Vì sao điện ảnh Việt thiếu phim lịch sử?
Hội thảo 'Phát triển sản xuất phim khai thác đề tài lịch sử và chuyển thể từ tác phẩm văn học' diễn ra ngày 9/11 trong khuôn khổ Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII đã đề cập đến vấn đề nóng bỏng hiện nay của điện ảnh Việt: Thiếu những bộ phim về lịch sử dân tộc.
Các nhà làm phim "sợ hãi"
Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông, nhiều người Việt hôm nay, nhất là giới trẻ, tìm đến phim về đề tài lịch sử (bao gồm phim dã sử, cổ trang) của nước ngoài hơn là phim Việt. Thực tế, những bộ phim công phu, hấp dẫn được xây dựng từ chất liệu lịch sử của các nền điện ảnh nổi tiếng thế giới đã thu hút, kích thích người xem quan tâm, tìm hiểu lịch sử của những quốc gia này.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều chỉ ra những thách thức trong việc làm phim lịch sử, trong đó có từ người xem, từ người làm phim và nhà quản lý. "Đôi khi các nhà làm phim mơ hồ với nhân vật lịch sử quá nên đã kìm hãm sự sáng tạo. Chúng ta phải được quyền tạo ra một không gian sáng tạo nhân vật hay giai đoạn lịch sử đó. Ở Việt Nam có nhiều nhà làm phim tài năng làm ra các bộ phim sáng giá nhưng đề tài lịch sử bị hạn chế. Chúng ta thiếu sáng tạo hay không dám phán định lịch sử? Chúng ta hạn chế trong nghệ thuật và tư duy. Chúng ta đang sợ hãi và tự ngăn cản mình", ông Nguyễn Quang Thiều nhận xét.
Ông Thiều lấy dẫn chứng, vì sao Trung Quốc làm cho cả thế giới biết đến Quan Vân Trường nhưng Việt Nam có người không biết và yêu Quang Trung? Vì chúng ta không dám sáng tạo, không dám xây dựng hình ảnh về vua Quang Trung, một ông vua tài năng tầm cỡ vĩ nhân thời điểm ấy, hơn Quan Vân Trường nhiều.
Đồng quan điểm, đạo diễn Charlie Nguyễn chia sẻ thêm, bản thân đạo diễn cũng sợ và hoang mang khi tiếp xúc với chủ đề này dù nhiều người ôm ấp dự án phim lịch sử vô cùng hấp dẫn. Nhiều người đón nhận phim lịch sử như một phim tài liệu, nó sẽ bó tay bó chân nhà làm phim.
"Nhìn nhận một bộ phim lịch sử là một tác phẩm nghệ thuật, chứ không phải là lịch sử, để có cái nhìn đúng về tác phẩm điện ảnh về lịch sử. Hành trình làm phim lịch sử phải biến con người lịch sử thành con người có những cảm xúc, có đời sống nội tâm, có đời sống tinh thần. Nếu đòi hỏi tác phẩm điện ảnh phải chính xác như lịch sử thì chỉ có lịch sử, không có điện ảnh", đạo diễn Charlie Nguyễn nói.
Ngoài việc thách thức trong sáng tạo thì nguồn vốn làm phim lịch sử cũng rất lớn để đầu tư bối cảnh, trang phục, Nhiều nhà làm phim nói vui rằng chưa làm phim thì còn có nhà ở, làm phim xong "mất nhà".
Nhà sản xuất Trinh Hoan chia sẻ, nhiều nhà làm phim có kịch bản về lịch sử, đặc biệt là nhà Nguyễn, nhưng đầu tư tốn kém nên rất khó kêu gọi vốn. Ngoài ra, sự quan tâm của công chúng cũng là một vấn đề thách thức. Làm sao để thu hút công chúng mà vẫn phải đảm bảo tính lịch sử, tính sáng tạo. "Trong khi làm phim hiện đại đầu tư ít tiền mà dễ thu hồi vốn thì phim lịch sử vừa khó làm, khó hấp dẫn khán giả, lại đầu tư nhiều mà khó thu hồi vốn. Điều đó khiến chúng tôi khó thuyết phục các nhà đầu tư", ông nói.
Cần chính sách hỗ trợ cho điện ảnh làm phim lịch sử
Theo nhà sản xuất - đạo diễn Trung Quốc Tiền Trọng Viễn, một trong những ưu thế của điện ảnh Trung Quốc là chuyển thể từ tác phẩm văn học, và phim lịch sử, có thể kể đến nhiều tác phẩm điện ảnh, truyền hình chuyển thể nổi tiếng như Thủy hử, Tây Du ký...
Ông Tiền Trọng Viễn chia sẻ, khán giả Trung Quốc rất yêu mến phim lịch sử, song vì khán giả quá am hiểu lịch sử nên lại trở thành thách thức lớn, đòi hỏi các nhà làm phim phải sáng tạo mới có thể kéo người xem đến rạp.
Ông Tiền Trọng Viễn cũng cho biết, Chính phủ Trung Quốc và các cơ quan, bộ ban ngành có chính sách hỗ trợ rất tốt cho các nhà làm phim lịch sử: "Khi chúng tôi làm phim từ đề tài lịch sử và chuyển thể văn học thì nhận được sự hỗ trợ rất nhiều từ các đơn vị, bộ ban ngành và Chính phủ. Các chuyên gia lịch sử sẽ hỗ trợ, phân tích cho chúng tôi những chi tiết lịch sử từ nhỏ nhất. Điều thứ 2 là nguồn tài chính, chúng tôi nhận được từ Chính phủ và các cấp địa phương, các thành phố mà chúng tôi đến quay phim sự ủng hộ nhiệt tình".
Giải thích vì sao làm phim được hỗ trợ như vậy, ông Tiền Trọng Viễn nói, việc quay phim lịch sử thúc đẩy phát triển du lịch cho địa phương, vì vậy Chính phủ Trung Quốc và các địa phương đều rất ủng hộ.
Đồng quan điểm, nhà sản xuất Trinh Hoan nói, nếu không có sự kích thích, hỗ trợ từ Nhà nước thì khó cho các nhà làm phim đầu tư vào đề tài lịch sử: "Chúng ta cần nhiều thứ, từ bối cảnh, trường quay, trang phục, đạo cụ... Mỗi triều đại có một đặc trưng riêng, phải có sự nghiên cứu và thống nhất đối với từng triều đại. Nếu có sự động viên của Nhà nước, có đầu tư kho để lưu trữ các phục trang, đạo cụ… để phục vụ các đoàn làm phim thì sẽ kích thích sự sáng tạo".
Cũng theo nhà sản xuất Trinh Hoan, vừa rồi, dự thảo Luật Thuế VAT sửa đổi còn đề xuất tăng thuế VAT đối với các sản phẩm điện ảnh, thể thao từ 5% lên 10%, ông thấy không hợp lý. "Làm phim từ khi đầu tư đến khi thu lại vốn phải mất thời gian ít nhất là 1 năm. Nhà đầu tư bỏ ra 20 tỉ mà vì thuế phải lên 21 tỉ thì sẽ ngưng ngay, họ không đầu tư nữa. Chúng tôi đề nghị Quốc hội xem lại Dự thảo Luật Thuế VAT, nếu không thì sẽ khó cho ngành điện ảnh, càng khó cho phim lịch sử, phim rủi ro cao".
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - cho biết: "Các phim lịch sử sẽ phải là dòng phim quan trọng với đất nước. Chúng ta luôn mong muốn có các bộ phim cho người Việt Nam, vì người Việt Nam. Các bộ phim làm sao để truyền tải thông điệp văn hóa, lịch sử, chính trị. Có nhiều nguyên nhân cản trở sự phát triển phim lịch sử Việt Nam. Tôn trọng lịch sử là trách nhiệm đạo đức với mọi người, đặc biệt là văn nghệ sĩ. Chúng ta có nhiều chính sách khuyến khích dòng phim này", PGS. Bùi Hoài Sơn nói.
Cũng theo ông Bùi Hoài Sơn, Nhà nước thông qua Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch có chính sách tạo điều kiện cho phim lịch sử bằng việc đặt hàng, trại sáng tác để có các tác phẩm chất lượng cao.