'Cơm suất' chứ không phải 'cơm xuất'
Hà Nội nhan nhản các quán cơm hồn nhiên trưng biển sai chính tả - 'cơm xuất' thay vì 'cơm suất', khiến trẻ em học đánh vần cũng bối rối khó phân biệt đúng sai.
Cháu tôi 5 tuổi, những khi ra ngoài thường thích thú đánh vần và đọc những chữ viết trên pano, áp phích hay biển, bảng, băng rôn quảng cáo. Hôm đó khi qua một quán ăn, cháu thỏ thẻ: "Cờ ơm cơm, xờ uất xuất sắc xuất, cơm xuất!". Người Hà Nội phát âm hai ký tự "s" và "x" như nhau nên cả nhà không ai thấy vấn đề gì, cho đến khi tôi nhìn lên tấm bảng trước quán và giật mình thấy hai chữ "cơm xuất" trên đó.
Giật mình không phải vì phát hiện biển quảng cáo có lỗi chính tả (hiện tượng nhan nhản tại Thủ đô) mà vì bỗng nhận ra cái lỗi phổ biến mà nhiều người đã quen đến mức chẳng buồn nói nữa ấy có thể ảnh hưởng tai hại đến trẻ nhỏ, góp phần tiếp tục tạo ra một thế hệ sai chính tả mà không hề biết, do không phân biệt được âm "s" và "x" trong văn bản.
Trên thực tế, một số người lớn cũng không rõ viết "cơm suất" hay "cơm xuất" mới đúng. Trong một lần đi ăn trưa, tôi từng chứng kiến cuộc tranh cãi giữa mấy nhân viên văn phòng về chính từ này, khi họ đọc thông tin trên biển hiệu của quán ăn.
Tại sao phải viết "cơm suất” mới đúng? Theo Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học (do Giáo sư Hoàng Phê chủ biên, Nhà xuất bản Hồng Đức ấn hành), "suất" là phần chia cho từng người theo mức đã định; còn "xuất" có nghĩa là đưa ra để sử dụng, trái với "nhập".
Cơm suất là cơm được bán theo phần dựa trên các mức tiền khác nhau, ví dụ phần cơm 30.000 đồng sẽ có cơm, rau, đậu, trứng với lượng nhất định, phần cơm 50.000 đồng thì khách có thể chọn thịt quay, cá rán chẳng hạn. Như vậy, nếu viết "cơm xuất" sẽ là vô nghĩa.
Tương tự, từ "suất cơm" có nghĩa là phần cơm được chia theo mức đã định. Nếu muốn diễn đạt ý nghĩa đó mà viết "xuất cơm" là sai chính tả, thậm chí lúc này chữ "xuất" có thể bị hiểu nhầm thành động từ, theo nghĩa trái với "nhập" như đã nói trên.
"Suất" và "xuất" còn hay bị nhầm lẫn trong một số trường hợp khác. Rất nhiều người không thể phân biệt cách viết nào đúng giữa "suất ăn" và “xuất ăn", "sơ suất" và "sơ xuất", thậm chí cả "xuất phát điểm" và "suất phát điểm". Cũng phổ biến như thế là lỗi khi viết các từ chứa phụ âm "s" và "x" nói chung, như "xoay xở" hay bị viết sai thành "xoay sở", "sử dụng" bị viết thành "xử dụng", "ứng xử" thành "ứng sử", "xử lý" thành "sử lý"...
Đây là lỗi nhỏ, nhưng không nên coi là chuyện nhỏ khi lỗi này lặp đi lặp lại trong cuộc sống hằng ngày, thường xuyên đến nỗi người ta có xu hướng quen dần rồi trở nên lẫn lộn, từ đúng thành sai và ngày càng nhiều người sai giống nhau.
Trong nhiều trường hợp, việc viết sai chính tả có thể dẫn đến những hiểu lầm tai hại, thậm chí dẫn đến tai nạn khi được sử dụng trong sách báo, văn bản hành chính... do "bút sa gà chết". Nhẹ hơn, nó tạo ra những tình huống bi hài khiến người viết muối mặt, kiểu như "Em sinh em đứng một mình cũng sinh" (viết đúng là "Em xinh em đứng một mình cũng xinh").
Và trong mọi trường hợp, việc viết sai chính tả thể hiện sự cẩu thả, thiếu tôn trọng tiếng Việt - ngôn ngữ tuyệt vời mà mỗi người Việt Nam đều thấy tự hào.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/com-suat-chu-khong-phai-com-xuat-ar803358.html