Cởi trói tập tục cho các nàng dâu rẻo cao

Trong truyền thống của các dân tộc miền núi Nghệ An, các nàng dâu thường bị trói buộc bởi nhiều điều cấm kỵ, tập tục. Ngày nay với sự tiến bộ của xã hội, người phụ nữ phần nào đã vượt lên rào cản.

Theo quan niệm chung của đồng bào dân tộc thiểu số miền Tây Nghệ An thì sau lễ tơ hồng hay còn gọi là “bữa cơm chung”, cô gái trở thành nàng dâu. Mới về làm dâu nên phải thức muộn, dậy sớm giã gạo, thổi xôi. Ăn sáng xong thì lên nương, đi rừng hái củi, ra sông suối xúc tôm cá.

Ngày nay, phụ nữ dân tộc Thái ở miền núi Nghệ An đã được đối xử bình đẳng hơn so với truyền thống.

Ngày nay, phụ nữ dân tộc Thái ở miền núi Nghệ An đã được đối xử bình đẳng hơn so với truyền thống.

Theo chồng, tên gọi của nàng dâu cũng thay đổi. Có chồng thì gọi theo tên chồng. Chị A khi lấy anh B thì gọi là cô B, bà B. Chỉ khi về nhà mẹ đẻ mới được gọi tên lúc còn con gái. Họ cũng lấy theo họ nhà chồng. Có nơi khi sinh con trai đầu lòng, cha mẹ gọi theo tên con. Tên của nàng dâu lại một lần thay đổi.

Khi chưa chồng, các cô gái có thể thoải mái, buông xõa tóc. Có chồng rồi thì phải cài trâm, kẹp tóc búi trên đầu. Dâu người Thái ở huyện Con Cuông (Nghệ An) chỉ xõa tóc đi trong nhà trong ngày chồng mất.

Theo các cao niên của dân tộc Thái, các nàng dâu trước kia còn phải đối diện với nhiều kiêng kỵ. Con dâu không được ngồi ở gian có bàn thờ gia tiên. Ngồi ăn không được cùng mâm với bố chồng. Không bước qua cối giã gạo. Ăn uống cũng kiêng cá chép, gà trắng, thịt chó...

Các “mế” ngày nay cũng tự tin tham gia phong trào và hoạt động xã hội.

Các “mế” ngày nay cũng tự tin tham gia phong trào và hoạt động xã hội.

Những quy tắc sống đối với các nàng dâu là bất thành văn, có chăng cũng chỉ xuất hiện trong dân ca, tục ngữ nhưng lại có tác động sâu rộng trên thực tế. Theo một phụ nữ dân tộc Thái ở huyện Con Cuông (Nghệ An) cho hay nhiều bà mẹ sau khi con về nhà chồng một thời gian nhận ra con mình có vẻ trưởng thành hơn. Nhưng đằng sau đó là những áp lực, nhẫn nhịn của người làm dâu, làm mẹ, làm vợ. Đôi khi cả bi kịch. Muốn rũ bỏ áp lực không dễ.

Từ khi những chủ trương chính sách mới của Đảng, Nhà nước đến với mọi miền kinh tế, xã hội thay đổi, chị em phụ nữ cũng phần nào thoát khỏi những quy tắc sống cũ. Nhiều người trong số họ được học hành, thành đạt trong cuộc sống.

Ngày nay, khi đến các làng bản ở rẻo cao, người ta sẽ không thấy những tập tục xưa như thách cưới bằng bạc nén. Lúc theo chồng, cô dâu vẫn được giữ tên gọi của mình trên căn cước công dân và các giấy tờ khác. Có sự bảo vệ của pháp luật và các tổ chức xã hội như hội phụ nữ, hội bảo trợ bà mẹ trẻ em… Cảnh con dâu không được phép ngồi cùng mâm cơm với bố chồng hay không ngồi ăn ở gian nhà có bàn thờ gia tiên đã không còn.

Sự phát triển của các phương tiện nghe nhìn và nhất là mạng internet đã giúp phụ nữ miền núi nâng cao nhận thức về nữ quyền. Các bậc làm cha, làm mẹ cũng ứng xứ văn minh hơn với con dâu của họ. Những trói buộc cấm kỵ truyền thống dần phai nhạt đi và nàng dâu được “cởi trói”.

Cảnh Huệ

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/coi-troi-tap-tuc-cho-cac-nang-dau-reo-cao-post1483917.tpo