Coi trọng trợ giúp pháp lý cho người nghèo

Chính sách trợ giúp pháp lý (TGPL) miễn phí cho người nghèo, cận nghèo, người yếu thế trong xã hội luôn được Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước (Trung tâm) tỉnh Thái Nguyên coi trọng thực hiện. Qua đó nhằm góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân, giúp người dân được sử dụng dịch vụ pháp lý miễn phí khi có vướng mắc liên quan đến pháp luật.

Người dân có liên quan đến luật pháp được cán bộ Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Thái Nguyên hỗ trợ.

Người dân có liên quan đến luật pháp được cán bộ Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Thái Nguyên hỗ trợ.

Hầu hết người nghèo, cận nghèo và các đối tượng yếu thế trong xã hội có tâm lý tự ti. Vì một lý do nào đó dẫn đến vi phạm pháp luật, hoặc có việc liên quan đến pháp luật sẽ phát sinh mặc cảm, tiêu cực, có thể dẫn đến hệ lụy khó lường. Để hạn chế, khắc phục những hậu quả không đáng có, Trung tâm chủ động tổ chức các hoạt động TGPL cho người dân. Giúp người trong cuộc nâng cao nhận thức, ổn định tư tưởng, cố gắng khắc phục hậu quả, tự tin sống hòa nhập cộng đồng.

Để triển khai có hiệu quả công tác TGPL, Trung tâm chủ động phối hợp với các cấp, ngành liên quan như: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an, Tòa án, Ủy ban MTTQ, Ban Dân tộc tỉnh, các huyện, thành… tổ chức tuyên truyền rộng rãi trong về một số luật có liên quan trực tiếp đến người dân như: Luật Bình đẳng giới; Luật Đất đai; Luật Giao thông đường bộ; Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Phòng chống bạo lực gia đình; Luật Trợ giúp pháp lý…

Chỉ tính từ năm 2022 đến hết tháng 6-2024, Trung tâm đã phối hợp với các địa phương tổ chức 29 hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, với gần 3.000 lượt người tham gia.

Phương châm gần dân, tạo cho người dân, nhất là người nghèo, cận nghèo cơ hội tiếp cận chính sách TGPL, đội ngũ trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm được phân công phụ trách, gắn với địa bàn, tích cực thực hiện nhiệm vụ thông qua các hình thức tư vấn, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, đáp ứng kịp thời yêu cầu TGPL chính đáng của người dân.

Định kỳ hằng tháng, Trung tâm tổ chức họp, đánh giá kết quả và đề ra mục tiêu nhiệm vụ của tháng tiếp theo. Trong quá trình hoạt động, Trung tâm đã kịp thời triển khai các quy định mới của pháp luật về TGPL, thường xuyên hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện TGPL theo quy định của pháp luật.

Từ tạo dựng được lòng tin trong nhân dân, nên số người tìm đến với Trung tâm ngày càng nhiều. Minh chứng trong thời gian từ 2021 đến hết năm 2023, Trung tâm thực hiện TGPL hơn 2.900 vụ việc, trong đó gần 1.700 vụ hình sự; 835 vụ dân sự, hôn nhân và gia đình; 54 vụ hành chính, còn lại thuộc lĩnh vực khác. Cùng thời gian, Trung tâm thực hiện tư vấn 580 vụ; tham gia tố tụng hơn 2.000 vụ việc; đại diện ngoài tố tụng 71 vụ việc.

Người dân tìm hiểu kiến thức pháp luật.

Người dân tìm hiểu kiến thức pháp luật.

Riêng năm 2023, Trung tâm thực hiện TGPL hơn 1.300 vụ việc, tăng 542 vụ việc so với năm 2021, tăng 458 vụ việc so với năm 2022. Hầu hết các vụ việc ở các lĩnh vực đều tăng, nhưng tăng cao phải kể đến số vụ việc hình sự, năm 2023 tăng hơn 301 vụ việc so với năm 2022; tăng 128 vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình. Theo đó, Trung tâm thực hiện tư vấn 289 vụ việc, tăng 134 vụ việc so với cùng kỳ năm 2022; tham gia tố tụng gần 1.000 vụ việc, tăng 325 vụ việc so với cùng kỳ năm 2022.

Bước sang năm 2024, đến hết 6 tháng đầu năm, Trung tâm đã thực hiện TGPL hơn 1.300 vụ việc, tăng 458 vụ việc so với cùng kỳ năm trước, trong đó hình sự 849 vụ việc, tăng 301 vụ việc so với cùng kỳ; dân sự, hôn nhân & gia đình 388 vụ việc, tăng 128 vụ việc so với cùng kỳ; Hành chính 24 vụ việc, tăng 3 vụ so với vùng kỳ; còn lại là ở lĩnh vực khác.

Một bước tiến mới trong thực hiện nhiệm vụ TGPL là từ năm 2023, Trung tâm thực hiện xong các nội dung bảo đảm về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho phòng xét xử trực tuyến và đã kết nối được với điểm cầu trung tâm Tòa án nhân dân tỉnh. Đến nay, các trợ giúp viên pháp lý đã tham gia 8 phiên tòa trực tuyến.

Cùng với đó, Trung tâm xây dựng và ký kết chương trình phối hợp với Đoàn Luật sư tỉnh Thái Nguyên về hoạt động TGPL của luật sư; hướng dẫn thông báo, thông tin và giải thích về TGPL đến các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong tỉnh. Trụ sở các cơ quan tiến hành tố tụng được Trung tâm lắp đặt bảng thông tin về TGPL.

Số vụ việc TGPL tăng lên cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt là các vụ việc được trợ giúp thành công đã khẳng định vững chắc vai trò quan trọng của Trung tâm đối với thực tế đời sống xã hội, trực tiếp là đội ngũ trợ giúp viên pháp lý.

Chính vì vậy, Trung tâm trở thành địa chỉ tin cậy để người nghèo, cận nghèo và các đối tượng yếu thế trong xã hội tìm đến khi có những vấn đề liên quan đến pháp luật, cần được TGPL thông qua các hình thức tư vấn, tham gia tố tụng và đại diện ngoài tố tụng. Giúp người nghèo, cận nghèo, đối tượng yếu thế trong xã hội được hưởng lợi ích chính đáng từ chính sách nhân văn của luật pháp xã hội chủ nghĩa. Hạn chế khiếu nại, khiếu kiện không đáng có, mọi người dân yên tâm tư tưởng, sống làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, tích cực lao động sản xuất, ổn định cuộc sống.

Chí Cường

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202408/coi-trong-tro-giup-phap-ly-cho-nguoi-ngheo-e4f20ee/