Cơn lốc tiếp thị liên kết trên Temu

Sự xuất hiện của Temu tại Việt Nam cùng với chương trình tiếp thị liên kết đã mở ra một cơ hội lớn cho cả người tiêu dùng lẫn những người muốn kiếm thêm thu nhập từ việc quảng bá sản phẩm trực tuyến.

Một buổi sáng tháng 10, khi lướt qua Facebook, Hồng Việt – một freelancer marketing, nhận thấy hàng loạt bạn bè và đồng nghiệp của mình cùng thảo luận về một cụm từ đặc biệt: "Temu Affiliate". Ban đầu, Việt không mấy bận tâm, nhưng sau đó, số lượng bài viết và bình luận về từ khóa này tăng lên chóng mặt, khiến anh không thể bỏ qua. "Điều gì đang diễn ra?" - Việt tự hỏi khi anh nhận ra rằng đây không chỉ là một hiện tượng nhất thời, mà là sự bùng nổ của một xu hướng tiếp thị mới đang tạo cơn sốt trên mạng xã hội.

Trong ngày 22/10, từ khóa "Temu Affiliate" đã thu hút hơn 22.000 lượt thảo luận trên Facebook, và dữ liệu từ Google Trends ghi nhận sự gia tăng đột biến về lượng tìm kiếm các từ khóa liên quan như "temu.to", "temu affiliate login", "temu affiliate vietnam". Những từ khóa này đạt trạng thái "break out" – mức đột biến vượt qua ngưỡng tìm kiếm trung bình.

Temu vừa tung ra chương trình tiếp thị liên kết hấp dẫn cho người dùng Việt Nam. (Ảnh: Slash Gear).

Temu vừa tung ra chương trình tiếp thị liên kết hấp dẫn cho người dùng Việt Nam. (Ảnh: Slash Gear).

Trong khi đó, các từ khóa tiếng Việt như "tiếp thị liên kết Temu", "aff Temu" cũng ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ, từ 1.450% đến hơn 2.300% chỉ trong vài ngày. Vậy điều gì đã khiến Temu, một nền tảng thương mại điện tử giá rẻ của Trung Quốc, gây bão tại Việt Nam? Câu trả lời nằm ở chiến lược tiếp thị liên kết (affiliate marketing) mà nền tảng này đang triển khai.

Ngày 22/10, Temu đã giới thiệu tới người dùng Việt Nam chương trình tiếp thị liên kết, với chính sách hoa hồng hấp dẫn cùng quy trình đăng ký đơn giản, thu hút đông đảo người tham gia. Với mức thưởng lên tới 150.000 đồng cho mỗi người dùng mới tạo tài khoản qua link giới thiệu, cao gấp ba lần so với Shopee, Temu nhanh chóng trở thành lựa chọn mới cho những ai muốn kiếm thêm thu nhập từ việc giới thiệu sản phẩm.

Tuy nhiên, để nhận được phần thưởng này, những người dùng mới phải thực hiện giao dịch mua hàng.

Temu áp dụng mô hình hoa hồng đa cấp, theo đó người giới thiệu cấp trên được hưởng 20% hoa hồng từ thành viên cấp dưới. Mức hoa hồng trên mỗi đơn hàng dao động từ 10% đến 30%, vượt trội so với các đối thủ như TikTok Shop hay Shopee. Điều này không chỉ tạo ra sức hút lớn với người dùng mà còn khiến cho cơn sốt Temu lan tỏa mạnh mẽ trên các nền tảng mạng xã hội.

Ông Lê Hải Vũ, CEO của Velasboost, nhận xét rằng Temu đang triển khai một chiến lược marketing bài bản và quyết liệt tại Việt Nam. Ông chia sẻ rằng Temu có ý định "reach" (chạm tới - PV) toàn bộ 100 triệu dân Việt Nam chỉ trong một ngày thông qua chương trình tiếp thị liên kết này. Ông Vũ còn cho biết, chỉ sau một buổi tham gia chương trình, ông đã nhận được hơn 300 triệu đồng tiền thưởng, mặc dù chưa thể rút về.

Theo ông Vũ, chiến lược của Temu rất thông minh khi họ cho phép người dùng tự tiếp thị với nhau, chỉ trả tiền khi giới thiệu thành công, giúp tối ưu chi phí và tạo ra hiệu ứng lan tỏa nhanh chóng. Ông cũng khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam không nên cố gắng chống lại xu hướng này mà thay vào đó, cần tập trung vào những giải pháp như xây dựng thương hiệu riêng, nâng cao chất lượng sản phẩm và đa dạng hóa kênh bán hàng.

Ông Lê Hải Vũ. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Ông Lê Hải Vũ. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Không chỉ thu hút người dùng tham gia kiếm tiền, Temu còn tận dụng sức mạnh của chiến lược tiếp thị liên kết để mở rộng độ phủ thương hiệu một cách nhanh chóng. Bất kỳ ai có tài khoản mạng xã hội đều có thể đăng ký tham gia chương trình tiếp thị liên kết của Temu.

Sau khi đăng ký, người tham gia sẽ nhận được một liên kết duy nhất để chia sẻ với bạn bè hoặc khán giả của mình, và khi có người mua hàng thông qua liên kết đó, họ sẽ nhận được hoa hồng lên tới 20% cho mỗi đơn hàng mới.

Mức hoa hồng được chia theo giá trị đơn hàng, từ 5% cho đơn hàng dưới 50 USD, 10% cho đơn hàng từ 50 đến 99,99 USD, và 20% cho đơn hàng trên 100 USD. Ngoài ra, Temu còn thưởng 5 USD cho mỗi lượt tải ứng dụng thành công qua liên kết giới thiệu. Với những chính sách hoa hồng hấp dẫn, Temu nhanh chóng thu hút sự chú ý của nhiều đối tác tiếp thị tại Việt Nam.

Temu cung cấp danh mục sản phẩm đa dạng, từ đồ gia dụng, quần áo, đến các thiết bị điện tử, giúp các đối tác dễ dàng tìm kiếm sản phẩm phù hợp với đối tượng khách hàng của mình. Điều này góp phần tăng cường sự thành công của chương trình tiếp thị liên kết khi nó tạo điều kiện cho người tham gia tối đa hóa lợi nhuận.

Nhìn từ góc độ vĩ mô, chiến lược của Temu không chỉ dừng lại ở việc tận dụng cộng đồng tiếp thị liên kết. Nền tảng này còn đưa ra những chiến lược giá mạnh mẽ để cạnh tranh với các đối thủ lớn khác trên thị trường TMĐT.

Một phần quan trọng trong chiến lược giá của Temu là việc lựa chọn nhà cung cấp cực kỳ khắt khe. Chỉ 10% trong số 2.000 nhà cung cấp được xét duyệt, và cuối cùng chỉ 20 đơn vị được chọn dựa trên tiêu chí duy trì mức giá thấp nhất có thể. Temu thậm chí chấp nhận lỗ trung bình 30 USD cho mỗi đơn hàng tại Mỹ, với mức lỗ hàng năm ước tính từ 588 đến 954 triệu USD, để duy trì sức cạnh tranh trên thị trường.

Về mặt vận hành, Temu áp dụng mô hình "sản xuất ngược", nghĩa là họ thử nghiệm bán trước một số lượng nhỏ sản phẩm, phân tích dữ liệu tiêu dùng để xác định các sản phẩm "hot", sau đó mới quyết định sản xuất thêm. Temu cũng áp dụng mô hình ký gửi hàng hóa, chịu trách nhiệm từ khâu vận chuyển đến hậu mãi, giúp người bán giảm thiểu rủi ro về hàng tồn kho.

Tại Việt Nam, Temu hợp tác với các đơn vị vận chuyển như Ninjavan và Best Express, đảm bảo thời gian giao hàng trong vòng 3-5 ngày, với chính sách miễn phí vận chuyển cho các đơn hàng từ 120.000 đồng trở lên. Chiến lược marketing của Temu cũng rất rõ ràng, tập trung vào tâm lý của người tiêu dùng trong thời kỳ lạm phát. Họ từng mạnh tay chi cho quảng cáo, với số tiền lên đến 200 triệu USD chỉ trong tháng đầu ra mắt tại Mỹ.

Tại Việt Nam, Temu áp dụng các chiến thuật như flash sale, tạo tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội (FOMO) và tích hợp các trò chơi trúng thưởng để thúc đẩy người tiêu dùng chi tiêu. Temu đang nhanh chóng tìm cách thích nghi với thị trường TMĐT đang phát triển tại Việt Nam, nơi người tiêu dùng đã quen thuộc với việc mua sắm xuyên biên giới, đặc biệt trên các nền tảng như Shopee hay TikTok Shop.

Thành Vũ

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/con-loc-tiep-thi-lien-ket-tren-temu.html