Cơn khát khủng khiếp và mọi bí ẩn về nước

Chúng ta thường tưởng mình biết về nước. Tuy vậy, còn rất nhiều điều về nước như tính không bị hủy hoại, tính tái sử dụng… được cung cấp trong cuốn 'Cơn khát khủng khiếp'.

 Ảnh: Pixels.

Ảnh: Pixels.

Nước sinh hoạt trong gia đình của chúng ta, nước đóng chai, nước tưới tiêu cho nông nghiệp, nước trong thủy điện hay trên đại dương, nước siêu tinh khiết… được làm ra như thế nào?

Nước trên Trái Đất từ xưa có phải là nước mà ta có ở đây, hay nước vẫn đang được tạo thêm ra bằng một cách nào đó trong vũ trụ? Những kiến thức này được Charles Fishman, người đã ba lần giành Giải thưởng Gerald Loeb, giải đáp trong cuốn Cơn khát khủng khiếp.

Cuốn sách cho ta thấy con người có mối liên hệ phức tạp với nước ra sao. Nước là thành phần quan trọng của thủy quyển Trái Đất, sự sống trên Trái Đất bắt nguồn từ nước. Song nước cũng làm con người khổ sở với những thảm họa thiên nhiên như bão lụt, băng tan, thậm chí là hạn hán. Nước cũng chính là yếu tố tạo dựng nên cả nền văn minh, hoặc là nguyên nhân khiến một nền văn minh sụp đổ.

 Sách Cơn khát khủng khiếp. Ảnh: Tri Thức.

Sách Cơn khát khủng khiếp. Ảnh: Tri Thức.

Không dừng lại ở việc cung cấp kiến thức khoa học về nước, sách của Charles Fishman tập trung vào vấn đề mối quan hệ giữa con người và nước, đặc biệt là việc sử dụng nước hiện nay.

Nền văn minh hiện đại chúng ta từng có kỷ nguyên sử dụng nước một cách thừa thãi, an toàn, rẻ mạt. Nhưng trong tương lai, thời kỳ hoàng kim của nước không còn nữa. Nước vẫn có thể thừa và rẻ, nhưng phải sử dụng quay vòng, hợp lý hơn. Nước chúng ta uống cần phải sạch, an toàn, nhưng nó không còn rẻ nữa.

“Chúng ta đang ở khởi điểm của một thời đại mới về nước, một thời đại mà chúng ta cần sử dụng nước thông minh hơn, khởi điểm của một kỷ nguyên giành những quyền bình đẳng nước lớn hơn nhiều - một kỷ nguyên mà không một ai chết chỉ vì họ không thể có được nước do bị tước đoạt. Loài người đang phải đối mặt với nhiều vấn nạn về nước mà những tổ chức quốc tế trực thuộc Liên Hợp Quốc đã đề cập đến như tuyên bố gần đây về ‘Cuộc khủng hoảng nước toàn cầu’”, trích nội dung sách.

Cuốn sách của Charles Fishman cung cấp kiến thức để mỗi người thay đổi quan điểm về nước. Tác phẩm là cái nhìn bao quát về hàng hóa quý giá nhất: Nước; đồng thời là một lời cảnh báo kịp thời về việc bảo vệ và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên này.

Anh Vũ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/con-khat-khung-khiep-va-moi-bi-an-ve-nuoc-post1425700.html