Con người có 60.000 ý nghĩ mỗi ngày
Mỗi ngày, chúng ta có hơn 60.000 ý nghĩ - một số trong đó rất tuyệt vời, nhưng rất nhiều ý nghĩ khác chỉ là rác - và chúng ta cần dùng lý trí để chọn lọc chúng trước khi hành động.
Khi mất kiểm soát, chúng ta bị cảm xúc chi phối
Những phán xét của chúng ta là rất quan trọng vì chúng quyết định cách chúng ta hành động. Sử dụng lý trí là một cách để điều khiển phần nào cơn sóng cảm xúc vốn đủ khả năng nhấn chìm chúng ta nếu ta không khống chế nó.
Mỗi ngày, chúng ta có hơn 60.000 ý nghĩ - một số trong đó rất tuyệt vời, nhưng rất nhiều ý nghĩ khác chỉ là rác - và chúng ta cần dùng lý trí để chọn lọc chúng trước khi hành động. Chúng ta thường nghiền ngẫm những điều đang làm mình bận tâm (ví dụ như cuộc họp sắp tới với sếp) nhưng dù ta có suy nghĩ nhiều đến thế nào đi nữa thì nó cũng không thể thay đổi được những gì thực sự sẽ diễn ra trong buổi họp. Sự chuẩn bị mới làm nổi điều đó. Còn nghiền ngẫm thì không.
Khi chúng ta nghiền ngẫm một vấn đề nào đó tới mức ám ảnh, những ý nghĩ của ta trở thành giống như đồ ăn vặt: có hại cho chúng ta, thiếu dinh dưỡng, không thể cung cấp năng lượng chúng ta cần để hoàn thành công việc. Bạn đâu có ăn vặt cả ngày, vậy nên cũng đừng nghĩ những ý nghĩ “ăn vặt”.

Suy nghĩ là hoạt động không ngừng nghỉ của não bộ. Ảnh: Times Higher Education.
Suy nghĩ lý trí
Những người Khắc kỷ rất coi trọng khả năng suy nghĩ lý trí của con người. Đó là quyền năng bẩm sinh của mỗi người, khả năng lập luận lý trí để thoát khỏi trạng thái cảm xúc cuồng nhiệt và thường là sai lầm.
Epictetus đã nói một câu nổi tiếng rằng, “Điều xảy ra với ta không quan trọng, mà quan trọng là cách ta phản ứng với nó”.
Khía cạnh này của chủ nghĩa Khắc kỷ có vẻ rất dễ hiểu với Andrew, nhưng nó lại khiến tôi sợ hãi. Nếu các cảm xúc có thể được kiểm soát dễ dàng đến thế bằng suy nghĩ lý trí, tại sao trên đời vẫn tồn tại chiến tranh, ly dị, đánh lộn, bạo lực, tranh chấp, những vụ kiện, và những tình bạn tan vỡ? “Không thể đơn giản như thế được!”, tôi cứ nhắc đi nhắc lại như thế.
Để tìm đến một góc nhìn mới, tôi đọc những bài viết của nhà triết học hiện đại Martha Nussbaum, và cả tác phẩm tuyệt vời của bà nói về niềm khao khát, những cảm xúc, và vị trí của chúng trong cơ sở đạo đức của các triết gia Khắc kỷ cổ đại.
Trong The Therapy of Desire, bà đã viết: “các cảm xúc có kết cấu nhận thức phong phú. Rõ ràng là chúng không phải những làn sóng cảm giác vô hồn, mà là những cách nhìn nhận sự việc với nhận thức rõ; và những dạng niềm tin khác nhau là điều kiện cần thiết cho chúng”.
Sự phức tạp của cảm xúc và tính cách độc nhất của mỗi người nơi chúng nảy sinh đồng nghĩa với việc yêu cầu của phái Khắc Kỷ về kiểm soát những phản ứng của bản thân có vẻ đang đơn giản hóa mọi chuyện quá mức.
Có rất nhiều những hành vi vô thức thúc đẩy cảm xúc và sự phán xét; vì thế việc tháo bỏ và trung hòa những cảm xúc và phán xét của chúng ta theo lời khuyên của phái Khắc kỷ là vô cùng khó khăn. Mặt này của chủ nghĩa Khắc kỷ đã củng cố trực giác của tôi về một số khía cạnh khác của nó: tức là nó đặt ra một tiêu chuẩn quá cao với nhiều người trong số chúng ta, nhưng cũng đem lại cho ta một lý tưởng để mà vươn tới.
Nhưng trước tiên, hãy cùng xem ta có thể bắt đầu đạt được điều đó thông qua việc tháo gỡ một vài phán xét của mình như thế nào.
Nguồn Znews: https://znews.vn/con-nguoi-co-60000-y-nghi-moi-ngay-post1545651.html