Côn Đảo ngày trở lại

Côn Đảo là nơi lưu giữ quá trình đấu tranh hào hùng, bất khuất của các chiến sĩ cách mạng, đồng bào yêu nước và những cựu tù chính trị, được ví như những 'tư liệu sống' phong phú để các thế hệ học tập. 50 năm đi qua, người về, người ở lại đảo nhưng họ vẫn luôn dõi theo sự phát triển từng ngày của ngôi nhà chung đã tôi luyện nên ý chí cách mạng kiên cường.

Trung tướng Châu Văn Mẫn, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an Nhân dân (Bộ Công an) viếng mộ Anh hùng lực lượng vũ trang Lưu Chí Hiếu tại nghĩa trang Hàng Dương. Ảnh: PHÚ NGÂN

Trung tướng Châu Văn Mẫn, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an Nhân dân (Bộ Công an) viếng mộ Anh hùng lực lượng vũ trang Lưu Chí Hiếu tại nghĩa trang Hàng Dương. Ảnh: PHÚ NGÂN

Những năm tháng không quên

Một ngày cuối tháng Tư, trong không khí cả nước phấn khởi hướng về lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi đến nhà Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Trung tướng Châu Văn Mẫn (sinh năm 1950), nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân (Bộ Công an) nằm trên đường 30-4, phường Rạch Dừa, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Là người con thứ 2 trong một gia đình cách mạng ở làng Tiên Khê, xã Bình Sa, huyện Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam), mọi người vẫn thường gọi ông bằng cái tên thân thương “bác Ba Mẫn”. Năm nay, dù đã bước vào tuổi 75, nhưng từ ông vẫn toát lên phong thái nghiêm nghị, rắn rỏi của một vị tướng hoạt động cách mạng từ trước giải phóng.

Được hun đúc tinh thần cách mạng từ rất sớm, năm 1965, ông hoạt động cách mạng ở địa bàn huyện Krông Pak, Đắk Lắk, với nhiệm vụ nắm tình hình địch, xây dựng cơ sở bí mật. Đầu năm 1970, trong một lần đột nhập vào vùng địch, ông bị địch bắt và giam ở nhà tù Buôn Ma Thuột 3 tháng rồi bị đày ra Côn Đảo. Tại đây, cùng với các chiến sĩ cách mạng, ông tham gia những cuộc đấu tranh bền bỉ nên bị giam vào Trại 6B (một trại giam biệt lập, sau này được gọi là Trại Phú An), rồi sau đó chuyển qua trại 7 (Chuồng cọp Mỹ). Trại 6B là trại có nhiều “hạt giống đỏ” ưu tú; đây cũng chính là nơi ra đời của Đảng bộ Lưu Chí Hiếu, một lực lượng nòng cốt trong việc giải phóng Côn Đảo sau này.

Thấm thoát nửa thế kỷ trôi đi, thế nhưng ông Mẫn vẫn nhớ từng chi tiết nhỏ về ngày kết thúc 113 năm chốn “địa ngục trần gian”. Ông kể, đêm 30-4, giám thị mở cửa phòng để báo tin chính quyền Sài Gòn đã đầu hàng, tù chính trị được thả để tiếp quản. Lúc này, các đồng chí của ta nhận định có thể Sài Gòn đã được giải phóng nhưng cũng có thể đây là âm mưu của địch nên yêu cầu có radio để nghe tin tức. Khi biết chắc thông tin, tất cả vỡ òa trong sung sướng, nước mắt giàn giụa, anh em đồng chí ôm chặt lấy nhau tận hưởng bầu không khí trong lành của tự do. Đến ngày 1-5, các phòng giam được mở cửa toàn bộ, nhưng để tránh xung đột, các cựu tù được yêu cầu ai ở đâu thì ở yên tại đó. Lúc này, một Đảng ủy lâm thời được thành lập để giải phóng Côn Đảo. Tuy người còn ốm yếu và rất mệt nhưng ông Mẫn vẫn hăng hái tham gia vào lực lượng vũ trang bảo vệ đảo. Những ngày sau đó, bộ đội đưa tàu ra chi viện lực lượng tiếp quản và đón cựu tù chính trị về quê. Riêng ông Mẫn cùng một số người tiếp tục ở lại đảo, công tác ở Ban an ninh nhiều năm, sau đó về đất liền học tập và tiến những bước xa hơn. Sau này ông lập gia đình, vợ ông cũng là một cán bộ từng làm báo vụ tại Trung ương Cục miền Nam, sau đó về làm giáo viên ở Trường Đại học An ninh Nhân dân. Thật tình cờ, cô con gái đầu lòng của ông bà lại được sinh đúng ngày 30-4, còn cô út thì được sinh vào ngày 2-9 - những ngày lễ lớn của đất nước.

Về đất liền sinh sống và làm việc nhiều năm, nhưng lòng ông không khi nào nguôi ngoai về các vấn đề của Côn Đảo xưa và nay. Ông vẫn nhớ câu nói của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn trong chuyến ra thăm Côn Đảo vào ngày 27-8-1976: “Côn Đảo là một hòn đảo anh hùng. Côn Đảo là một di tích lịch sử vĩ đại. Côn Đảo là một trường học lớn cho các thế hệ mai sau”. Theo ông Mẫn, việc đầu tiên là phải giữ và tôn tạo lại các di tích trên đảo để làm nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ mai sau. Tiếp đó là việc lập, thực hiện các quy hoạch cũng phải cẩn trọng để không phá vỡ cảnh quan, kiến trúc. Kế đến là phải bảo vệ rừng nghiêm ngặt, thậm chí trồng thêm cây cho Côn Đảo thêm xanh.

Đảo là nhà

Ra đảo lần này, chúng tôi may mắn được gặp ông Nguyễn Xuân Viên (sinh năm 1944, quê Quảng Nam), cựu tù chính trị duy nhất còn sinh sống ở Côn Đảo hiện nay. Ông Viên bị địch bắt, tù đày ra đảo từ năm 1968. Sau giải phóng, ông về quê làm công an xã rồi lấy vợ. Thế nhưng, nỗi nhớ đồng đội, nhớ đảo không hề nguôi ngoai. Khoảng 3 năm sau, ông xin về lại Côn Đảo làm cán bộ văn hóa, di tích, bảo tàng. Ông kể: “Hồi đó Côn Đảo nghèo lắm, không có đường đẹp như bây giờ, người cũng vắng, nhà cũng chẳng có mấy”. Hồi mới ra, ông chưa có nhà để ở, mãi sau mới được huyện cấp đất để làm nhà. Thương chồng một thân một mình, vợ ông cũng từ quê hương Quảng Nam ra đảo ở cùng, rồi lần lượt sinh cho ông 3 người con.

 Trung tướng Châu Văn Mẫn, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân (Bộ Công an), thăm lại di tích ở Côn Đảo

Trung tướng Châu Văn Mẫn, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân (Bộ Công an), thăm lại di tích ở Côn Đảo

Lúc còn khỏe, ngày giỗ đồng đội, ngày giỗ “cô Sáu”, bằng chiếc xe đạp cũ, lúc thì ông chở bà, khi thì bà chở ông ra khu trại 6B, Nghĩa trang Hàng Dương cúng tế, dâng hương. Năm tháng trôi qua, từ một chàng thanh niên trai tráng, ông Viên nay đã bước qua cái tuổi ngoài 80, sức khỏe đã giảm đi nhiều, nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận được từ ông phong thái điềm tĩnh, đặc biệt là đôi mắt sáng toát lên ý chí kiên cường của một cựu tù chính trị Côn Đảo.

Trung tướng Châu Văn Mẫn tin tưởng: Hy vọng thời gian tới, khi sáp nhập vào TPHCM, Côn Đảo sẽ được quan tâm đầu tư nhiều hơn để vừa bảo tồn, giữ gìn được các di tích, công trình văn hóa, vừa phát triển bền vững theo hướng xanh, sạch và đẹp hơn.

PHÚ NGÂN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/con-dao-ngay-tro-lai-post793468.html