Con đường hoằng dương
Có một 'con đường' ở mạn phía Tây của dãy Yên Tử được các tăng ni, phật tử và giới nghiên cứu văn hóa cho rằng đó chính là 'Con đường hoằng dương Phật pháp' của Điều Ngự Giác Hoàng - Vua Trần Nhân Tông và các đồ đệ của ông hơn 700 năm trước.
“Con đường” ấy ngày nay đã và đang được khôi phục, mở mang, trở thành lộ trình hành hương mới về vùng thánh địa Trúc Lâm.
Một vùng thánh địa
Bắc Giang nay - Kinh Bắc xưa từ lâu đã đảm nhận vai trò là một vùng phên giậu quan trọng bậc nhất của kinh thành Thăng Long - Hà Nội, một vùng non nước tráng lệ. Núi Yên Tử thuộc cánh cung Đông Triều ôm gọn vùng Đông Bắc, sườn Đông chủ yếu thuộc tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, trong khi sườn Tây thuộc các huyện Yên Dũng, Lục Nam, Lục Ngạn và Sơn Động của tỉnh Bắc Giang.
Nếu như chưa có những chuyến điền dã dọc theo tuyến đường 293 (còn gọi là đường “Tâm Linh”) nối từ TP Bắc Giang đến các xã vùng cao huyện Sơn Động và nếu như chưa đến các di tích cổ bên mạn phía Tây núi Yên Tử có lẽ tôi chưa thể hình dung được “Con đường hoằng dương” như nhiều sách vở, tài liệu mà người xưa đã ghi chép về Thiền phái Trúc Lâm.
Những nền xưa, dấu cũ giữa muôn trùng núi cao phần nào giúp ta hiểu một cách toàn diện, đầy đủ hơn về một vùng thánh địa Phật giáo do Tam tổ Trúc Lâm đã bao công gây dựng, phát triển. Và nếu từ rất lâu rồi các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương đã thành công trong việc phát huy tốt khu danh thắng Yên Tử cho phát triển du lịch thì Bắc Giang lại gần như bỏ quên và gần đây mới thực sự chú ý.
Sự “bỏ quên” đó cũng có lý do khách quan, tất cả cũng bởi “cái khó bó cái khôn”. Địa hình Bắc Giang vốn núi cao rừng sâu, hạ tầng giao thông kém phát triển, sườn tây Yên Tử lại rơi vào những huyện rất nghèo của tỉnh nên dù biết những giá trị lớn mang bởi “ngành công nghiệp không khói” từ miền đất phía Tây này có thể mang lại nhưng Bắc Giang đành lực bất tòng tâm.
Huyện Sơn Động là một trong 62 huyện nghèo của cả nước, với trên 50% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 40%, thu nhập bình quân đầu người của huyện chỉ bằng 37% bình quân chung cả nước... Trong khi cái đói, cái nghèo còn chưa thể giải quyết thì phát triển du lịch với đồng bào dường như là việc quá mơ hồ, chưa ai dám nghĩ tới. Vậy nhưng đó là câu chuyện của quá khứ, mọi thứ giờ đã thay đổi, từ tư duy của chính quyền, nhân dân cho đến diện mạo của vùng đất mạn phía Tây đang khởi sắc.
Nơi ta đã qua, người ra đã gặp cho ta thêm hiểu hơn, yêu hơn vùng đất tươi đẹp và hùng vĩ ấy. Đến Tây Yên Tử hôm nay ta đã thấy tươi vui, nhộn nhịp hơn rất nhiều. Bức tranh kinh tế, xã hội đang trên đà đổi mới, đồng bào vùng cao cũng đã được thụ hưởng từ các chính sách, dự án do du lịch mang lại. Điều dễ nhận biết nhất có lẽ là cơ sở hạ tầng, giao thông và dịch vụ và đời sống nhân dân vùng cao...
Điều mà chỉ hơn chục năm trước, có mơ bà con cũng chưa hề thấy được. Việc khơi dậy các giá trị văn hóa Phật giáo Trúc Lâm bên phía Tây Yên Tử chỉ thực sự khởi động từ năm 2014 với các bản quy hoạch các điểm chùa và những công trình dịch vụ khác tại thôn Đồng Thông, xã Tuấn Mậu, huyện Sơn Động. Tiếp đến là hình thành một chuỗi các điểm đến văn hóa tâm linh, du lịch..., trong đó khu du lịch tâm linh, sinh thái ở thôn Đồng Thông là điểm nhấn.
Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Phó Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam từng chia sẻ rằng: Việc xây dựng khu văn hóa, tâm linh này đã khẳng định những giá trị văn hóa Phật giáo Trúc Lâm suốt hơn 700 năm qua, đồng thời khôi phục con đường hành hương trong không gian văn hóa chung Đông - Tây Yên Tử, qua đó kết nối quá khứ tâm linh của các thế hệ tiền nhân với hiện tại và cho đến muôn đời sau.
Tây Yên Tử là bộ phận không thể tách rời trong quần thể di tích, danh thắng Yên Tử. Sách “Đại Nam nhất thống chí” khi chép về dãy Yên Tử đã nhắc đến các địa danh như: núi Phật Sơn, núi Chúng Sơn, núi Tượng Sơn, núi Huyền Đanh, núi Am Ni, núi Yên Phú, núi Bát Mã, Nham Biền... các núi này ngày nay đều là những danh sơn, thắng tích và nhiều huyền thoại nằm phía sườn Tây.
Theo đánh giá của ông Đỗ Viết Quyền, Giám đốc Ban Quản lý khu bảo tồn Tây Yên Tử thì rừng ở đây có vị trí vô cùng quan trọng đối với phòng hộ, môi trường và điều tiết khí hậu cho khu vực; bảo vệ nguồn gen và tính đa dạng sinh học của hệ động, thực vật rừng nhiệt đới vùng Đông Bắc Việt Nam. Do nằm ở vị trí có địa hình cao dốc, hiểm trở nên rừng tự nhiên Tây Yên Tử có những khu vực còn tương đối nguyên vẹn, với một quần thể sinh vật phong phú, đa dạng, đặc trưng tiêu biểu cho vùng Đông Bắc Việt Nam.
Lên đến đỉnh thiêng, giữa bồng bềnh sương khói hư ảo, ta như nghe đâu đây vẫn còn tiếng vọng thần kỳ của hồn thiêng sông núi, câu thơ mấy trăm năm trước của Điều Ngự Giác Hoàng lại gợi về giữa núi rừng xanh thẳm: “Xã tắc hai phen chồn ngựa đá/ Non sông nghìn thuở vững âu vàng”.
Cũng xúc động biết bao khi cảm nhận về một cõi vô thường, an nhiên giữa núi rừng xanh thẳm mà hơn 700 năm trước Phật hoàng Trần Nhân Tông đã có trước tác lưu danh: “Véo von chim hót, liễu đầy hoa/ Thềm vẽ mây in bóng xế tà/ Khách đến chẳng bàn chi thế sự/ Lan can cùng tựa ngắm trời xa” (Xuân Canh).
Kết nối quá khứ - hiện tại
Sử cũ chép rằng, khi giặc Nguyên sang xâm chiếm, vua Trần Nhân Tông với duyên phận và trách nhiệm đã đoàn kết quân dân, đích thân xông pha nơi mũi tên hòn đạn, cổ vũ khích lệ tướng sĩ, trên dưới một lòng nên đã 2 lần đại phá quân Nguyên, giữ gìn trọn vẹn giang sơn bờ cõi nước Đại Việt.
Sau khi dẹp xong giặc phương Bắc, Trần Nhân Tông đã truyền lại ngôi báu cho con trai là thái tử Thuyên để chính thức “dừng tham ái”, “lắng thị phi”, rũ bỏ hết vinh hoa phú quý, ngài chu du khắp nơi ngắm nhìn giang sơn cẩm tú của các bậc tiên đế, tham thiền mở đạo và sáng lập Thiền phái Trúc Lâm - một dòng thiền mang bản sắc Việt Nam.
Thượng tọa Thích Thanh Quyết chia sẻ rằng: Nếu Đông Yên Tử là nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông tu tập, thì Tây Yên Tử là con đường hoằng dương Phật pháp của ngài và các đệ tử. Sau khi Phật hoàng nhập Niết Bàn, tổ đệ nhị Pháp Loa và tổ đệ tam Huyền Quang là hai đồ đệ của ngài đã theo con đường phía Tây này thực hiện nhiệm vụ Phật sự của phái Trúc Lâm, cho mở mang, xây dựng nhiều chùa tháp, phát triển đạo Phật rộng khắp ở mạn Bắc Giang.
Bằng chứng là cách đây nhiều năm, các nhà nghiên cứu phát hiện hàng loạt trầm tích văn hóa thời Trần ở các vùng núi Tây Yên Tử. Đó là chùa Am Vãi, xã Nam Dương (Lục Ngạn); chùa Yên Mã, xã Bắc Lũng; chùa Hồ Bấc, xã Nghĩa Phương; chùa Bình Long, xã Huyền Sơn; chùa Hòn Tháp, xã Cẩm Lý; chùa Cao, xã Khám Lạng; chùa Đồng Vành, xã Lục Sơn thuộc huyện Lục Nam...
Những nền móng kiến trúc, hiện vật do các nhà khảo cổ khai quật được tại những di tích trên đều chứng minh được có từ thời Trần và liên hệ mật thiết với Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử do Tam Tổ Trúc Lâm (gồm Sơ tổ Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông, Nhị tổ Pháp Loa Đồng Kiên Cương và Tam tổ Huyền Quang thiền sư) sáng lập. Điểm chung ở các ngôi chùa thời Trần là dựa vào núi, trước mặt hướng ra suối lớn, nằm trên đỉnh núi cao, xa khu dân cư (có ý nghĩa quan trọng về quân sự, hơn nữa điều này cũng phù hợp với tư tưởng Phật giáo thời bầy giờ: Chùa chiền phải ở xa dân và lánh xa cuộc sống trần tục).
Những tư tưởng Phật đạo của Tam Tổ vẫn còn có giá trị lớn lao đến ngày nay. Đó là “Phật tại tâm”. Các vị tổ khuyên hậu thế hãy tu chính cái tâm của mình, tìm lại Phật tính, tìm lại bản tính thiện nguyên sơ của mình. Và phải thế chăng mà lâu nay trong dân gian đã có câu ca: Thứ nhất là tu tại gia. Thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa.
Đặc biệt trong số đó phải kể đến chốn tổ Vĩnh Nghiêm ở huyện Yên Dũng. Ngôi chùa tọa lạc ở nơi đây sơn thủy giao hòa, nhìn sông tựa núi, cảnh sắc, không gian nhuốm màu huyền thoại. Sách “Thiền Uyển Tập Anh” cho hay: Vào năm Hưng Long thứ 21 (1313), đại sư Pháp Loa đã về Vĩnh Nghiêm trụ trì để định các tăng đồ trong toàn quốc. Từ đây đánh dấu việc thống nhất chặt chẽ trong toàn quốc của Phật giáo nước ta.
Từ sau đó, cứ 3 năm nhà Trần lại định chức các tăng đồ một lần. Như vậy vai trò quan yếu đầu tiên của ngôi chùa này chính là trung tâm đào luyện tăng ni và ban hành các pháp chế của Phật đạo toàn quốc và quan trọng hơn đây chính là trung ương của Phật giáo Việt Nam thời Trần. Từ lâu dân gian đã có câu “Ai qua Yên Tử - Quỳnh Lâm, Vĩnh Nghiêm chưa đến, thiền tâm chưa đành”.
Hơn 700 năm đã trôi qua kể từ ngày khởi tạo đến nay, chùa Vĩnh Nghiêm vẫn là một trung tâm Phật giáo lớn, một công trình kiến trúc đẹp và độc đáo.
Ngược lên miền thượng du, Khu tâm linh sinh thái Tây Yên Tử (Sơn Động) do Thượng tọa Thích Thanh Quyết cùng các doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã hưng công xây dựng, đó chính là sự tiếp nối quan trọng của Thiền phái Trúc Lâm trong giai đoạn hiện nay. So với 10 năm trước, đường lên Tây Yên Tử giờ đây đã dễ đi hơn gấp cả trăm lần. Những con suối vắt vẻo với sỏi đá lô xô ngày nào đã được thay bằng những chiếc cầu kiên cố.
Tuyến đường 293 còn có tên gọi khác là đường “Tâm Linh” kết nối từ TP Bắc Giang đến thôn Đồng Thông đã nối gần hơn giữa đô thị và rẻo cao của cộng đồng người Dao thanh y tại đây. Con đường như sợi dây gắn kết quá khứ với hiện tại, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Một khu tâm linh với quy mô lớn đã được hình thành, ngoài chùa Hạ, chùa Thượng, tại đây đã có các công trình để kết nối với chùa Đồng, tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông bằng cả đường bộ và hệ thống cáp treo. Qua đó tạo thành sản phẩm du lịch tương đối hoàn chỉnh và kết nối với Đông Yên Tử (tỉnh Quảng Ninh).
Tìm theo con đường hoằng dương (một con đường vừa hữu hình vừa vô hình) để đến đỉnh thiêng Yên Tử, trong mỗi chúng ta lại thấm thía hơn với những trước tác của sơ tổ Phật hoàng được viết hơn 700 năm có lẻ: “Sống giữa phàm trần, hãy tùy duyên mà vui với đạo/ Đói thì ăn, mệt thì ngủ/ Trong nhà sẵn của báu, đừng tìm đâu khác/ Đối diện với cảnh mà vô tâm, thì chẳng cần hỏi thiền chi nữa” (Cư trần lạc đạo). Hành hương về các di tích ở sườn Tây, du khách, phật tử đã toại tâm toại ý hướng về một vùng thánh địa Trúc Lâm.
Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/con-duong-hoang-duong-587379/