'Con coi đồn Biên phòng là nhà, các cán bộ, chiến sĩ BĐBP là cha'

Thực hiện chương trình 'Nâng bước em tới trường-Con nuôi đồn Biên phòng', các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã được các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Lũng Cú (BĐBP Hà Giang) nhận nuôi dưỡng, chăm sóc để tiếp tục được đến trường. Từ chỗ xa lạ đã trở nên gần gũi, thân thiết, các em đã coi đồn Biên phòng là nhà và các cán bộ, chiến sĩ BĐBP là cha. Đó là niềm vui, là động lực để các em vươn lên trong cuộc sống.

Đồn Biên phòng Lũng Cú vinh dự đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba do Chủ tịch nước trao tặng, ngày 2/3/2024. Ảnh: Thúy Hạnh

Đồn Biên phòng Lũng Cú vinh dự đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba do Chủ tịch nước trao tặng, ngày 2/3/2024. Ảnh: Thúy Hạnh

Đồn Biên phòng Lũng Cú được thành lập từ tháng 10/1978, đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý và bảo vệ đoạn biên giới dài hơn 26km với 26 cột mốc, phụ trách 2 xã Má Lé, Lũng Cú, cùng bảo vệ cột cờ quốc gia Lũng Cú. Thời điểm năm 2016, chứng kiến hoàn cảnh bất hạnh của ba chị em Thò Thị Dí mồ côi cha, thiếu hơi ấm của mẹ ở địa bàn đồn phụ trách là thôn Má Lủng Kha, xã Má Lé, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Lũng Cú đã đề xuất với cấp trên đón 3 chị em mồ côi về nuôi dạy. Thiếu tá Vừa Mí Sình, Đội trưởng Kiểm soát hành chính (một trong những người bố nuôi của các em) nhớ lại: “Dù chuẩn bị trước tâm lý rằng các con chưa quen môi trường mới, song chúng tôi cũng không ngờ là các con khóc nhiều, vì nhớ nhà và nhất mực đòi về như vậy”. Khi ấy, các cán bộ, chiến sĩ đã kiên nhẫn dùng tình cảm yêu thương để động viên các em nhỏ nguôi nỗi nhớ nhà và yên tâm với cuộc sống mới.

Đại tá Đào Hồng Hà, Chính ủy BĐBP Hà Giang khẳng định: “Đây là những chương trình do người cán bộ, chiến sĩ mang quân hàm xanh triển khai thực hiện hướng về đồng bào các dân tộc biên giới. Từ những việc làm cụ thể đó đã góp phần củng cố hệ thống chính trị, tăng cường tình đoàn kết quân dân, chung sức, đồng lòng bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia”.

Thấm thoát đã 8 năm, kể từ năm 2016, khi ba chị em Thò Thị Dí (sinh năm 2005) được về ở mái nhà chung là Đồn Biên phòng Lũng Cú. Em Thò Thị Dí kể lại: “Hoàn cảnh ba chị em con rất khó khăn, nên được các chú đưa về chăm sóc, nuôi dạy. Từ khi các chú đưa ba chị em con về nuôi, em út khi ấy còn rất nhỏ, nên chưa biết nói tiếng phổ thông. Được các chú BĐBP quan tâm, giúp đỡ, từ lâu, chúng con coi đã coi đồn Biên phòng như là nhà và coi các bố nuôi ở đồn là cha, là chỗ dựa vững chắc của chúng con. Chúng con rất biết ơn các chú. Vì có các chú, chúng con mới có ngày hôm nay. Chúng con sẽ cố gắng học thật tốt và sẽ vâng lời các chú”.

Bố mất, mẹ bỏ đi làm xa xứ rồi lấy chồng, khiến ba chị em đang tuổi ăn, tuổi học không những bị suy dinh dưỡng mà còn có nguy cơ thất học. Em út Thò Thị Súa (sinh năm 2011) mới lúc nào chập chững tập đi, tập nói, giờ đã là học sinh lớp 5. Em trai là Thò Mí Và hiện đang học lớp 10, Trường Hữu Nghị 80 ở Sơn Tây, Hà Nội. Chị cả Thò Thị Dí là học sinh cuối cấp Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú huyện Đồng Văn, tương lai được nhận vào Trường Nghệ thuật Văn hóa quân đội. Những nhọc nhằn ngày xưa đã qua, giờ đây, các em được sống trong tình yêu thương, sự chăm sóc ân cần của những người bố, người chú và một mái ấm gia đình là Đồn Biên phòng Lũng Cú.

Thiếu tá Nguyễn Xuân Hưng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Lũng Cú cho biết: “Sau khi nhận nuôi ba chị em Thó Thị Dí, đơn vị hiện vẫn duy trì thực hiện tốt chương trình "Nâng bước em tới trường-Con nuôi đồn Biên phòng”. Đơn vị chúng tôi đã thành lập một tổ nuôi dạy con, giao cho một đồng chí phụ trách xuống trực tiếp chỉ bảo các con ngoài giờ học ở trường để học tập được tốt hơn”.

Ba chị em Thò Thị Dí, Thò Thị Súa và Thò Mí Và cùng các bố nuôi ở Đồn Biên phòng Lũng Cú. Ảnh: Thúy Hạnh

Ba chị em Thò Thị Dí, Thò Thị Súa và Thò Mí Và cùng các bố nuôi ở Đồn Biên phòng Lũng Cú. Ảnh: Thúy Hạnh

Những năm qua, Chương trình “Nâng bước em tới trường-Con nuôi đồn Biên phòng” hay Dự án “Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường”, giai đoạn 2021-2030 là những chương trình ý nghĩa. Từ đây, hàng trăm em nhỏ trên địa bàn tỉnh Hà Giang, em thì mồ côi mẹ hoặc bố, em thì mồ côi cả bố lẫn mẹ, tất cả đều có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hoặc thuộc hộ gia đình nghèo đã được nhận làm con nuôi đồn Biên phòng hoặc được hỗ trợ đến trường học tập. BĐBP còn hướng dẫn các em tập làm quen với nếp sinh hoạt của bộ đội. Từ việc đi ngủ, thức dậy đúng giờ đến tự gấp chăn màn, vệ sinh cá nhân cùng với các bố, các chú thực hiện nhiệm vụ tuần tra biên giới. Em Mua Mí Minh, một trong những người con nuôi của đồn Biên phòng tâm sự: “Điều may mắn nhất của con là được các chú BĐBP nhận nuôi và được đến trường đi học. Ngoài giờ học, con được hướng dẫn làm những công việc nhà như nấu cơm, làm vườn, nhổ cỏ, quét sân. Thỉnh thoảng, con lại được đi tuần tra dọc biên giới cùng các chú”.

Tình yêu thương, sự quan tâm, chăm sóc của những cán bộ, chiến sĩ BĐBP đã giúp những đứa trẻ vùng cao, khu vực biên giới lớn lên, trưởng thành, giúp những đứa trẻ ấy hiểu thêm về tình cảm gia đình, tình đồng đội, giúp đỡ nhau trong học tập và sinh hoạt hàng ngày. Nhờ được nuôi dạy chu đáo, phần lớn các em đều có kết quả học tập khá, hạnh kiểm tốt, tương lai trở thành những công dân tốt, có ích cho quê hương, đất nước, tạo nguồn phát triển cán bộ cho địa phương sau này.

Thúy Hạnh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/quotcon-coi-don-bien-phong-la-nha-cac-can-bo-chien-si-bdbp-la-chaquot-post476815.html