Con đường 'số hóa' để thoát nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tương Dương

Xã Yên Hòa, huyện Tương Dương - địa phương vùng cao với hơn 95% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Thái, Khơ Mú và Mông, từng là 'rốn nghèo' của tỉnh Nghệ An, nay từng bước thay da đổi thịt.

Sự thay đổi đầy bất ngờ và truyền cảm hứng hiện tại đến từ những bàn tay người dân, bằng tri thức mới, công nghệ số và thương mại điện tử, một hướng đi làm giàu bền vững, góp phần hình thành những vùng sản xuất tập trung cho giá trị kinh tế cao.

Đánh thức tiềm năng từ tri thức số

Cách trung tâm huyện gần 40km, HTX Nông nghiệp bản Hòa Tiến (xã Yên Hòa) là một trong những điểm sáng trong ứng dụng công nghệ thông tin và thương mại điện tử vào sản xuất nông nghiệp ở Tương Dương. Được thành lập từ cuối năm 2021, HTX hiện có gần 30 thành viên, trong đó hơn 80% là người dân tộc Thái.

Từ chỗ chỉ sản xuất nhỏ lẻ, tự tiêu thụ, HTX nay đã có 5ha trồng rau củ sạch theo quy trình VietGAP, 3ha chanh leo liên kết bao tiêu, cùng một xưởng sơ chế nông sản quy mô nhỏ. Điều đặc biệt là mọi khâu từ trồng trọt, theo dõi sinh trưởng cây trồng, đến đóng gói và tiêu thụ sản phẩm đều được ứng dụng công nghệ thông tin.

Vào HTX, người dân tộc thiểu số ở miền núi huyện Tương Dương không còn ngại đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ.

Vào HTX, người dân tộc thiểu số ở miền núi huyện Tương Dương không còn ngại đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ.

Để có được những thành công hiện tại, HTX được hỗ trợ tập huấn sử dụng phần mềm quản lý canh tác, biết theo dõi độ ẩm đất bằng cảm biến, sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc, tưới tiêu chính xác. Những kỹ thuật này giúp thành viên, nông dân liên kết của HTX tiết kiệm chi phí, tăng năng suất rõ rệt.

Không dừng ở sản xuất, HTX còn xây dựng fanpage, tham gia các sàn thương mại điện tử như Postmart, Voso để bán hàng. Các loại rau củ sạch, măng khô, miến dong được gắn mã QR truy xuất nguồn gốc, giúp khách hàng yên tâm sử dụng. Nhờ đó, thu nhập bình quân của thành viên HTX đã tăng từ 1,5 triệu đồng lên hơn 4 triệu đồng/tháng chỉ sau 2 năm.

Không riêng Yên Hòa, nhiều xã vùng sâu, vùng xa ở Tương Dương cũng đang dần thay đổi nhờ các mô hình kinh tế hợp tác, HTX. Như tại xã Lưu Kiền – nơi sinh sống của nhiều hộ đồng bào Mông và Khơ Mú, HTX Nông lâm nghiệp Lưu Kiền đang từng bước làm nên câu chuyện mới với cây nghệ đỏ và cây sa nhân tím.

Những cánh tay nối dài của chuyển đổi số

“Trước đây bà con trồng nghệ để bán củ tươi cho thương lái, giá bấp bênh, lúc được mùa thì mất giá. Nay chúng tôi đầu tư máy sấy, máy nghiền, đóng gói thành phẩm bột nghệ. Có tem truy xuất, có logo, bán qua mạng và được khách hàng cả nước biết đến,” chị Xồng Y Dợ, thành viên HTX Lưu Kiền phấn khởi nói.

Nhờ ứng dụng thương mại điện tử, sản phẩm của HTX đã tiếp cận được những thị trường khó tính hơn như Hà Nội, TP.HCM. Đặc biệt, mô hình còn kết hợp đào tạo kỹ năng số cho phụ nữ dân tộc thiểu số, giúp họ tự quản lý đơn hàng, trả lời khách hàng, cập nhật xu hướng thị trường.

Không chỉ các HTX, huyện Tương Dương cũng đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận công nghệ số. Cụ thể, từ năm 2022 đến nay, huyện đã phối hợp với các đơn vị tổ chức hơn 30 lớp tập huấn, đào tạo cho hàng trăm lượt cán bộ HTX và nông dân về kỹ năng sử dụng công nghệ trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Thành công trong chuyển đổi cây trồng đang đem lại niềm vui lớn cho đồng bào dân tộc thiểu số huyện Tương Dương.

Thành công trong chuyển đổi cây trồng đang đem lại niềm vui lớn cho đồng bào dân tộc thiểu số huyện Tương Dương.

Dẫu đạt được những kết quả đáng ghi nhận, hành trình chuyển đổi số trong nông nghiệp ở vùng cao Tương Dương không hề dễ dàng. Với xuất phát điểm thấp, trình độ dân trí chưa đồng đều, thói quen canh tác truyền thống còn ăn sâu trong tâm thức, việc thay đổi tư duy người dân là cả một quá trình kiên trì.

Anh Lô Văn Thái, Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp bản Khe Kiền (xã Tam Thái), chia sẻ: “Khi mới bắt đầu ứng dụng phần mềm quản lý trang trại, nhiều người không tin, nghĩ là ‘bày vẽ’. Nhưng rồi khi thấy dùng điện thoại cũng biết khi nào sâu bệnh, tưới bao nhiêu nước, tiết kiệm công mà hiệu quả tăng, thì bà con bắt đầu tin”.

HTX của anh Thái hiện có 40 thành viên, chuyên sản xuất nông sản sạch và chăn nuôi theo chuỗi. Mỗi tháng, HTX bán ra hàng tấn thịt gà bản, hàng trăm ký nấm linh chi, nấm mèo qua các kênh online. Doanh thu mỗi năm đạt hơn 1,2 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho hơn 20 lao động dân tộc tại chỗ.

Hướng tới tương lai bền vững

Thành công của các HTX tại Tương Dương hiện tại không thể không nhắc đến những chương trình đồng hành của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Nghệ An.

Cụ thể, Liên minh HTX Việt Nam cùng Liên minh HTX tỉnh Nghệ An đã triển khai các chương trình hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị tại Nghệ An, trong đó có huyện Tương Dương. Các mô hình này tập trung vào việc liên kết giữa HTX, nông dân và doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm, đồng thời nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng.

Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, Liên minh HTX Việt Nam đã tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý HTX về kỹ năng quản trị, lập kế hoạch sản xuất kinh doanh và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý. Điều này giúp các HTX tại Tương Dương nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.

Cùng với đó, Liên minh HTX Việt Nam cùng Liên minh HTX tỉnh đã hỗ trợ các HTX tại Tương Dương trong việc phát triển sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, thông qua việc tư vấn xây dựng hồ sơ, cải tiến mẫu mã, bao bì và kết nối tiêu thụ sản phẩm. Điều này góp phần nâng cao giá trị sản phẩm địa phương và tạo việc làm cho người dân.

Tính đến đầu năm 2025, toàn huyện Tương Dương đã có 18 HTX nông nghiệp, trong đó hơn 70% có từ 50% thành viên là người dân tộc thiểu số. Khoảng 10 HTX đã bước đầu ứng dụng công nghệ thông tin và thương mại điện tử trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Dù còn nhiều tiềm năng cần đánh thức, nhưng đây là nền tảng quan trọng để Tương Dương thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp, đưa kinh tế hợp tác trở thành trụ cột trong phát triển kinh tế vùng cao.

Theo lãnh đạo huyện Tương Dương, huyện xác định rõ ràng muốn đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo bền vững thì phải dựa vào khoa học kỹ thuật, dựa vào kinh tế hợp tác và công nghệ số.

Vì vậy, huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ thành lập mới HTX, ưu tiên hỗ trợ máy móc, chuyển giao công nghệ, đồng thời kết nối các sàn thương mại điện tử để sản phẩm của bà con không chỉ bán trong huyện, trong tỉnh mà ra cả nước và hướng tới xuất khẩu.

Có thể nói, mùa nông nghiệp mới đang bắt đầu ở vùng cao Tương Dương. Và cùng với ánh nắng đầu hè, một mùa no ấm mới cũng đang nhen nhóm từ tri thức, từ công nghệ – từ chính bàn tay và khối óc của những người nông dân dân tộc thiểu số nơi đây.

Đông Phong

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//business-cooperative/con-duong-so-hoa-de-thoat-ngheo-cua-dong-bao-dan-toc-thieu-so-o-tuong-duong-1106762.html