Loạt sự kiện không thể bỏ lỡ với những người yêu văn học Châu Âu

'Đây là cơ hội độc nhất vô nhị để giao lưu với các cây bút gốc Việt', ông Oliver Brandt - Viện trưởng Viện Goethe Hà Nội nói trong họp báo giới thiệu Những ngày văn học Châu Âu năm nay chiều 8/5.

Sách của những tác giả được giới thiệu tại Những ngày văn học châu Âu 2025. Ảnh: Quỳnh An

Sách của những tác giả được giới thiệu tại Những ngày văn học châu Âu 2025. Ảnh: Quỳnh An

Những ngày văn học Châu Âu sẽ trở lại với độc giá yêu văn học tại Hà Nội bắt đầu từ tối 8/5 ở Viện Goethe với tọa đàm "Âm vang kiên cường: Những tiếng nói của nữ nhà văn gốc Việt". Các nhà văn Vanessa Vũ, Khuê Phạm, Cecile Pin, Anna Moi sẽ thảo luận về thực hành viết lách của các nữ nhà văn gốc tại châu Âu.

Kế đó là chuỗi chương trình với những hoạt động đa dạng từ tọa đàm thảo luận văn chương, workshop dành cho cây viết trẻ sẽ tập trung vào chủ đề văn học di dân, đặc biệt là những sáng tác của các nhà văn Châu Âu gốc Việt.

Năm 2025 đánh dấu nhiều mốc kỷ niệm quan trọng giữa Châu Âu và Việt Nam với những 35 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Liên minh Châu Âu, 75 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Cộng hòa Séc và 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Đức.

Để đánh dấu một năm với nhiều dấu mốc quan trọng này, cũng như nhằm tiếp nối truyền thống đối thoại và giao lưu văn chương giữa Việt Nam và Châu Âu, Những ngày văn học Châu Âu năm nay lấy chủ đề "Từ đâu và đến đâu: Những tiếng nói văn học di dân Châu Âu", khám phá hành trình sáng tác của các nhà văn gốc Việt tại châu lục này.

Văn học di dân nói chung và văn chương của những nhà văn Châu Âu gốc Việt đang ngày càng được chú ý nhiều hơn ở cả Việt Nam lẫn Châu Âu. Ở đó, những câu chuyện đa dạng khác nhau, những trăn trở của cá nhân trong bối cảnh toàn cầu hóa, những hành trình đạt đến sự công nhận, góp phần làm nên một nền văn chương Châu Âu đa dạng và đa thanh.

Và không chỉ đem đến những tự sự và những góc nhìn mới, những nhà văn di dân gốc Việt còn góp phần mở rộng phạm vi của văn chương. Theo đó, văn chương không chỉ là tiểu thuyết và thơ ca mà thông qua những thực hành của họ, ta còn thấy cả những điểm giao với sân khấu, trình diễn, điện ảnh, báo chí, podcast...

Sự kiện sẽ diễn ra từ 8-12/5 với nhiều sự kiện phong phú. Các nhà văn được mời bởi các Viện văn hóa Đức (Goethe-Institut), Pháp (Institut français), Anh (British Council) cùng Đại sứ quán Tây Ban Nha, Cộng hòa Séc và Ý sẽ có mặt ở Hà Nội để cùng thảo luận về những chủ đề văn học khác nhau: từ câu chuyện về những trăn trở và suy tư góp phần làm nên những diện mạo đặc trưng của văn học di dân đến những vấn đề về giới trong sáng tác.

Ông Oliver Brandt - Viện trưởng Viện Goethe tại họp báo chiều 8/5 ở Hà Nội. Ảnh: Quỳnh An

Ông Oliver Brandt - Viện trưởng Viện Goethe tại họp báo chiều 8/5 ở Hà Nội. Ảnh: Quỳnh An

"Đây là cơ hội độc nhất vô nhị để giao lưu với các cây bút gốc Việt", ông Oliver Brandt - Viện trưởng Viện Goethe nói trong họp báo giới thiệu Những ngày văn học Châu Âu năm nay. Ông Oliver Brandt đánh giá chủ đề của sự kiện năm nay vô cùng thú vị là văn học di dân.

Huyền My

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/loat-su-kien-dac-biet-khong-the-bo-lo-voi-nhung-nguoi-yeu-van-hoc-chau-au-2399130.html