Con đường sự nghiệp của tân Bộ trưởng TN&MT Đặng Quốc Khánh
Tân Bộ trưởng TN&MT Đặng Quốc Khánh đang là một trong hai thành viên trẻ nhất Chính phủ đương nhiệm, 47 tuổi. Năm 2016, ông Khánh cũng được chú ý khi trở thành chủ tịch tỉnh trẻ nhất khi nhậm chức ở tuổi 40.
Chiều 22/5, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Đặng Quốc Khánh đã được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm vào vị trí Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) nhiệm kỳ 2021-2026.
Tân Bộ trưởng TN&MT sinh năm 1976, là một trong hai thành viên trẻ nhất Chính phủ hiện nay, cùng với Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị. Cả hai cùng 47 tuổi.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh quê ở xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh; là tiến sĩ chuyên ngành Quản lý đô thị và công trình, kỹ sư xây dựng dân dụng và công nghiệp; Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng khóa XII; Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII; Đại biểu Quốc hội hai khóa liên tiếp XIV và XV.
Ông bắt đầu sự nghiệp tại quê nhà năm 1999 với vai trò chuyên viên Phòng Thẩm định thuộc Sở Xây dựng Hà Tĩnh. Sau đó, ông kinh qua nhiều vị trí tại Sở Xây dựng và từng đảm nhiệm vị trí cao nhất tại đây là Giám đốc Sở.
Ông Đặng Quốc Khánh có gần 3 năm đảm nhiệm vị trí Bí thư Huyện ủy Nghi Xuân (12/2010-6/2013) trước khi được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh.
Tại đại hội Đảng khóa XII vào năm 2016, ông Khánh trúng cử ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương. Cũng trong năm 2016, tại Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh khóa XVIII, ông được bầu giữ chức Phó bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Đến tháng 4/2016, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVI tổ chức kỳ họp thứ 16 bầu bổ sung các chức danh UBND tỉnh. Ông Đặng Quốc Khánh được bầu giữ chức chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2011-2016. Ngày 27/6/2016, tại kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVII, ông tiếp tục được bầu làm Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2016-2021.
Thời điểm nhậm chức Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh năm 2016, ông Khánh là chủ tịch tỉnh trẻ nhất Việt Nam, 40 tuổi.
Tháng 7/2019, ông Đặng Quốc Khánh tiếp tục được Bộ Chính trị điều động, bổ nhiệm giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang nhiệm kỳ 2015-2020. Đến tháng 1/2021, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, tiếp tục giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang cho đến khi được Quốc hội phê chuẩn vào vị trí Bộ trưởng TN&MT.
Khối công việc lớn chờ tân Bộ trưởng
Là tiến sĩ Quản lý đô thị và công trình, kỹ sư xây dựng dân dụng và công nghiệp, tân Bộ trưởng TN&MT dường như có nhiều lợi thế khi làm lãnh đạo ngành tài nguyên môi trường. Tuy nhiên với hàng loạt các vấn đề “nóng bỏng” trước mắt, ông Đặng Quốc Khánh cũng phải đối mặt với không ít thách thức.
Bộ TN&MT là cơ quan chủ trì soạn thảo, tiếp thu dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Sau khi lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân, dự thảo đang được Chính phủ hoàn thiện để trình xin ý kiến Quốc hội lần 2 tại kỳ họp đang diễn ra.
Dự thảo mới nhất tuy đã được bổ sung, chỉnh lý nhiều, hoàn thiện hơn; nhưng đại biểu và người dân vẫn còn quan điểm nhiều chiều. Yêu cầu hài hòa lợi ích giữa các bên, tiếp thu có hiệu quả mọi ý kiến đóng góp sẽ đòi hỏi cơ quan soạn thảo phải làm việc tích cực, cẩn trọng.
Tình trạng thiếu vật liệu đắp nền đang xảy ra tại nhiều công trình cũng đòi hỏi ngành tài nguyên và môi trường vào cuộc quyết liệt hơn. Toàn quốc đang triển khai 12 dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn hai với chiều dài hơn 700 km. Nhiều dự án khác như Vành đai 3 TP HCM, Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội cũng chuẩn bị khởi công. Tuy nhiên, việc thiếu vật liệu đắp nền nếu xảy ra sẽ khiến các dự án chậm tiến độ.
Như hai dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và Cần Thơ - Cà Mau cần khoảng 40 triệu m3 cát nhưng nguồn vật liệu trong vùng không thể đáp ứng. Dự án Vành đai 3 TP HCM sẽ khởi công tháng 6 cũng có nguy cơ chậm tiến độ vì thiếu 7 triệu m3 cát. TP HCM đã đề nghị các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Long, An Giang, Tiền Giang và Đồng Tháp hỗ trợ cát san lấp.
Với các dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn hai, đến giữa tháng 5, các nhà thầu đã trình địa phương hồ sơ 48 trong tổng số 82 mỏ đất cần được cấp phép; trình 25 trong 31 hồ sơ mỏ cát. Tuy nhiên, địa phương mới cấp phép được 2 mỏ đất cho nhà thầu. Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị Bộ TN&MT hướng dẫn chi tiết trình tự, thủ tục khai thác khoảng sản làm vật liệu xây dựng phục vụ các dự án đối với hai loại mỏ đất đắp và cát xây dựng.
Bên cạnh đó, tân Bộ trưởng còn phải giải quyết, xử lý các vấn đề lớn của ngành tài nguyên môi trường như ô nhiễm không khí đô thị, rác thải đô thị, chống rác thải nhựa, an ninh nguồn nước...