Các loại hương tổng hợp không có tác dụng trị liệu, nhiều khi gây ức chế thần kinh khiến người dùng đau đầu, mùi cũng không thơm lâu và khó chịu không như tinh dầu nguyên chất.

Trên thị trường, nhiều sản phẩm tinh dầu tràm chỉ có 20-30% là tràm còn lại 70-80% đã được pha trộn từ loại tinh dầu chổi chít. Ngay từ lúc đưa nguyên liệu vào chưng cất họ đã trộn lẫn nhau, dù nếu để tách riêng ra thì màu tinh dầu chổi chít tương đồng như màu tràm, ngả vàng. Giá thành loại này rẻ hơn song thường có tính nóng, dễ gây bỏng rát khi sử dụng. Khi mua, mọi người cần chọn cơ sở uy tín”, Dược sỹ Hường nói.

Xử lý đúng cách khi bị bỏng tinh dầu

Dược sỹ Hường cho hay, khi phát hiện trẻ bị bỏng hoặc phồng rộp do sử dụng tinh dầu, nguyên tắc đầu tiên là pha loãng nồng độ tinh dầu. Nhưng pha loãng tinh dầu không nên rửa dưới vòi nước bởi dầu không tan trong nước sẽ làm tinh dầu loang ra. Nên dùng dầu nền như dầu olive, dầu dừa thoa nhẹ trên bề mặt để làm dịu cảm giác bỏng rát và đưa trẻ đến cơ sở y tế để cấp cứu.

Tinh dầu nguyên chất rất đậm đặc nên dễ gây ra các cảm giác nóng da. Không nên để tinh dầu rơi vào mắt. Trong trường hợp bị nhỏ vào mắt cũng dùng chất xúc tác là dầu olive. Nếu là người lớn thì nằm nghiêng nhờ người khác nhỏ vào, trẻ nhỏ bế nằm nghiêng người và giữ cố định đầu bé để rửa mắt. Thực hiện quy trình rửa mắt liên tục trong vòng 5-10 phút đến khi mắt dịu hơn. Sau đó nên đến chuyên khoa mắt kiểm tra.

Khi dùng dầu tràm cho bé, bạn cần chú ý dùng dầu tràm với lượng vừa phải vì dùng nhiều quá bé sẽ bị mẩn đỏ. Trẻ sơ sinh dưới 12 tháng không nên để dầu tràm tiếp xúc trực tiếp lên da bé, có thể bôi lên khăn, quần áo hoặc thoa qua tay người lớn trước khi xoa lên cơ thể bé. Tuyệt đối không bôi tinh dầu lên vùng cơ thể nhạy cảm như miệng, cổ họng và âm đạo.

Theo các chuyên gia, trong những ngày hè này, trẻ dễ bị khò khè do nằm điều hòa, cha mẹ có thể dùng vài giọt dầu tràm đổ ra tay sau đó xoa gan bàn chân, ngực, cổ cho bé mỗi tối trước khi đi ngủ. Để sát khuẩn cổ họng, cha mẹ nên nhỏ 2 giọt tinh dầu vào cốc nước ấm, sau đó cho trẻ súc miệng.

Lưu ý khi sử dụng tinh dầu tràm

-Không đựng vào các lọ tái chế như lọ nước muối, lọ đựng canxi… tránh nhầm lẫn dẫn tới việc cho bé uống nhầm, nhỏ mắt nhầm.

-Không tự chiết ra các lọ nhựa vì nhựa không đảm bảo chất lượng trong quá trình bảo quản tinh dầu tràm.

-Khi tinh dầu rơi vào mắt không được dụi mắt, cần cố gắng ngay lập tức có phương thức để rửa mắt như trên và đến bác sỹ kiểm tra lại.

Dược sỹ Nguyễn Thị Hường

Phương Thuận

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/song-khoe/coi-chung-bong-da-loet-hong-khi-dung-tinh-dau-tram-sai-cach-20180607082513755.htm