Con lai Hàn - Việt bị bạn học bắt nạt, nhại giọng ở trường

Dù ngày càng gia tăng về số lượng, những người trẻ mang nhiều dòng máu ở xứ kim chi thường bị kỳ thị, bắt nạt ở môi trường học đường.

Ngày 10/6, Cơ quan Cảnh sát tỉnh Nam Jeolla (Hàn Quốc) tuyên bố đang điều tra vụ án học sinh 15 tuổi liên tục bắt nạt bạn học suốt 6 tháng, theo Korea Times.

Nạn nhân là con lai Hàn - Việt, cùng sinh hoạt trong đội bóng bầu dục của trường.

Nạn nhân cho biết thủ phạm nhiều lần tấn công cậu bằng máy hút bụi trong ký túc xá của đội bóng, chế nhạo giọng mẹ cậu (người Việt) trước mặt các học sinh khác.

Ngoài ra, nam sinh kia còn lấy 50.000 won (khoảng 45 USD) từ nạn nhân bằng cách dọa tung tin về quốc tịch của mẹ cậu nếu không chịu nộp tiền.

 Tình trạng bắt nạt, phân biệt đối xử với con lai người Hàn vẫn xảy ra phổ biến. Ảnh: The Telegraph.

Tình trạng bắt nạt, phân biệt đối xử với con lai người Hàn vẫn xảy ra phổ biến. Ảnh: The Telegraph.

Sợ cha mẹ lo lắng, nạn nhân đã che giấu sự việc suốt nhiều tháng. Cậu đặc biệt lo lắng việc này sẽ ảnh hưởng tới việc điều trị ung thư phổi giai đoạn cuối của cha.

Sau khi biết về vụ việc từ một phụ huynh khác, dì của nạn nhân đã trình báo với nhà trường và cảnh sát vào ngày 1/6.

"Chúng tôi đã tách nạn nhân khỏi kẻ tấn công. Ngoài ra, văn phòng giáo dục khu vực đang lên kế hoạch điều tra vụ việc", đại diện nhà trường cho biết.

Dù số lượng học sinh, sinh viên là con lai ở xứ kim chi có xu hướng gia tăng, nhiều người vẫn phải đối mặt với tình trạng phân biệt đối xử. Điều này thể hiện định kiến lâu đời đối với những người mang nhiều dòng máu ở xã hội Hàn Quốc.

Dữ liệu do Bộ Bình đẳng giới và Gia đình nước này cho thấy có 147.378 học sinh, sinh viên là con lai vào năm 2020, tăng gấp 3 lần so với năm 2013.

Trong khi đó, cứ 10 phụ huynh có con mang nhiều dòng máu thì 3 người cho biết gia đình họ từng bị phân biệt đối xử, theo một cuộc khảo sát do Viện Chính sách Thanh niên Quốc gia thực hiện vào tháng 4.

Ngọc Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/con-lai-han-viet-bi-ban-hoc-bat-nat-nhai-giong-o-truong-post1226389.html