Dấu ấn của Bộ Tài chính trong nhanh chóng hình thành 'luật chơi' cho kinh tế tư nhân bứt phá

Thực hiện nhiệm vụ được giao, trong đó có nhiều 'đề bài' khó, nhưng chỉ trong thời gian ngắn, Bộ Tài chính đã trình cấp có thẩm quyền ban hành hệ thống văn bản quy định mang tính trụ cột về chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy mạnh mẽ khu vực kinh tế phát triển.

Trình cấp có thẩm ban hành nhiều nghị quyết quan trọng

Nhìn lại những nỗ lực về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển doanh nghiệp trong trong 6 tháng đầu năm 2025 cho thấy, Bộ Tài chính đã báo cáo Đảng ủy Chính phủ để trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 về phát triển kinh tế tư nhân, với những chính sách thực chất và mang tính cách mạng, khẳng định vị thế của kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia.

Trao đổi với Tạp chí Kinh tế - Tài chính, Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Điều hành Công ty Luật BASICO cho rằng, với Nghị quyết số 68-NQ/TW, từ quan điểm chỉ đạo, cho đến các giải pháp đều đang hướng tới xóa bỏ triệt để các định kiến còn tồn tại về kinh tế tư nhân, chuyển từ kiểm soát sang thúc đẩy, phụng sự, hỗ trợ. Toàn bộ hệ thống lập pháp, hành pháp và tư pháp sẽ có chuyển biến để tạo sự hỗ trợ cho nguồn động lực quan trọng nhất này.

Chỉ trong thời gian ngắn, đã hình thành hệ thống "luật chơi" bài bản, đột phá cho khu vực kinh tế tư nhân bứt phá.

Chỉ trong thời gian ngắn, đã hình thành hệ thống "luật chơi" bài bản, đột phá cho khu vực kinh tế tư nhân bứt phá.

Trên thực tế, để khẩn trương thể chế hóa các quy định đột phá của Nghị quyết số 68-NQ/TW, trên cơ sở đó nhanh chóng đưa vào vào cuộc sống, Bộ Tài chính đã trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản quan trọng.

Cụ thể, Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 138/NQ-CP ngày 16/5/2025 Ban hành Kế hoạch hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW. Đồng thời, trình Chính phủ báo cáo Quốc hội thông qua Nghị quyết số 198/2025/QH15 ngày 17/5/2025 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân.

Ngoài ra, Bộ Tài chính còn trình Chính phủ báo cáo Quốc hội thông qua Luật số 76/2025/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp…

Để sớm đưa các quy định mới mang tính đột phá được nêu trong các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ vào cuộc sống, Bộ Tài chính đã chủ động, khẩn trương trong phân công nhiệm vụ rõ ràng cho các đơn vị chức năng.

Cụ thể, thừa lệnh Bộ trưởng Bộ Tài chính, Phó Chánh văn phòng Bộ Tài chính Mai Thế Hùng mới đây đã ký Thông báo số 493/TB-BTC về phân công triển khai xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Nghị quyết số 198/2025/QH15 của Quốc hội.

Theo đó, Cục Đầu tư nước ngoài được giao chỉ trì phối hợp với Vụ Pháp chế, Vụ Ngân sách nhà nước, Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ, Vụ Tài chính - Kinh tế ngành, Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể hướng dẫn khoản 1, 2, 5, 6 Điều 7, Nghị quyết số 198/2025/QH15 về hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh.

Cục Quản lý đấu thầu được giao chỉ trì phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Tài chính hướng dẫn Điều 11 về ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu; Điều 14 về đặt hàng, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu thực hiện dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia.

Cục Quản lý công sản được giao chỉ trì phối hợp với Vụ Pháp chế, Vụ Tài chính - Kinh tế ngành, Cục Đầu tư nước ngoài, Cục Công nghệ thông tin và chuyển đổi số, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể hướng dẫn khoản 1, 2 Điều 8, Nghị quyết số 198/2025/QH15 về hỗ trợ thuê nhà, đất là tài sản công…

Hiệu ứng tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp

Chính sự quyết liệt, rốt ráo trên, mà chỉ trong thời gian ngắn đã hình thành hệ thống “luật chơi” đồng bộ, bài bản, thông thoáng, mang tính đột phá về thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển.

Điều đó đã tạo được hiệu ứng tích cực trên thực tế. Theo Bộ Tài chính, tháng 6/2025 chứng kiến sự bứt phá chưa từng có của cộng đồng doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Khí thế và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp lên cao hơn bao giờ hết.

Sau đúng 2 tháng triển khai các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội, một số chỉ số quan trọng có sự tăng trưởng mạnh như: Số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong 6 tháng đầu năm nay là gần 91,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 60,51% so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong nửa đầu năm 2025 là trên 61,5 nghìn doanh nghiệp (tăng 57,22% so với cùng kỳ). Số hộ kinh doanh thành lập mới trong tháng 6/2025 là trên 124,3 nghìn hộ, tăng tới 118,4% so với cùng kỳ năm trước.

Sự lạc quan của cộng đồng doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở đó. Theo Cục Thống kê (Bộ Tài chính), kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý II/2025 cho thấy, có 35,7% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn so với quý I/2025. Dự kiến quý III/2025, có 37,3% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý II/2025.

Hữu Hòe

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/dau-an-cua-bo-tai-chinh-trong-nhanh-chong-hinh-thanh-luat-choi-cho-kinh-te-tu-nhan-but-pha.html