Còn lơ là trong việc đăng ký và tiêm ngừa bệnh dại cho chó, mèo

Theo quy định, khi nuôi chó, mèo bắt buộc phải đăng ký và tiêm vaccine ngừa bệnh dại. Nếu vật nuôi lây truyền bệnh cho nhau, cho người thì phải bị tiêu hủy và chủ sở hữu vật nuôi có thể bị chế tài theo quy định pháp luật.

Chó chạy rông ra đường ở KP.Trần Hưng Đạo (TT.Dầu Giây, H.Thống Nhất). Ảnh: T.T.

Chó chạy rông ra đường ở KP.Trần Hưng Đạo (TT.Dầu Giây, H.Thống Nhất). Ảnh: T.T.

Luật sư Nguyễn Đức, Hội Luật gia tỉnh cho biết, quy định này không mới nhưng vẫn còn khá nhiều người dân chưa tuân thủ, còn lơ là. Đây chính là nguyên nhân phát sinh ổ dịch bệnh dại và gây tử vong cho một số người trong thời gian qua.

* Khi chó nhà, chó hoang mang virus dại

Ngày 25-7, 5 người dân ở ấp Bàu Bông, xã Phước An (H.Nhơn Trạch) bị chó hoang tấn công. Sau đó, con chó được người dân nhốt lại. Người bị chó cắn cũng đã được tiêm ngừa. Qua lấy mẫu xét nghiệm, cơ quan chức năng xác định, con chó này mang virus dại.

Cũng trong tháng 7-2023, tại xã Sông Trầu (H.Trảng Bom), ông T.V.P. (36 tuổi) tử vong do bị chó nhà cắn. Theo cơ quan chức năng, vào khoảng tháng 12-2022, ông P., cùng vợ và 1 người con của ông bị con chó nuôi chưa được tiêm ngừa bệnh dại cắn. Ngay sau đó, vợ và con của ông đã đi tiêm ngừa. Riêng ông P. không tiêm ngừa dẫn đến phát bệnh dại và tử vong.

Xử lý nghiêm tình trạng chó thả rông ra đường

Ông PHẠM NGUYÊN NHÂN (ngụ TT.Dầu Giây, H.Thống Nhất) kiến nghị, chó thả rông không chỉ tấn công con người mà còn phóng uế làm mất vệ sinh môi trường; dễ dẫn đến những vụ tại nạn xảy ra xuất phát từ nguyên nhân chó thả rông. Để hạn chế tình trạng chó thả rông, ngoài việc ý thức của người dân chấp hành việc nuôi nhốt chó, tiêm phòng bệnh dại đầy đủ, đăng ký với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng cũng cần có những biện pháp chế tài thật mạnh, nghiêm minh để xử lý chủ vật nuôi để thả chó chạy ra đường.

T.T. (ghi)

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ cuối năm 2022 đến nay, toàn tỉnh có 5 ổ dịch do chó, mèo gây ra tại 3 địa phương: Vĩnh Cửu, Trảng Bom và Nhơn Trạch, làm tổng cộng 2 người tử vong. Qua điều tra dịch tễ tại các ổ dịch, cơ quan chức năng đánh giá, nhiều trường hợp người dân nuôi chó, mèo thả rông và không tiêm phòng theo đúng quy định về thú y.

Luật sư Nguyễn Đức cho biết, tại Điều 66, Luật Chăn nuôi năm 2018 quy định, chủ nuôi chó, mèo phải thực hiện các yêu cầu sau: thực hiện tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo theo quy định của pháp luật về thú y. Khi nghi ngờ chó, mèo có triệu chứng bệnh dại phải báo ngay cho UBND cấp xã hoặc cán bộ chăn nuôi, thú y cơ sở và thực hiện xử lý theo quy định của pháp luật về thú y. Có biện pháp bảo đảm an toàn cho người và vật nuôi khác, giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y. Trường hợp chó, mèo tấn công, gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

* Nuôi chó, mèo phải đăng ký với UBND cấp xã

Hiện nay, việc nuôi chó, mèo trong nhà để làm thú cưng, giữ nhà… khá phổ biến. Tuy nhiên, rất ít người thực hiện theo quy định nuôi chó, mèo bắt buộc phải đăng ký với UBND cấp xã, gây khó khăn cho cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong việc điều tra, thống kê số lượng động vật nuôi trong dân cũng như triển khai phòng, ngừa dịch bệnh trên chó, mèo gây ra.

Theo một cán bộ phụ trách thú y ở xã Sông Nhạn (H.Cẩm Mỹ), mặc dù cán bộ thú y luôn phối hợp với các ấp tuyên truyền về tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo và thực hiện việc đăng ký vật nuôi để quản lý nhưng vẫn còn nhiều người chưa tuân thủ, do ý thức chấp hành quy định pháp luật của người dân chưa nghiêm.

“Chó, mèo vô cớ cắn, cào người phải nuôi cách ly để theo dõi trong vòng 14 ngày, nếu phát bệnh dại thì phải tiêu hủy theo quy định” - luật sư NGUYỄN ĐỨC, Hội Luật gia tỉnh cho biết.

Tương tự, tại TP.Biên Hòa có nhiều người dân nuôi chó, mèo nhưng không đăng ký với chính quyền địa phương. Chị Thu Lan (ngụ P.Quang Vinh) chia sẻ, chị cho con chó tiêm phòng dại theo quy định, nhưng không thực hiện việc đăng ký vật nuôi với UBND phường. Chị Thu Lan cho rằng, chị không biết việc nuôi chó, mèo phải đăng ký với UBND phường, hơn nữa đăng ký như vậy là phiền phức, miễn sao chị tiêm ngừa bệnh dại cho chó đầy đủ là được.

Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Phan Văn Châu giải thích, việc chính quyền địa phương tuyên truyền, yêu cầu người nuôi chó, mèo đăng ký là đúng quy định, hợp lý. Cụ thể tại Mục 2.1 và 31, Phụ lục 15 ban hành kèm theo Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31-5-2016 của Bộ NN-PTNT quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn (gọi tắt Thông tư 07) có quy định, đối với chủ nuôi chó, mèo (gọi chung là chủ vật nuôi) phải đăng ký việc nuôi chó, mèo với UBND cấp xã tại các đô thị, nơi đông dân cư và bắt buộc phải tiêm vaccine phòng dại cho chó, mèo.

Ngoài ra, Thông tư 07 quy định trách nhiệm của UBND cấp xã là phải có trách nhiệm lập sổ quản lý chó nuôi trên địa bàn; quy định cụ thể việc bắt giữ chó thả rông ở nơi công cộng thuộc địa bàn quản lý; thành lập các đội chuyên trách để bắt chó thả rông và động vật mắc bệnh dại, có dấu hiệu mắc bệnh dại; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về địa điểm tạm giữ chó bị bắt để chủ vật nuôi đến nhận; áp dụng các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ vật nuôi; quyết định biện pháp xử lý chó bị bắt giữ trong trường hợp sau 48 giờ kể từ khi có thông báo mà không có người nhận…

Đoàn Phú

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/202308/con-lo-la-trong-viec-dang-ky-va-tiem-ngua-benh-dai-cho-cho-meo-3173138/