'Con mắt thứ 3' giúp bác sĩ tìm tổn thương, ngăn nguy cơ ung thư
Người đàn ông ở Hà Nội được phát hiện sớm tổn thương đường tiêu hóa ở vị trí khó nhìn, cắt bỏ khối u ngay trong lúc nội soi, ngăn nguy cơ ung thư, nhờ sự hỗ trợ của 'con mắt thứ 3'.
Người đàn ông 60 tuổi, ở Hà Nội, đến Bệnh viện 19-8 (Bộ Công an) vì đau bụng, thỉnh thoảng lại có đợt đại tiện ra máu. Ông được bác sĩ thực hiện nội soi dạ dày, đại trực tràng, với sự hỗ trợ của công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) tại Khoa Nội tiêu hóa.
AI "đọc" ra tổn thương của người bệnh là u tân sinh. Thầy thuốc cắt bỏ tổn thương có kích thước 20mm ngay trong quá trình nội soi. Kết quả giải phẫu bệnh sau cắt phù hợp với chẩn đoán ban đầu: bệnh nhân bị u ống tuyến kèm loạn sản độ cao, tiền ung thư đại trực tràng.
Đây là một trong số những bệnh nhân sớm phát hiện polyp đại trực tràng ở vị trí khó nhìn, xử lý ngay trong lúc nội soi, được bác sĩ Nguyễn Việt Dũng, Trưởng khoa Nội tiêu hóa Bệnh viện 19-8, trao đổi với báo chí bên lề hội thảo khoa học ứng dụng AI trong chẩn đoán bệnh lý đường tiêu hóa do bệnh viện này tổ chức ngày 20/9.
Trung bình mỗi ngày, Khoa Nội tiêu hóa của Bệnh viện 19-8 nội soi dạ dày, đại trực tràng cho gần 120 ca. Mỗi tháng, cơ sở thực hiện cắt polyp đại trực tràng cho hơn 200 ca, tương đương 7 ca mỗi ngày.
Theo các bác sĩ, hơn 95% các trường hợp ung thư đại tràng bắt đầu từ polyp. Vì thế việc phát hiện sớm, điều trị kịp thời polyp bằng nội soi cắt hớt niêm mạc, hay cắt tách dưới niêm mạc, giúp bệnh nhân tránh được cuộc phẫu thuật cho bệnh nhân, ngăn chặn nguy cơ polyp tiến triển ung thư hóa.
Bác sĩ Dũng cho hay nội soi hiện là "tiêu chuẩn vàng" để chẩn đoán các bệnh lý đường tiêu hóa. Trong tầm soát polyp đại trực tràng, AI giống như "con mắt thứ 3" hỗ trợ bác sĩ tránh bỏ sót tổn thương. Đồng thời, AI cũng hỗ trợ bác sĩ đọc và phân loại được tổn thương cho người bệnh.
Theo các bác sĩ, trong nội soi tiêu hóa, hình ảnh rất quan trọng. Với những tổn thương nhỏ, vị trí khó, nếu quan sát bằng mắt thường, bác sĩ có nguy cơ bỏ sót. Nhờ sự hỗ trợ của AI tích hợp kinh nghiệm hình ảnh bằng video nội soi thực tế, bác sĩ được "trợ lực" rất nhiều trong việc phát hiện tổn thương nhỏ hoặc ở vị trí khó quan sát. Từ đó giảm thời gian chẩn đoán, tiên lượng tổn thương bệnh nhân.
Khi có tổn thương nghi ngờ, AI giúp nhận diện, đánh dấu khoanh vùng, hiển thị hình ảnh, gợi ý phân tích, giúp bác sĩ tập trung chú ý vào điểm tổn thương AI phát hiện và đưa ra nhận định, đánh giá hướng xử trí.
Đặc biệt, theo bác sĩ Dũng, bác sĩ tiêu hóa tại Việt Nam phải chịu áp lực công việc rất lớn, mỗi ngày nội soi tới hàng chục ca. AI đặc biệt thể hiện rõ hiệu quả cụ thể, rõ ràng đối với những ca nội soi tiêu hóa cuối cùng trong ngày. "AI như người bạn song hành, báo hiệu cho bác sĩ liệu có bỏ sót tổn thương đại trực tràng hay không, đó là tổn thương gì", vị bác sĩ chia sẻ. Khi sử dụng AI trong nội soi, khả năng phát hiện polyp đạt tới trên 95%.
Nên đi nội soi, tầm soát ung thư đường tiêu hóa từ sau tuổi 40
Theo PGS.TS Hoàng Thanh Tuyền, Giám đốc Bệnh viện 19-8, trong nội soi tiêu hóa, AI đóng vai trò hỗ trợ đắc lực trong việc nâng cao tỷ lệ phát hiện, tránh bỏ sót tổn thương, tiết kiệm nguồn nhân lực y tế còn thiếu hụt. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng vẫn thuộc về bác sĩ. Kinh nghiệm và năng lực của bác sĩ là yếu tố quan trọng.
Bác sĩ Dũng cho hay các khuyến cáo trước đây về polyp đại trực tràng thường tập trung lưu ý với người trên 50 tuổi. Nhưng hiện nay, số lượng tổn thương ung hóa phát hiện nhiều hơn ở người trẻ, Mỹ khuyến cáo người dân nên nội soi tầm soát từ 45 tuổi trở lên, còn Nhật Bản giảm từ 45 xuống 40 tuổi.
Vị bác sĩ chia sẻ, cơ sở này từng tiếp nhận nữ bệnh nhân mới 23 tuổi, phát hiện ung thư ngay sau khi sinh con. Với bệnh nhân trẻ tuổi, mức độ ác tính càng cao. Điều này liên quan nhiều đến các yếu tố di truyền.
"Chúng tôi khuyến cáo những người có mối quan hệ huyết thống bậc 1 như bố mẹ, anh chị em ruột với người có polyp, ung thư đại trực tràng nên đi sàng lọc bằng nội soi", bác sĩ Dũng lưu ý.
Nếu phát hiện tổn thương dưới 20mm và đánh giá không ác tính xâm nhập, các bác sĩ sẽ xử lý cắt polyp trong lúc nội soi. Với tổn thương lớn hơn, thầy thuốc sẽ cân nhắc có cắt bỏ ngay lúc đó, hay phải đánh giá thêm bằng cách nhuộm màu, sinh thiết polyp xem có xâm lấn xuống lớp dưới niêm mạc hay không, từ đó sẽ đưa ra quyết định xử lý tổn thương.