'Cởi trói' cho các dự án sử dụng đất rừng

Lâu nay, nhiều dự án du lịch sinh thái của Đồng Nai bị vướng khi có liên quan đến đất rừng. Do đó, không ít dự án bị chậm tiến độ, ảnh hưởng đến cả nhà đầu tư lẫn địa phương. Vì dự án chậm đưa vào khai thác khiến nhà đầu tư mất đi cơ hội và địa phương cũng không thể thúc đẩy phát triển du lịch, thương mại dịch vụ để tăng doanh thu, tạo thêm việc làm cho người dân địa phương.

Nghị định số 91/2024/NĐ-CP ngày 18-7-2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16-11-2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những vướng mắc trong chuyển mục đích sử dụng đất rừng sang đất khác. Nghị định số 91 có hiệu lực từ ngày ban hành, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đang triển khai cho các địa phương để thực hiện.

Nước ta hiện có 15,85 triệu hécta đất lâm nghiệp, trong đó hơn 14,8 triệu hécta có rừng. Riêng Đồng Nai có diện tích rừng lớn nhất vùng Đông Nam Bộ với gần 181,4 ngàn hécta, bao gồm gần 124 ngàn hécta rừng tự nhiên và hơn 57,4 ngàn hécta rừng trồng. Tỉnh đã có gần 30 năm đóng cửa rừng nên đa dạng sinh học rất phong phú, có thể trở thành những điểm đến tham quan, nghỉ dưỡng thú vị. Đồng Nai đã quy hoạch phát triển các dự án du lịch sinh thái rừng và mời gọi nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hiện có những dự án đã có chủ đầu tư, có dự án chưa tìm được nhà đầu tư phù hợp.

Các điểm mới của Nghị định số 91 là quy định rõ ràng, chi tiết về việc chọn tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng kinh doanh dịch vụ, quản lý, xây dựng các công trình phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng. Điểm đặc biệt được cho là “cởi trói” cho nhiều dự án du lịch sinh thái có sử dụng đất rừng tại Đồng Nai cũng như các địa phương khác là chuyển mục đích sử dụng đất rừng sang đất khác, thẩm quyền quyết định thuộc về HĐND cấp tỉnh. Trước đây, khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sang đất khác với diện tích đất lớn thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Quốc hội nên doanh nghiệp chờ đợi rất lâu. Như vậy từ nay, HĐND cấp tỉnh được toàn quyền quyết định việc cho chuyển đổi đất rừng tự nhiên, rừng trồng đối với các dự án có sử dụng đất rừng. Việc này sẽ giúp cho chủ đầu tư các dự án có liên quan đến đất rừng rút ngắn được thời gian thực hiện hồ sơ, thủ tục và dự án sẽ triển khai nhanh hơn.

Đồng thời, Nghị định số 91 cũng mở rộng thêm đối tượng được chuyển mục đích sử dụng đất rừng đối với các dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Khánh Minh

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202408/coi-troi-cho-cac-du-an-su-dung-dat-rung-25d0653/