Cơn giông bất ngờ và chiếc xe máy
Tuần qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến hai sự kiện: Vụ lật thuyền thương tâm do cơn giông bất ngờ trên biển Quảng Ninh và đề xuất cấm xe máy sử dụng nhiên liệu xăng/ dầu (nhiên liệu hóa thạch) trong Vành đai I Hà Nội từ ngày 1-7-2026.
Tưởng chừng không liên quan, tuy nhiên hai sự việc này lại cùng gợi lên một thông điệp đáng suy ngẫm về mối liên hệ giữa môi trường, khí hậu và cách chúng ta đang sống.
Cơn giông khiến chiếc thuyền du lịch Vịnh Xanh bị lật vào chiều 19-7 là ví dụ rõ nét về mối liên hệ ngày càng chặt chẽ giữa biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Sự ấm lên toàn cầu, bao gồm cả nhiệt độ bề mặt đại dương, đang cung cấp nhiều năng lượng hơn cho các hệ thống thời tiết, dẫn đến sự gia tăng về tần suất và cường độ của bão, áp thấp nhiệt đới và đặc biệt là các cơn giông mạnh, đột ngột và nguy hiểm.
Các nghiên cứu khoa học đã khẳng định, ô nhiễm môi trường, đặc biệt là phát thải khí nhà kính từ các hoạt động của con người (bao gồm cả phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu xăng/ dầu) là nguyên nhân chính gây nên biến đổi khí hậu.
Đáng nói, Hà Nội - trái tim của cả nước, đô thị vận hành sôi động suốt ngày đêm với hơn 7,6 triệu phương tiện giao thông cá nhân - thường xuyên xuất hiện trên các bảng xếp hạng toàn cầu với "danh hiệu" không mấy tự hào: "Địa chỉ đỏ" về ô nhiễm không khí.
Các kết quả quan trắc đã chỉ ra, bụi mịn và khí thải từ hàng triệu phương tiện, đặc biệt xe máy là một trong những nguyên nhân đang biến bầu không khí Thủ đô thành mối đe dọa thường trực với sức khỏe cộng đồng.
Nhận thức được mức độ nghiêm trọng của vấn đề, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị yêu cầu Hà Nội cấm xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong Vành đai I từ ngày 1-7-2026. Đây là một chủ trương không mới, bởi suốt hơn một thập kỷ qua, vấn đề hạn chế hoặc cấm xe máy ở Hà Nội đã nhiều lần được đưa ra bàn thảo, song chưa được thực hiện một cách triệt để.
Chiếc xe máy không chỉ là phương tiện đi lại đơn thuần, mà nó gắn với sinh kế, thậm chí là tâm tư, tình cảm của hàng triệu người dân. Vì vậy, việc thay đổi một thói quen đã ăn sâu vào nếp sống đô thị đòi hỏi phải có sự chuẩn bị thấu đáo, rõ lộ trình và trên hết là sự đồng thuận từ người dân.
Để việc cấm xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch thực sự hiệu quả và không gây xáo trộn lớn trong đời sống, Hà Nội phải triển khai một lộ trình đồng bộ và toàn diện. Đặc biệt là phải có những giải pháp thay thế hiệu quả, thuận tiện nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Hệ thống xe buýt cần được cải thiện về chất lượng, tần suất và phạm vi phủ sóng.
Bên cạnh đó, việc đẩy nhanh tiến độ và mở rộng mạng lưới đường sắt đô thị chính là giải pháp then chốt để giảm tải cho hạ tầng giao thông và môi trường Thủ đô. Song song với việc phát triển hệ thống giao thông công cộng, cần có những chính sách khuyến khích người dân chuyển sang sử dụng phương tiện thân thiện với môi trường như xe điện, xe đạp, cụ thể là các ưu đãi về giá, phí, nhất là đầu tư hạ tầng phù hợp như bố trí làn đường riêng cho xe đạp, lắp đặt các điểm sạc điện công cộng, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, nếp sống, từ đó hình thành thói quen di chuyển xanh, bền vững trong cộng đồng.
Vụ lật tàu ở Quảng Ninh là một lời cảnh tỉnh rõ ràng, cho thấy việc giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu là yêu cầu vô cùng cấp bách. Trong đó, việc đồng thuận, hưởng ứng chủ trương cấm xe máy sử dụng nhiên liệu xăng/ dầu ttrong nội đô là rất cần thiết để kiến tạo môi trường xanh cho đô thị phát triển văn minh, bền vững.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/con-giong-bat-ngo-va-chiec-xe-may-710553.html