Con người có hạnh phúc hơn xưa?

Hình ảnh các cửa tiệm bị bỏ hoang, tiêu điều, nhếch nhác làm nhiều người nhíu mày nhăn mặt. So với cách đây chục năm lúc đường phố nhộn nhịp, đèn đuốc sáng choang, nay bộ mặt đô thị bị hoen ố vì nhiều mặt bằng không người thuê, tường dán đầy quảng cáo, cửa cuốn sơn xịt lem luốc.

Việc chuyển dịch một phần hoạt động thương mại từ các cửa hàng vật lý lên các sàn thương mại điện tử, vì thế có thể đánh giá cả tốt lẫn xấu. Tốt cho người tiêu dùng, khỏi mất công đi mua sắm, không cần dùng tiền mặt, cứ ngồi nhà bấm nút và chờ hàng tới nhưng xấu cho người có mặt bằng cho thuê, cho bộ mặt đô thị chưa thích nghi được với xu hướng mới. Đó là một ví dụ.

Tự chụp ảnh với chiếc điện thoại di động. Ảnh: Lê Vũ

Tự chụp ảnh với chiếc điện thoại di động. Ảnh: Lê Vũ

Cuộc sống của mọi người trong hai, ba chục năm qua cũng trải qua nhiều thay đổi vừa có thể xem là tốt nhưng cũng có thể là rất xấu, tùy góc nhìn từng người. Nếu có dịp xem phim lấy bối cảnh diễn ra vào những năm 1980-1990, bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy con người thời đó có vẻ thư thái hơn; không ai dán mắt vào chiếc điện thoại di động như bây giờ. Nay đi đâu cũng thấy cảnh nhiều người chúi mũi vào màn hình; chốn đông người, càng thấy rõ sự cô đơn của từng cá nhân, chỉ biết cái thế giới ảo mà chiếc điện thoại đem lại. Theo khảo sát của Q&Me, người Việt dành đến 6,2 giờ mỗi ngày cho việc sử dụng điện thoại thông minh. Con số trung bình này có vẻ cao quá; thôi cứ cho người Việt dùng đến một phần tư thời gian đã trừ giờ ngủ mỗi ngày dán mắt vào chiếc điện thoại, thế họ hạnh phúc hơn khi sống với thế giới số này hay buồn chán hơn?

Nếu có dịp xem phim lấy bối cảnh diễn ra vào những năm 1980-1990, bạn sẽ ngạc nhiên thấy con người thời đó có vẻ thư thái hơn; không ai dán mắt vào chiếc điện thoại di động như bây giờ. Nay đi đâu cũng thấy cảnh nhiều người chúi mũi vào màn hình; chốn đông người, càng thấy rõ sự cô đơn của từng cá nhân, chỉ biết cái thế giới ảo mà chiếc điện thoại đem lại.

Chuyện vui buồn rất khó định lượng nhưng so với cách đây hai, ba chục năm, con người đã trải qua những thay đổi rất rõ, có thể đo lường được. Chẳng hạn, ngày xưa chưa có điện thoại thông minh, mỗi người nhớ khá nhiều số điện thoại để khi cần, quay số cho nhanh. Nay ít ai nhớ được quá vài số vì tất cả đã lưu vào danh bạ, bấm là có. Nói nhớ - quên cho lịch sự chứ nhiều nghiên cứu khẳng định con người ngày nay thua kém con người thời xưa nhiều về mặt trí tuệ. Mức độ tập trung chú ý của họ cũng kém hơn, chỉ đọc những bài ngắn, dễ hiểu; thấy ai viết dài là bỏ qua, thấy lập luận rối rắm là chê ngay. Cứ vào mạng xã hội là cảm nhận ngay được sự thay đổi này.

Không biết con người ngày xưa có khoan dung hơn hay không nhưng một điều có thể nói chắc: con người ngày nay dễ giận dữ hơn, xúc cảm dễ bùng phát hơn. Hai người không quen biết nhau ngoài đời có thể gấu ó kịch liệt với nhau trên mạng xã hội, dùng các từ ngữ dữ dằn, cục súc, khó nghĩ những lời như thế có thể thốt lên ngoài đời thật. Các luồng cảm xúc trào dâng, cuốn mọi người theo chúng, dài ngắn, lâu mau tùy chuyện rồi lại chìm xuống, trôi vào quên lãng. Nếu đo lường hạnh phúc của mỗi người bằng độ rung các cảm giác giận dữ, phẫn nộ, thương cảm, hồi hộp dõi theo như thể họ đang sống những ngày sôi động nhất trong đời thì rất dễ kết luận con người ngày nay hạnh phúc đó chứ. Bởi sáng sớm họ đã có thể bị cuốn vào một chuyện, rồi chiều tối loay hoay với một chuyện khác - toàn là chuyện đâu đâu trên thế giới mạng, không liên quan gì đến họ nhưng giúp họ trải nghiệm các cảm xúc rất thật như xài thuốc gây nghiện.

Hạnh phúc hơn hay buồn chán hơn khi sống với thế giới số? Ảnh: N.K

Hạnh phúc hơn hay buồn chán hơn khi sống với thế giới số? Ảnh: N.K

Nhưng như thế có khác gì con người liên tục ghé mắt nhìn vào một màn hình trình chiếu cảnh đời người khác, y như xem truyền hình nhiều tập, chiếu liên tục ngày đêm. Con người ngày xưa sống là tạo ra kỷ niệm; con người ngày nay không có ký ức nếu cứ sống bằng cảm xúc trên mạng xã hội mà chiếc điện thoại di động là phương tiện bước vào.

Từng có một thời, ngày cuối tuần rảo quanh phố, mua một băng cassette hay một đĩa CD nhạc mới ra hay ghé tiệm gần nhà thuê một bộ phim trên băng VHS là cả một nghi lễ có những bước tuần tự. Để cuối cùng sẽ có vài tiếng đồng hồ thật sự thư giãn trong không gian nhạc hay phim chọn lọc.

Từng có một thời, ngày cuối tuần rảo quanh phố, mua một băng cassette hay một đĩa CD nhạc mới ra hay ghé tiệm gần nhà thuê một bộ phim trên băng VHS là cả một nghi lễ có những bước tuần tự. Để cuối cùng sẽ có vài tiếng đồng hồ thật sự thư giãn trong không gian nhạc hay phim chọn lọc.

Ngày nay con người ta dường như ít kiên nhẫn hơn, họ có sẵn hàng triệu bài hát, hàng ngàn album nhạc mới trên một dịch vụ nghe nhạc nào đó, thế là họ sẽ nhảy từ bài này sang bài khác, không hề có cái cảm giác thỏa mãn. Với phim cũng vậy, họ cứ luôn đi tìm, bộ phim hay nhất vẫn nằm đâu đó trong các nút bấm của chiếc remote. Dường như các nhà làm phim lại không giúp họ chọn phim để xem - không biết vì sao phim bây giờ dài quá, màu sắc tối quá và nhiều chuyện phim tào lao quá, hết vũ trụ Marvel đến vũ trụ DC với toàn các anh hùng siêu nhân từ truyện tranh ngày xưa bước ra.

Ngay cả các thứ trước đây tưởng chừng như chỉ có trong phim khoa học viễn tưởng như trợ lý AI thông thái, hỏi gì cũng biết chưa chắc đã giúp con người sống có ý nghĩa hơn. Các công cụ như ChatGPT, Gemini hay Claude có thể làm giúp họ nhiều chuyện, kể cả viết thư, lập kế hoạch, tạo ra bức hình trước đây chỉ có trong trí tưởng tượng. Nhưng như thế còn đâu niềm vui làm việc - cái làm nên ý nghĩa cuộc sống. Loay hoay viết một lá thư cho người yêu rồi chờ nàng rung cảm với các cung điệu trong thư hay nhờ các công cụ tự động nhanh chóng đẻ ra những nội dung lâm ly, ướt át nhưng ta biết chắc chắn không phải là ta? Sẽ có thể mất dần cái hứng thú tò mò, tìm tòi và học hỏi vì mọi thứ dễ dàng có sẵn trên đầu ngón tay.

Con người có hạnh phúc hơn xưa? Làm sao biết được. Suy cho cùng các thay đổi trong xã hội là sự sắp đặt lại, tổ chức lại cuộc sống. Như thay vì ra đầu ngõ ăn tô hủ tiếu trên xe, người ta ngày nay có thể mở ứng dụng tìm món ăn ưa thích, bấm nút đặt mua và sẽ có người giao đến tận nhà, bất kể xa hay gần. Cách đầu có thể dẫn tới các cuộc trò chuyện tán gẫu với chủ xe hủ tiếu; cách sau chỉ trở thành hiện thực nhờ rất nhiều tiến bộ công nghệ nhưng cũng tạo ra một lượng rác thải cho môi trường nhiều hơn. Đó là sự thay đổi nhưng chắc chắn không giúp đo lường mức độ hạnh phúc của toàn bộ những người trong cuộc, kể cả chủ tiệm, anh shipper và khách mua tạm thời vào đọc cuộc cãi nhau trên Facebook trong khi chờ thức ăn tới.

Nguyễn Vũ

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/con-nguoi-co-hanh-phuc-hon-xua/