Con dâu uất nghẹn trước yêu cầu vô lý trước Tết của mẹ chồng

Thấy thái độ bàng quan của mẹ chồng mặc con dâu vất vả kiếm tiền, con trai thất nghiệp khiến tôi uất ức, chỉ muốn buông bỏ tất cả.

Lời tòa soạn:

Sát Tết luôn là khoảng thời gian bận rộn nhất trong năm. Người người nhà nhà "chạy" lo chuyện Tết. Và cũng bởi sự bận rộn ấy, vô số chuyện bi hài, nan giải đã xảy ra như tìm người giúp việc, sửa chữa nhà cửa... VietNamNet mở diễn đàn "Chuyện bi hài ngày Tết". Mời độc giả chia sẻ những câu chuyện của mình về vấn đề này tại địa chỉ email: Bandoisong@vietnamnet.vn

Tết sắp đến, trong đầu tôi lại ngổn ngang bao nỗi lo về năm mới, liệu cuộc sống của gia đình tôi có suôn sẻ, thoải mái không. Chồng tôi đã thất nghiệp hơn 6 tháng. Tôi một mình gồng gánh tiền trả góp mua nhà, tiền ăn, tiền học của con.

Chỉ nghĩ đến đó thôi là tôi đã không dám mơ về cái Tết đầy đủ, sung túc. Nhưng mấy hôm trước, mẹ chồng lại gọi lên bảo tôi năm nay phải về sắm Tết và đặc biệt phải mua cho bà một bộ sofa mới.

Yêu cầu mua bộ ghế khiến tôi ngớ người. Bộ sofa như mẹ tả phải 20-30 triệu đồng, quá nhiều vào lúc này. Tôi thở dài, nhẹ nhàng đáp: “Mẹ ơi, chồng con thất nghiệp nửa năm nay mẹ cũng biết. Con lấy tiền đâu sắm cho mẹ ạ?”.

Nàng dâu uất nghẹn vì mẹ chồng vô lý. Ảnh minh họa: FP

Nàng dâu uất nghẹn vì mẹ chồng vô lý. Ảnh minh họa: FP

Mẹ chồng lập tức tỏ thái độ: “Nó thất nghiệp mới 6 tháng mà cô làm như nó nghỉ việc 6 năm. Trước đây nó đi làm, lương cao, đưa hết tiền cho cô, không lẽ cô biếu nhà ngoại hết? Bây giờ mẹ chỉ cần mua bộ bàn ghế, cô lại nói này nói nọ”.

Từng câu từng chữ của bà làm tôi uất nghẹn, cố kìm nước mắt. Những ngày chồng đi làm đều đưa tiền cho tôi nhưng không nhiều như mẹ anh nghĩ.

Gia đình tôi ở thành phố, rất nhiều khoản phải chi tiêu. Thời gian này, tôi phải tiết kiệm từng đồng để không phải vay mượn người khác. Giờ mẹ chồng nói thế như xát muối vào lòng tôi.

Tôi cố nén cơn giận: “Con không tiêu hoang, mẹ ạ. Bố mẹ con cũng không xin của con đồng nào. Mẹ đừng nói thế mang tiếng nhà con”.

Bà không nghe, vẫn cố nói: “Tôi đã khoe với hàng xóm con trai tôi sẽ mua sofa mới cho tôi rồi. Không thể để người ta cười vào mặt được. Nếu cô không mua, tôi sẽ tự bỏ tiền túi ra mua, chứ không lẽ đeo mo vào mặt?”.

Tôi bất lực. Bà không thương con trai thất nghiệp, không cảm thông cho con dâu mà chỉ biết sĩ diện với hàng xóm. Tối đó, nhìn tôi buồn bã, chồng ngập ngừng hỏi: “Mẹ lại bảo em mua ghế sofa hả?”.

Tôi buồn nên không trả lời. Anh thở dài: “Để anh nói với mẹ. Anh đã bảo mẹ đừng quan tâm hàng xóm nghĩ gì, cũng đừng khoe khoang con trai giỏi giang nữa. Anh có làm được gì đâu. Đến vợ con còn chưa lo được thì khoe cái gì”.

Tôi hiểu, anh cũng chịu áp lực từ mẹ, từ bố bởi ông bà luôn kỳ vọng anh là người con trai thành đạt, tài giỏi. Tôi không trách chồng thất nghiệp nhưng trách bố mẹ anh không hiểu chuyện, gây áp lực một cách vô lý.

Mấy ngày sau mẹ chồng vẫn nhắn tin nói về chuyện đó nhưng tôi chỉ đáp: “Mẹ yên tâm, việc sắm Tết cho bố mẹ là trách nhiệm của chúng con, con sẽ lo chu toàn. Còn chuyện mẹ đề nghị hãy gác lại, bao giờ chồng con đi làm, có lương thì tính sau”.

Tôi cũng không thấy bà nói lại. Tôi biết bà chẳng vui đâu nhưng dù là phật lòng, thậm chí ghét bỏ người con dâu này, tôi cũng không nhượng bộ.

Độc giả giấu tên

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/con-dau-uat-nghen-truoc-yeu-cau-vo-ly-truoc-tet-cua-me-chong-2365434.html