Con đường Net-Zero khó khăn của châu Á

Nhu cầu năng lượng tăng cao ở châu Á khiến mục tiêu loại bỏ nhiên liệu hóa thạch của khu vực ngày một trở nên khó khăn hơn.

Tình trạng thiếu năng lượng

Đầu tháng 10/2022, nhiều khu vực rộng lớn của Bangladesh chìm trong bóng tối sau sự cố lưới điện quốc gia.

Phát biểu với Reuters khi đó, Shameem Hasan, quan chức Ban Phát triển điện lực Bangladesh cho biết lưới điện của Bangladesh bị trục trặc vào khoảng 2 giờ chiều địa phương ngày 4/10, dẫn đến mất điện trên 75-80% toàn quốc.

Các nhà máy điện than vẫn được ưu tiên sử dụng tại châu Á.

Các nhà máy điện than vẫn được ưu tiên sử dụng tại châu Á.

Có tới 4/5 trong số 165 triệu dân của Bangladesh chịu cảnh mất điện trong 7 giờ. Các nhà máy ngừng hoạt động. Máy bơm ở các khu chung cư gián đoạn, khiến người dân mất nước sinh hoạt. Sự cố lưới điện này là một điển hình cực đoan của tình trạng thiếu điện do địa chính trị. Trong thập kỷ qua, Bangladesh đã bổ sung rất nhiều công suất phát điện để theo kịp với nền kinh tế đang phát triển của mình, chủ yếu bằng cách xây dựng các nhà máy khí đốt tự nhiên chạy bằng nhiên liệu nhập khẩu. Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã đẩy giá khí đốt lên cao. Các nhà sản xuất khí đốt Vùng Vịnh đã ưu tiên xuất khẩu sang châu Âu, nơi trả nhiều tiền nhất, thay vì xuất khẩu sang các nước nghèo.

Những vấn đề mà Bangladesh phải đối mặt là điềm báo cho những điều sắp xảy ra. Các nền kinh tế châu Á sẽ phát triển nhanh nhất thế giới trong thập kỷ tới. Nhu cầu về năng lượng của họ sẽ tăng cao.

Đồng thời, các quốc gia trong khu vực lại nằm trong số những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Tổn thất do lũ lụt, hạn hán và sóng nhiệt sẽ tăng lên. Trong khi đó, sự sẵn có của nhiên liệu hóa thạch phụ thuộc vào những biến động chính trị. Thành công trong tương lai của châu Á và hạnh phúc của người dân, bao gồm cả khả năng duy trì nguồn điện, sẽ phụ thuộc vào việc liệu quốc gia đó có thể cung cấp năng lượng xanh đủ cho họ hay không.

Mất điện trên diện rộng ở Bangladesh.

Mất điện trên diện rộng ở Bangladesh.

Con đường chuyển đổi sang năng lượng sạch

Đó là một thách thức đáng kể. Nhu cầu năng lượng của 10 thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) dự kiến sẽ tăng gấp 3 lần vào năm 2050. Riêng Ấn Độ, nhu cầu năng lượng của họ có thể tăng gấp đôi hiện nay vào năm 2040. Lý tưởng nhất là phần lớn nhu cầu bổ sung đó sẽ được đáp ứng bằng năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, nhiên liệu hóa thạch vẫn tiếp tục chiếm ưu thế trong cơ cấu năng lượng trên toàn khu vực. Sự thống trị của nhiên liệu hóa thạch có được là trợ cấp hoặc ưu tiên chính trị. Ở Ấn Độ, Indonesia, Malaysia và Philippines, than đá, những loại nhiên liệu hóa thạch bẩn nhất, vẫn đứng ở vị trí hàng đầu. Ấn Độ, quốc gia phát thải lớn thứ ba thế giới sau Trung Quốc và Mỹ, đã đặt mục tiêu không phát thải carbon vào năm 2070, muộn hơn 2 thập kỷ so với các nền kinh tế lớn của phương Tây. Trong khi đó, một số quốc gia vẫn chưa đưa ra cam kết nào.

Ưu tiên hiện nay là ngừng phụ thuộc vào than đá. Mặc dù các nhà máy than hiện tại vẫn cần thiết để đảm bảo sự ổn định của lưới điện trên toàn khu vực trong những năm tới, việc xây dựng các nhà máy mới phải chậm lại. Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, vốn tài trợ 95% cho các nhà máy như vậy, đã hứa sẽ ngừng cấp vốn cho chúng ở nước ngoài, mặc dù vẫn có sơ hở. Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam đang vận động để sao chép một mô hình đang được thử nghiệm ở Nam Phi, nơi các nước giàu cung cấp viện trợ không hoàn lại và các khoản vay giá rẻ để đóng cửa các nhà máy phát điện bằng than. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) muốn kết hợp viện trợ với vốn tư nhân để tái cấp vốn cho các khoản nợ của các “ông trùm” than đá. Ý tưởng ở đây là cho phép họ kiếm tiền trước thời hạn với điều kiện họ phải sớm đóng cửa nhà máy.

Đối với các nguồn năng lượng mới, ngày càng nhiều hy vọng được đặt vào hydro “xanh” - được tạo ra từ việc tách nước bằng năng lượng tái tạo. Hydro rất dồi dào, sạch và giàu năng lượng, nhưng cả công nghệ và cơ sở hạ tầng đều chưa được thử nghiệm ở quy mô lớn.

Với tình hình chưa chắc chắn trong việc phát triển hydro xanh, năng lượng mặt trời và năng lượng gió sẽ là trọng tâm chính trong quá trình chuyển đổi năng lượng của châu Á. Một công ty của Australia hứa hẹn xây dựng dự án liên kết điện dưới nước trị giá 18,7 tỷ USD, truyền tải điện từ các tấm pin mặt trời ở lãnh thổ phía Bắc của Australia đến Singapore, sử dụng 12.600 km dây cáp. Nếu được hoàn thành như đã hứa, vào năm 2029, nó sẽ cung cấp 1/6 lượng điện của Singapore.

Nhiệt điện vẫn là lựa chọn trong bối cảnh nhu cầu năng lượng tăng cao.

Nhiệt điện vẫn là lựa chọn trong bối cảnh nhu cầu năng lượng tăng cao.

Để quá trình chuyển đổi thành công, năng lượng hạt nhân sẽ cần phải là một phần được tính đến, giống như ở Trung Quốc. Bangladesh, Ấn Độ và Hàn Quốc đều đang bổ sung năng lực điện hạt nhân. Việc sản xuất các sản phẩm năng lượng xanh quy mô lớn của châu Á sẽ giúp ích cho việc này. Malaysia, Việt Nam và Hàn Quốc là những nhà sản xuất mô-đun năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới sau Trung Quốc.

Indonesia là nhà sản xuất niken lớn nhất, một nguyên liệu đầu vào quan trọng cho pin. Việc quốc gia này nỗ lực hiện đại hóa quá trình chế biến niken và khuyến khích các nhà sản xuất pin từ Hàn Quốc và các nơi khác thành lập nhà máy niken là một thành công đáng chú ý.

Tim Gould, nhà kinh tế trưởng tại Cơ quan Năng lượng quốc tế, dự đoán rằng niken sẽ mang lại cho Indonesia nhiều hơn so với than đá. Tuy nhiên, không phải tất cả các dự án sẽ khả thi về mặt thương mại.

Theo ước tính của Nhóm các nhà đầu tư châu Á về biến đổi khí hậu, việc đưa châu Á tới mục tiêu ngừng phát thải carbon sẽ đòi hỏi khoản đầu tư khoảng 26-37 triệu USD từ nay đến năm 2050. Các khoản tài trợ và trợ cấp từ các nước giàu sẽ cần thiết để thúc đẩy đầu tư tư nhân. Khi các quốc gia gặp nhau ở Ai Cập vào tháng tới tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu hằng năm -COP27, tài chính sẽ là trọng tâm của các cuộc thảo luận. Tương lai không carbon của châu Á phụ thuộc vào kết quả của hội nghị.

Bích Hạnh (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/con-duong-net-zero-kho-khan-cua-chau-a-i672637/