Côn Đảo - từ địa ngục trần gian vươn mình thành điểm đến hấp dẫn

Trên cơ sở tiềm năng tự nhiên và giá trị lịch sử - văn hóa đặc sắc, Côn Đảo đang tập trung phát triển các loại hình du lịch đặc thù như: du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch văn hóa - lịch sử, nghỉ dưỡng biển đảo cao cấp và du lịch trải nghiệm thiên nhiên rừng - biển.

Trong định hướng phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, huyện Côn Đảo tiếp tục xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.

Thêm trải nghiệm để tạo khác biệt

Lần đầu đến Côn Đảo, chị Lương Thị Thanh, du khách đến từ Nghệ An chia sẻ, tuy đã đi rất nhiều đảo của cả nước như Nam Du, Phú Quốc, Nha Trang… nhưng đến Côn Đảo chị cảm nhận được sự khác biệt. Đó là không khí trong lành, nhiều công trình kiến trúc cổ như hệ thống nhà tù, nhà Sở Cò, nghĩa trang Hàng Dương, Bến Đầm... tất cả còn nguyên vẹn, rất độc đáo và hấp dẫn những người thích khám phá.

Di tích nhà tù Côn Đảo là điểm tham quan không thể thiếu của du khách khi đến vùng đất thiêng liêng này

Di tích nhà tù Côn Đảo là điểm tham quan không thể thiếu của du khách khi đến vùng đất thiêng liêng này

Theo chị Thanh, không riêng gì chị mà hầu hết du khách đến Côn Đảo chủ yếu là du lịch tâm linh, giáo dục truyền thống vì nơi đây là trường học lớn của chiến sĩ cách mạng và cũng được ví như "địa ngục trần gian", với khoảng 20.000 người tù yêu nước đã vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất thiêng liêng này.

Hệ thống nhà tù Côn Đảo nhìn từ trên cao, nơi trước đây từng giam giữ khoảng 200.000 người tù là chiến sĩ cách mạng yêu nước

Hệ thống nhà tù Côn Đảo nhìn từ trên cao, nơi trước đây từng giam giữ khoảng 200.000 người tù là chiến sĩ cách mạng yêu nước

Hiện phương tiện ra đảo cũng tương đối thuận lợi, chỉ mất 3-4 giờ là từ đất liền ra đảo bằng đường biển, còn đường hàng không thì nhanh hơn nhiều nên có thể đi về trong ngày. Tuy nhiên, theo chị Thanh, để lưu trú lại đảo nhiều ngày thì người làm du lịch, chính quyền địa phương cần phát triển nhiều mô hình trải nghiệm để thu hút khách.

"Thật ra thì diện tích ở Côn Đảo rất nhỏ, địa điểm du lịch thì không có nhiều, nếu bỏ ra một ngày thì có thể đi hết đảo rồi. Theo tôi, những người làm du lịch nên có cách làm để tạo sự khác biệt so với các đảo khác như: các khu vui chơi, giải trí… Nếu như trên đảo mà có dấu ấn khác biệt để du khách đến đây không chỉ là tâm linh mà có thể vui chơi, nghỉ dưỡng thoải mái", chị Thanh chia sẻ thêm.

Ông Nguyễn Hoàng Phương - Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ - du lịch Đảo Ngọc Travel cho biết, du lịch của Côn Đảo phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế, với giá trị thiên nhiên đã ban tặng. Sản phẩm du lịch Côn Đảo mới chỉ dừng lại ở việc tăng cường bảo vệ nguồn tài nguyên du lịch mà chưa có quy hoạch, định hướng phát triển du lịch lâu dài.

Du khách trải nghiệm chèo thuyền trên biển Côn Đảo vào buổi chiều hoàng hôn

Du khách trải nghiệm chèo thuyền trên biển Côn Đảo vào buổi chiều hoàng hôn

Theo ông Phương, chính quyền địa phương cần sớm có những quy hoạch cụ thể để có những dự án du lịch đẳng cấp, tháo gỡ vướng mắc pháp lý để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư phát triển du lịch, đặc biệt đối với loại hình du lịch sinh thái và trải nghiệm rừng - biển.

"Mong muốn chính quyền địa phương sớm quy hoạch lại việc sử dụng mặt nước, phát triển hoạt động kinh tế đêm như câu mực, câu cá về đêm… hiện Côn Đảo chưa có loại hình này. Du khách đến đảo thì họ được trải nghiệm hoạt động câu bắt cá và thưởng thức những món ăn từ biển", ông Phương nói.

Cơ hội trở thành thiên đường du lịch

Bà Trần Thanh Thúy - Chủ tịch Hội Du lịch Côn Đảo khẳng định, trên 90% lượng khách đến Côn Đảo là du lịch tâm linh. Điều này gây ra mất cân bằng các giữa các tour tuyến trải nghiệm rừng biển, tham quan di tích lịch sử, giáo dục truyền thống.

Hiện 90% du khách đến với Côn Đảo chủ yếu là du lịch tâm linh

Hiện 90% du khách đến với Côn Đảo chủ yếu là du lịch tâm linh

Theo bà Thúy, ở các hòn đảo thuộc hệ thống Vườn quốc gia Côn Đảo có rất nhiều hoạt động có thể phục vụ khách du lịch như: lặn ngắm san hô, xem rùa đẻ trứng, thả rùa về biển, câu cá, cắm trại qua đêm…

Để du khách đến đảo có thể trải nghiệm tất cả các dịch vụ, kéo dài thời gian lưu trú, Hội Du lịch Côn Đảo đang vận động các thành viên tạo thành chuỗi liên kết, kết nối các dịch vụ từ lưu trú, ẩm thực, tour tuyến, điểm tham quan…

"Hiện nay, các hội viên cũng như chính quyền địa phương rất muốn người làm du lịch liên kết lại để kéo thời gian lưu trú của khách du lịch ở lại Côn Đảo dài hơn, khám phá trên rừng - dưới biển ở Vườn quốc gia nhiều hơn. Trong rừng có cảnh quan thiên nhiên, suối mát rất đẹp mà du khách không có thời gian trải nghiệm. Bây giờ ra một số nơi đã có nhà nghỉ, chòi cắm trại để du khách lưu trú, trải nghiệm các hoạt động như câu cá, bơi, lặn ngắm san hô, tìm hiểu rùa đẻ trứng, thưởng thức ẩm thực", bà Thúy cho biết thêm.

Các hoạt động trải nghiệm hệ sinh thái rừng - biển tại Côn Đảo cũng được du khách quan tâm

Các hoạt động trải nghiệm hệ sinh thái rừng - biển tại Côn Đảo cũng được du khách quan tâm

Ông Lê Anh Tú, Bí thư Huyện ủy Côn Đảo cho biết, mục tiêu đến năm 2030, Côn Đảo đón từ 1 - 1,2 triệu lượt khách/năm, trong đó có khoảng 47.000 lượt khách quốc tế; doanh thu dịch vụ du lịch đạt hơn 20.000 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 10,36%/năm. Đến năm 2050, quy mô du khách ước đạt 2 triệu lượt/năm, khách quốc tế chiếm từ 20 - 25%.

Ông Tú cho biết thêm, thời gian tới Côn Đảo sẽ đẩy mạnh phát triển các khu nghỉ dưỡng 4 - 5 sao, khu vui chơi - giải trí gắn với chăm sóc sức khỏe, thể thao biển, dịch vụ MICE, trung tâm mua sắm và kinh tế đêm tại các khu vực như Cỏ Ống, Bến Đầm và trung tâm Côn Sơn.

"Đối với khu vực Cỏ Ống thì hiện nay huyện đang hoàn tất các thủ tục cuối cùng của quy hoạch phân khu, với khoảng 520ha. Sau đó huyện tiếp tục hoàn thiện quy hoạch chi tiết 1/500, các thủ tục trong 2025 để kêu gọi đầu tư các dự án phát triển du lịch gắn với sinh thái, bảo vệ môi trường", ông Tú khẳng định.

Dự kiến đến năm 2030, Côn Đảo sẽ đón và phục vụ khoảng từ 1-1,2 triệu lượt khách mỗi năm

Dự kiến đến năm 2030, Côn Đảo sẽ đón và phục vụ khoảng từ 1-1,2 triệu lượt khách mỗi năm

Với định hướng này, huyện Côn Đảo kỳ vọng sẽ thu hút mạnh mẽ sự tham gia của người dân, doanh nghiệp trong việc xây dựng môi trường du lịch xanh, chuyên nghiệp, bền vững, qua đó nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội địa phương.

Nghị quyết số 11 của Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu cũng khẳng định, Côn Đảo trở thành khu du lịch quốc gia, tầm cỡ khu vực và quốc tế, với các sản phẩm du lịch xanh, chất lượng cao, thân thiện với môi trường.

Lưu Sơn/VOV-TPHCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/du-lich/con-dao-tu-dia-nguc-tran-gian-vuon-minh-thanh-diem-den-hap-dan-post1197970.vov