Cởi mở, trách nhiệm trong quản lý hoạt động biểu diễn
Tổ chức nghệ thuật biểu diễn (NTBD) đang gặp phải câu chuyện rất phức tạp, chẳng hạn trong chương trình có múa, hát, hội họa… thì nhà tổ chức sẽ phải cất công đi xin mỗi cơ quan một tờ giấy phép. Đó là một trong những nguyên do khiến công nghiệp văn hóa nói chung, công nghiệp tổ chức hoạt động biểu diễn nghệ thuật, giải trí nói riêng của Việt Nam chậm phát triển so với tiềm năng cũng như mục tiêu đã đề ra.
Tìm hướng chuyên nghiệp
Lễ hội Âm nhạc Quốc tế gió mùa-Monsoon Music Festival (MMF) diễn ra trong 3 ngày đầu tháng 11 tại Hà Nội được giới chuyên môn đánh giá đúng nghĩa chuyên nghiệp đầu tiên ở Việt Nam. Tổ chức hằng năm, bắt đầu từ năm 2014, nhưng để duy trì được đến giờ, nhà tổ chức phải tốn nhiều công sức, bởi thời gian đầu rất ít người thực sự hiểu thế nào là festival âm nhạc. Theo nhạc sĩ Quốc Trung, Giám đốc sản xuất MMF: Cách duy nhất để thuyết phục nhà đầu tư, cơ quan quản lý là làm nội dung tốt nhất có thể và đưa ra những cam kết về chất lượng, sự an toàn của sự kiện, trách nhiệm phục vụ cộng đồng và tạo dựng “thương hiệu” để thu hút nghệ sĩ tên tuổi quốc tế đến với một sự kiện thường niên, đúng thời điểm tại Việt Nam. Nỗ lực này đã thuyết phục được UBND TP Hà Nội cho phép Monsoon tổ chức tại địa điểm Hoàng thành Thăng Long trong 4 năm tới (đến năm 2022). Tuy nhiên, Monsoon vẫn cần rất nhiều nguồn lực hỗ trợ để đi đường dài.
Ngoài MMF, những năm qua có khá nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật mang ý nghĩa sáng tạo, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của người dân và đặc biệt thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Chương trình nghệ thuật thực cảnh “Ký ức Hội An” là một ví dụ. Đây là chương trình biểu diễn thực cảnh hội tụ tinh hoa của nghệ thuật đương đại: Diễn viên chuyên nghiệp, hiệu ứng sân khấu ngoạn mục, đạo cụ chỉn chu, vũ đạo điêu luyện, âm thanh, ánh sáng hiện đại… Sự kết hợp nhuần nhuyễn của 500 diễn viên trên sân khấu ngoài trời 25.000m2 với bối cảnh sông nước, đồi núi nên thơ, mang đến cho khán giả hình dung về toàn bộ quá trình Hội An phát triển từ một làng nhỏ thành một điểm đến du lịch sôi động như hiện nay. Sản xuất chương trình này, Gami Theme Park xác định, muốn quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới phải sử dụng công nghệ hiện đại, sáng tạo nghệ thuật mới để khắc họa những nét vàng son của dân tộc. Cũng theo đại diện Gami Theme Park, show diễn đang nhận liên hệ thông tin của các hãng thông tấn, báo chí uy tín thế giới như CNN, BBC… Trong đó, hồi tháng 3-2019, Reuters ghi nhận “Ký ức Hội An” đang góp phần thúc đẩy lượng khách du lịch đến Việt Nam, làm gia tăng thời gian lưu trú của du khách, qua đó góp phần vào tăng trưởng kinh tế du lịch của địa phương.
PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho hay: “Năm 2014, khi bắt đầu nghiên cứu công nghiệp văn hóa, chúng tôi đã mời chuyên gia UNESCO về đánh giá các vấn đề văn hóa Việt Nam, họ thấy bối rối. Cái gì chúng ta cũng có, nhưng lại không chuyên nghiệp. Bộ phận nào biết việc của bộ phận đó, chưa biết liên kết với nhau để tạo nên sức mạnh tổng hòa, thuận lợi”.
Đề cao trách nhiệm của ngành văn hóa
Thực tế mọi hoạt động NTBD của Việt Nam dựa trên hai văn bản: Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 5-10-2012 của Chính phủ quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu và Nghị định số 15/2016/NĐ-CP ngày 15-3-2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP. Trong thời gian triển khai, hai văn bản trên đã thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về văn hóa, nghệ thuật vào thực tiễn đời sống; góp phần tích cực giúp cơ quan quản lý thực hiện tốt các biện pháp quản lý nhà nước và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân hoạt động sáng tạo nghệ thuật. Tuy nhiên, công tác quản lý, lĩnh vực NTBD luôn chứa đựng yếu tố mới về nội dung, hình thức thể hiện, do đó một số quy định tại nghị định sau một thời gian thực hiện đã bộc lộ những điểm không phù hợp với thực tiễn đời sống nghệ thuật.
Vì vậy, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang phối hợp với các ngành chức năng chuẩn bị dự thảo nghị định trình Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung nội dung cho phù hợp, kịp thời tạo hành lang pháp lý tốt hơn cho hoạt động NTBD. Dự thảo nghị định quy định về hoạt động NTBD gồm 6 chương, 38 điều, có nhiều điểm mới so với các văn bản trước. Đó là mở rộng các loại hình trình diễn nghệ thuật, bổ sung về chính sách cho hoạt động NTBD, đặc biệt là cơ chế, chính sách phục vụ phát triển hoạt động sáng tạo NTBD; hoàn thiện các chính sách trong lĩnh vực NTBD trực tiếp và đặc biệt qua công nghệ số đến công chúng trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0; thí sinh dự thi người đẹp, người mẫu quốc tế không vi phạm pháp luật, có giấy mời của ban tổ chức cuộc thi; chính sách thực thi quyền tác giả trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật…
Nhằm giảm bớt thủ tục hành chính, phân cấp quản lý, dự thảo quy định hoạt động biểu diễn ở địa phương nào thì cơ quan quản lý địa phương đó xem xét cấp phép. Theo NSND Nguyễn Quang Vinh, quyền Cục trưởng Cục NTBD, việc này sẽ nâng cao trách nhiệm của địa phương trong thẩm định, quản lý biểu diễn. Bên cạnh đó, dự thảo có quy định trách nhiệm của chủ địa điểm biểu diễn nghệ thuật, nhằm trao quyền và nghĩa vụ cho họ khi phát hiện những sai phạm, tránh tình trạng như vụ việc 7 người tử vong trong lễ hội âm nhạc ở Công viên Hồ Tây (Hà Nội) năm 2018. NSND Nguyễn Quang Vinh cũng cho rằng: “Dự thảo nghị định cần tiếp tục được góp ý để bổ sung và hoàn thiện. Tuy nhiên, những người làm quản lý NTBD hiện nay nên có tư tưởng cởi mở hơn, chỉ ngăn chặn những hoạt động trái pháp luật, đi ngược với lợi ích quốc gia. Những thủ tục hành chính cần tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia sáng tạo văn học, nghệ thuật phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa dân tộc, bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh, đúng quy định của pháp luật”.
Dự thảo nghị định quy định về hoạt động NTBD được cho là đã cởi mở, thông thoáng hơn, song những người hoạt động nghệ thuật cũng như cơ quan quản lý lĩnh vực NTBD vẫn mong muốn nghị định mới hỗ trợ nhiều hơn. NSƯT Nguyễn Văn Trực, Trưởng phòng Quản lý nghệ thuật (Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội) đề xuất, ngoài việc trao trách nhiệm cấp phép biểu diễn nghệ thuật cho địa phương, nghị định mới cũng cần có nội dung xử lý vi phạm, tránh tình trạng đơn vị tổ chức biểu diễn vi phạm ở địa phương nhưng không có chế tài xử lý.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết: “Ngành văn hóa từng gặp phải rất nhiều tình huống mà nếu như không nhìn về tương lai cũng như có những dự đoán trước thì các nghị định rất khó triển khai trong thời gian tới. Do đó, về mặt quản lý Nhà nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần phải điều chỉnh sao cho hoạt động NTBD được minh bạch, rõ ràng”.