Con người và truyền thống văn hóa thúc đẩy sự phát triển huyện Vĩnh Linh
Tôi là người Vĩnh Linh. Tôi sinh ra, lớn lên, học tập, công tác và bây giờ về nghỉ hưu đều gắn bó với những diễn biến lịch sử và sự đổi thay của mảnh đất này trong suốt gần 70 năm qua.
Sau Hiệp định Giơnevơ được ký kết, sông Bến Hải, cầu Hiền Lương trở thành giới tuyến quân sự tạm thời chia cắt giữa hai miền Nam - Bắc. Mẹ tôi là cán bộ miền Nam tập kết ra Vĩnh Linh. Bố tôi từ mặt trận Điện Biên Phủ được phục viên trở về sau 9 năm kháng chiến. Gia đình tôi lúc bấy giờ, bố người Bắc, mẹ người Nam, trực tiếp chứng kiến nỗi đau chia cắt quê hương, đất nước.
Năm 1967, chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ trên đất Vĩnh Linh vô cùng ác liệt. Tôi và đứa em trai được sơ tán ra miền Bắc theo kế hoạch K8. Ngay sau đó, mẹ và hai đứa em nhỏ lại phải rời khỏi vùng bom đạn hủy diệt, sơ tán theo kế hoạch K10 ra Tân Kỳ - Nghệ An.
Bố tôi ở lại Vĩnh Linh bám trụ, trực tiếp chiến đấu, sản xuất và phục vụ chiến đấu. Căn nhà được tháo xuống, nửa làm hầm, nửa làm lán trại cho bộ đội từ miền Bắc vào Nam chiến đấu và đồng bào K15 sơ tán từ các huyện phía Nam ra ở tạm. Năm 1973, sau Hiệp định Paris được ký kết, chúng tôi được trở về gặp nhau trên nền đất cũ nhà mình, đầy hố bom, mảnh pháo, trong niềm vui đoàn tụ trùng phùng.
Sau này, tôi càng thấm thía sâu sắc một điều rằng: chính lịch sử đã lựa chọn, trao gửi để làm nên một Vĩnh Linh anh hùng nơi tuyến đầu Tổ quốc. Nghiên cứu, tìm hiểu Vĩnh Linh từ góc độ văn hóa có thể thấy mảnh đất này có những “tài sản” đặc biệt, ít có miền quê nào có được.
1. Vĩnh Linh là một vùng đất có những tài nguyên văn hóa đặc sắc, góp phần tạo nên cốt cách, tâm hồn, tình cảm, lối sống của con người nơi đây. Một bãi biển Cửa Tùng thơ mộng được mệnh danh là “nữ hoàng” của các bãi tắm. Một dòng sông Sa Lung huyền thoại gắn với truyền thuyết “Rồng Sa”. Một bàu Thủy Ứ là hồ nước trời sinh không bao giờ vơi cạn giữa vùng quê nắng lửa. Một dãy núi Linh Sơn còn gọi là núi Voi Phục (động Lòi Reng) như hình tượng chú voi nằm phủ phục đầu hướng về phía Bắc. Đặc biệt, sông Bến Hải, một con sông nhỏ hiền hòa, thơ mộng bỗng chốc trở thành một địa chỉ nổi tiếng toàn cầu từ sau năm 1954, gắn liền với sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà suốt 21 năm đằng đẵng.
Đất và người hòa quyện vào nhau tạo ra những bản sắc riêng có. Xứ Cửa Tùng có làng Tùng Luật từ bao đời nay nổi tiếng người đẹp, hát hay. Cô gái Phan Thị Vàng sinh ra từ miền quê ấy, là người đẹp nhất vùng, trở thành thứ phi ở triều đình Huế. Làng Tùng Luật được mệnh danh là “làng nghệ sĩ”, thời nào cũng có nhiều tài danh nổi tiếng hát hay, được phong tặng nhiều danh hiệu cao quý. Làng Thủy Ba dưới chân núi Linh Sơn lại nổi tiếng với “nghề” bắt cọp dữ. Nhưng có lẽ đặc sắc hơn cả là khả năng ứng tác kể chuyện Trạng của người dân làng Vĩnh Hoàng.
2. Vĩnh Linh là một vùng quê có truyền thống cách mạng hào hùng kiên cường bất khuất, xứng danh với danh hiệu cao quý “Lũy thép anh hùng”. Ba chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên được thành lập trên đất Vĩnh Linh vào tháng 3/1931. Kháng chiến chống Pháp, Vĩnh Linh nổi tiếng với phong trào “rào làng chiến đấu” của Vĩnh Hoàng bất khuất, của chiến khu Thủy Ba kiên cường.
Khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, sông Bến Hải nằm trên Vĩ tuyến 17 trở thành giới tuyến quân sự tạm thời giữa hai miền Nam - Bắc, thì mảnh đất và con người nơi đây mới thực sự tỏa sáng, vươn cao. Từ tên gọi của một đơn vị hành chính cấp huyện như bao địa phương khác, Vĩnh Linh nhận lãnh trước lịch sử dân tộc một sứ mệnh đặc biệt: tuyến đầu của miền Bắc XHCN, hậu phương trực tiếp của cách mạng miền Nam, của Trị - Thiên ruột thịt.
Để trụ vững dưới làn mưa bom, bão đạn của quân thù, Vĩnh Linh thực hiện công sự hóa toàn bộ khu vực. Cuộc sống sinh hoạt được chuyển xuống lòng đất. Ngày nay, làng hầm Vĩnh Linh và địa đạo Vịnh Mốc được công nhận là di tích cấp quốc gia đặc biệt. Vĩnh Linh có 180 di tích đã được xếp hạng.
Ngoài 3 di tích cấp quốc gia Đặc biệt (địa đạo Vịnh Mốc, di tích đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, di tích đường Trường Sơn huyền thoại), Vĩnh Linh còn có nhiều di tích lịch sử gắn liền với những sự kiện quan trọng và chiến công oanh liệt. Vĩnh Linh còn có một kho tàng những giá trị văn hóa phi vật thể quý giá mà ít có một địa phương nào có được. Chuyện Trạng Vĩnh Hoàng, hò Chèo Cạn Tùng Luật, hò Giã Gạo đang được bảo tồn và phát huy.
3. Vĩnh Linh là một vùng đất tụ nghĩa, sâu nặng ân tình. Sau năm 1954, Vĩnh Linh cùng với các địa phương trên cả nước đón tiếp hàng vạn đồng bào, chiến sĩ miền Nam tập kết ra học tập, công tác, sinh sống, chờ ngày đoàn tụ Bắc Nam. Vĩnh Linh đã đón nhận hơn 5.000 đồng bào, cán bộ, học sinh miền Nam tập kết.
Từ năm 1967-1972, Vĩnh Linh còn giang tay đón nhận hàng vạn đồng bào ở Gio Linh, Cam Lộ, Hải Lăng, Triệu Phong ra sơ tán sau trận càn, nhằm “bạch hóa khu phi quân sự” của Mỹ - ngụy. Nhưng đặc biệt nhất, không thể không kể đến là chiến dịch K8, K10 đưa gần 5 vạn học sinh, cụ già, bà mẹ nuôi con nhỏ của Vĩnh Linh ra sơ tán ở các tỉnh phía Bắc, để tránh sự hủy diệt của kẻ thù.
Trong kho tàng văn hóa của Vĩnh Linh, không thể không nhắc đến những tác phẩm văn học, nghệ thuật nổi tiếng mà mảnh đất, con người nơi đây là đề tài và nguồn cảm hứng để các văn nghệ sĩ sáng tác, để lại cho đời những tác phẩm văn học nghệ thuật còn mãi với thời gian. Những ca khúc nổi tiếng như: Câu hò bên bến Hiền Lương (nhạc Hoàng Hiệp, thơ Đăng Giao); Bài ca Vĩnh Linh của Hoàng Vân; Vĩnh Linh đất mẹ anh hùng của Đinh Thìn; Chiều Hiền Lương của An Thuyên... Những bộ phim Chung một dòng sông; Vĩ tuyến 17 ngày và đêm; Trên vĩ tuyến 17; Bao giờ thuyền lại sang sông... Tất cả đã trở thành tài sản vô giá, niềm tự hào và nguồn động viên to lớn của hôm qua, hôm nay và cả mai sau.
4. Bước vào thời kỳ đổi mới, trong hành trang của mình, Đảng bộ và Nhân dân Vĩnh Linh vinh dự, tự hào mang theo những giá trị tinh thần vô cùng quý báu: 8 lần được Bác Hồ gửi thư khen ngợi, 3 lần được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động, hàng chục tập thể và cá nhân được tặng danh hiệu anh hùng. Từng được cả nước và thế giới ngợi ca là “Vĩnh Linh lũy thép anh hùng”... là nguồn sức mạnh tinh thần và nguồn động viên to lớn để Vĩnh Linh vững vàng trên con đường đi tới giàu mạnh, văn minh.
Sức mạnh của văn hóa rất lớn. Bản sắc văn hóa của một vùng đất là vô cùng quý báu nhưng để nắm bắt, sử dụng và phát huy được cần phải có nhận thức sâu sắc và toàn diện. Hơn thế nữa, cần có sự nỗ lực bền bỉ, kiên trì trong chỉ đạo, đầu tư và cách làm đúng, hiệu quả thì văn hóa mới thực sự là nguồn lực nội sinh của sự phát triển.