Con đường di sản
Hòa cùng các tín ngưỡng, tôn giáo khác trong dòng chảy giao thoa văn hóa, tục thờ Mẫu đã bắt rễ sâu vào đời sống dân gian Việt Nam, trở thành một tín ngưỡng bản địa đặc sắc, riêng có.
Từng bước thăng trầm
Tín ngưỡng thờ Mẫu xuất phát từ niềm tin và sự kính trọng của dân gian đối với tính nữ, gắn với khả năng sản sinh, nuôi nấng và sáng tạo. Từ thời nguyên thủy, người Việt đã coi trọng việc thờ cúng các vị thần mang tính âm, đại diện cho thiên nhiên như mẹ đất, mẹ nước… Bởi trong quá trình mưu sinh, con người luôn phải dựa vào thiên nhiên, mong muốn “Mẫu” bảo trợ, che chở cho cuộc sống bình an, no ấm.
Theo thời gian, khái niệm “Mẫu” ngày càng được mở rộng, gồm cả những phụ nữ vang danh trong lịch sử, khi sống tài giỏi, có công với nước, khi mất hiển linh phù trợ cho người an, vật thịnh. Từ những tâm thức thờ cúng nhỏ lẻ trong cộng đồng dần hình thành hệ thống tín ngưỡng có trật tự, quy tắc và thống nhất. Viện trưởng Viện Nhân học Văn hóa, PGS.TS. Đỗ Lai Thúy nhận định, thờ Mẫu là tín ngưỡng dân tộc đích thực, thỏa mãn tâm lý của người dân cầu mong phồn thực, ước muốn vạn vật sinh sôi nảy nở. Đây là tín ngưỡng bản địa bắt nguồn từ xa xưa, tôn thờ phụ nữ, người mẹ, đồng thời nhận nhiều ảnh hưởng tới từ các tôn giáo khác trong quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa. Câu chuyện nguồn gốc của tín ngưỡng thờ Mẫu dẫn dắt con người đi vào sâu hơn trong tập thể, liên quan đến nguồn cội dân tộc.
Có thể thấy, điểm nổi bật nhất của tín ngưỡng thờ Mẫu là đề cao người phụ nữ thông qua hình tượng Thánh Mẫu. Nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, GS.TS. Nguyễn Chí Bền đặt trong hệ quy chiếu xưa - nay và nhìn nhận: thời nay nam - nữ bình đẳng nên giá trị ấy có thể là bình thường, nhưng phải đặt tư tưởng đề cao phụ nữ ấy trong xã hội Nho giáo xưa kia. Dưới thời các triều đại phong kiến, nhất là từ thế kỷ XV trở đi, chầu văn, hầu đồng đã phát triển đạt đến đỉnh cao, với sự xuất hiện các nhân vật như Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Lâm cung Thánh Mẫu (Mẫu Thượng Ngàn), Thủy cung Thánh Mẫu (Mẫu Thoải), Cô Đôi Thượng Ngàn... gắn với các nghi thức và di tích mang đậm dấu ấn tín ngưỡng còn lưu giữ đến ngày nay.
Thế kỷ XIX, thực dân Pháp đô hộ, giá trị phương Tây tràn vào làm cho hình thái văn hóa Việt bị biến đổi sâu sắc. Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu cũng bị ảnh hưởng, xuất hiện biến tướng nên bị nhiều người bài xích, hiểu lầm, coi đó là mê tín dị đoan. Lấy ví dụ về hình thức hầu đồng (lên đồng) được coi là một trong những thành tố nổi bật gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu, GS.TS. Nguyễn Chí Bền phân tích, đây là một sinh hoạt văn hóa tổng hợp, mang tính tâm linh rất rõ, nhưng không phải được tất cả xã hội ủng hộ. Đầu thế kỷ XX, các nhà nho và cả các trí thức Tây học nhìn nhận tín ngưỡng thờ Mẫu với con mắt nghi ngờ. Giai đoạn trước và sau năm 1975 cũng có thời gian thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu bị hạn chế tổ chức.
Khẳng định sức sống di sản
Qua thời gian, dòng chảy tín ngưỡng vẫn âm thầm lan tỏa trong đời sống Nhân dân. Những thanh đồng chân chính vẫn tiếp tục con đường của mình, thể hiện sự tôn kính và khuôn phép trước giá Mẫu. Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu vẫn lưu giữ được giá trị đặc sắc riêng có, để rồi dần vượt qua những cấm cản khẳng định vị trí trong xã hội. Dấu mốc là năm 1995, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Văn hóa - Thông tin, tỉnh Nam Hà (nay là Nam Định) đã cho thử nghiệm mở lại hội Phủ Dầy gắn với các sinh hoạt nghi lễ mang đậm đặc giá trị văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu. Sau 3 năm thử nghiệm, cùng với sự vào cuộc nghiên cứu của các nhà khoa học, giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của quần thể di tích Phủ Dầy đã được khẳng định, ngày 5.3.1998, Bộ Văn hóa - Thông tin quyết định chính thức cho phép mở hội Phủ Dầy.
Năm 2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức xây dựng hồ sơ về tín ngưỡng thờ Mẫu trình UNESCO xét đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ngày 1.12.2016, “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là một trong 18 hồ sơ được UNESCO thông qua mà không cần thảo luận (24/24 phiếu thuận). Đây là niềm vui và tự hào của Việt Nam khi lần đầu tiên một tín ngưỡng dân gian trở thành di sản thế giới.
Sau khi tổ chức lễ đón bằng của UNESCO, ngày 25.7.2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Công văn số 4146/BVHTTDL-DSVH về việc triển khai Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Thực hành thờ Mẫu Tam phủ của người Việt gửi các tỉnh, thành phố. Nam Định đã phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam xây dựng đề án để thực hiện chương trình hành động quốc gia; ngày 15.6.2021 ban hành Văn bản số 1255-QĐ/UBND quyết định thực hiện Đề án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt ở Nam Định đến năm 2030.
Hiện nay, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ/Tứ phủ lan tỏa mạnh mẽ với nhiều địa điểm thờ tự có quy mô lớn như: Phủ Tây Hồ (Hà Nội), đền Sòng (Thanh Hóa), đền Bắc Lệ (Lạng Sơn)… Các cơ sở thờ tự huy động hiệu quả nguồn lực xã hội để trùng tu, tôn tạo, mở rộng không gian. Những màn diễn xướng hầu đồng được đưa lên sân khấu, góp phần đưa di sản gần hơn với cuộc sống, giúp cộng đồng hiểu đúng về tín ngưỡng này.
Có thể thấy, qua từng bước đường phát triển, tín ngưỡng thờ Mẫu đã thực sự khẳng định vị trí trong đời sống tâm linh, sinh hoạt văn hóa của cộng đồng cũng như thể hiện tầm di sản thông qua những chính sách bảo tồn và phát huy giá trị đích thực của tín ngưỡng. Đây cũng chính là con đường để di sản tín ngưỡng thờ Mẫu tiếp tục hòa mình vào đời sống đương đại.
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/con-duong-di-san-i333997/