Còn nhiều băn khoăn về Quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030

Thảo luận tại kỳ họp thứ 16 HĐND TPHCM khóa X, nhiều đại biểu còn băn khoăn về các mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội của TPHCM đến năm 2030.

Ngày 22-6, HĐND TPHCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức kỳ họp thứ 16 (kỳ họp chuyên đề).

Dự kỳ họp có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM; Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM.

Các đồng chí: Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Phạm Thành Kiên, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM; Huỳnh Thanh Nhân, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM, chủ trì.

 Các đại biểu tham dự kỳ họp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Các đại biểu tham dự kỳ họp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Dự kiến thực hiện khoảng 199 dự án

Báo cáo tóm tắt Quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM Lê Thị Huỳnh Mai nhấn mạnh, quy hoạch xác định mục tiêu TPHCM là đô thị toàn cầu, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo. Đồng thời, là thành phố có nguồn nhân lực chất lượng cao, dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế xanh và số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại - dịch vụ, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á, tốc độ tăng trưởng kinh tế và GRDP bình quân đầu người thuộc nhóm đứng đầu cả nước. Là thành phố có chất lượng cuộc sống cao, giàu bản sắc, môi trường bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

 Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM Lê Thị Huỳnh Mai báo cáo về quy hoạch TPHCM giai đoạn 2021-2030. Ảnh: VIỆT DŨNG

Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM Lê Thị Huỳnh Mai báo cáo về quy hoạch TPHCM giai đoạn 2021-2030. Ảnh: VIỆT DŨNG

Quy hoạch đặt chỉ tiêu đến năm 2030, tăng trưởng kinh tế đạt 8,5 - 9,0%; GRDP đầu người đạt 14.800 - 15.400 USD/người; tỷ trọng kinh tế số chiếm 40% GRDP. Trong thời kỳ quy hoạch, hệ thống đô thị của TPHCM bao gồm khu vực đô thị trung tâm (các quận nội thành) đạt tiêu chuẩn của đô thị đặc biệt và 6 đô thị trực thuộc gồm TP Thủ Đức là đô thị loại I và 5 đô thị vệ tinh gồm Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ, đạt tiêu chuẩn đô thị loại III, làm cơ sở để nâng cấp lên thành phố.

Sau thời kỳ quy hoạch, hệ thống đô thị của TPHCM bao gồm khu vực đô thị trung tâm (các quận nội thành) đạt tiêu chuẩn của đô thị đặc biệt và 4 đô thị trực thuộc gồm TP Thủ Đức là đô thị loại I và 3 đô thị vệ tinh đạt tiêu chuẩn đô thị loại II hoặc III. Trong đó đô thị phía Bắc gồm Hóc Môn - Củ Chi; đô thị phía Tây gồm huyện Bình Chánh; đô thị phía Nam gồm huyện Nhà Bè, huyện Cần Giờ và quận 7.

Trong quy hoạch TPHCM, dự kiến thực hiện khoảng 199 dự án, trong đó có khoảng 72 dự án trọng điểm đặc biệt ưu tiên đầu tư với tổng số vốn khoảng 360 tỷ USD.

Quy hoạch xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm. Đó là hoàn thiện thể chế, chính sách, điều kiện thuận lợi để tạo ra bước chuyển có tính đột phá trong việc thực hiện quy hoạch. Phát triển kinh tế nhanh, bền vững, tiếp tục nâng cao hiệu quả quá trình công nghiệp hóa và thúc đẩy quá trình dịch vụ hóa. Đẩy mạnh áp dụng các mô hình kinh tế đổi mới sáng tạo: kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ... và một số lĩnh vực kinh tế đặc thù: kinh tế đô thị, kinh tế biển.

Đồng thời, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý và thực hiện quy hoạch; thích nghi với biến đổi khí hậu, đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại bằng nhiều nguồn lực. Phát triển mạnh mẽ văn hóa - xã hội, giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe, xây dựng con người của TPHCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Đảm bảo quốc phòng an ninh, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hòa nhập quốc tế. Cải cách hành chính; nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước và hiệu quả quản trị đô thị.

Quy hoạch cũng xác định 3 khâu đột phá gồm đột phá trong hoàn thiện thể chế, chính sách, đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả quản trị đô thị.

Đột phá trong huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tái cấu trúc không gian hệ thống đô thị, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng cường liên kết vùng, phát triển các ngành kinh tế và các lĩnh vực xã hội quan trọng, đặc biệt là thực hiện các dự án đang tồn đọng và một số dự án tạo động lực phát triển.

Đột phá trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng, công nghệ cao và xây dựng đội ngũ doanh nghiệp chiến lược.

Xác định rõ định hướng đô thị toàn cầu

Tại kỳ họp, các đại biểu đã nêu nhiều ý kiến xoay quanh quy hoạch của thành phố ở các lĩnh vực.

Đề cập đến quy hoạch của thành phố, ĐB Vương Đức Hoàng Quân cho rằng cần cân nhắc tính khả thi của định hướng nâng hạng TPHCM là đô thị toàn cầu, là trung tâm tài chính triển lãm, trung tâm thương mại Đông Nam Á, trung tâm xuất nhập khẩu vùng…

 ĐB Vương Đức Hoàng Quân cho rằng cần xem xét lại tính khả thi của định hướng nâng hạng TPHCM là đô thị toàn cầu. Ảnh: VIỆT DŨNG

ĐB Vương Đức Hoàng Quân cho rằng cần xem xét lại tính khả thi của định hướng nâng hạng TPHCM là đô thị toàn cầu. Ảnh: VIỆT DŨNG

“Đến nay, chỉ còn 6 năm còn lại, thành phố xác định đưa thành phố vào danh sách các thành phố toàn cầu nhóm alpha (thành phố toàn cầu), tức là có kết nối lớn trên thế giới. Vậy chúng ta đưa bằng nguồn lực nào cả về con người, tài chính và nhất là cơ chế”, ĐB Vương Đức Hoàng Quân đặt vấn đề.

Về tính chất đồ án quy hoạch thành phố, theo ĐB Vương Đức Hoàng Quân, đồ án này là cơ sở bao trùm các quy hoạch khác gồm kể cả quy hoạch chung, quy hoạch tổng thể và quy hoạch ngành. Do đó, cần rà soát để đảm bảo sự tương hợp, tương thích phù hợp về vai trò của đồ án với quy hoạch đô thị, quy hoạch ngành đã được thông qua.

Cũng đề cập đến quy hoạch, ĐB Trương Lê Mỹ Ngọc cho rằng việc đảm bảo quy hoạch thành phố đến năm 2050 được thực hiện một cách hiệu quả và minh bạch là điều hết sức quan trọng. Để đạt được mục tiêu này, theo ĐB, sự tham gia của người dân vào quá trình triển khai và giám sát quy hoạch là yếu tố then chốt. ĐB Trương Lê Mỹ Ngọc đề xuất phải có giải pháp để các sở ngành, UBND quận huyện, TP Thủ Đức và UBND TPHCM phải đảm bảo không vi phạm nội dung nào trong quy hoạch đến năm 2050 và thiết lập cơ chế cho người dân tham gia vào việc triển khai thực hiện và giám sát việc thực hiện quy hoạch.

 ĐB Trương Lê Mỹ Ngọc nêu ý kiến cần có sự giám sát của người dân trong thực hiện quy hoạch. Ảnh: VIỆT DŨNG

ĐB Trương Lê Mỹ Ngọc nêu ý kiến cần có sự giám sát của người dân trong thực hiện quy hoạch. Ảnh: VIỆT DŨNG

“Phải làm sao để thiết lập một hệ thống kiểm tra và giám sát độc lập nhằm đảm bảo mọi quyết định và hành động của các sở ngành, quận, huyện, TP Thủ Đức, UBND TPHCM đều tuân thủ đúng quy hoạch đã được phê duyệt. Các thông tin liên quan đến quy hoạch, các quyết định thay đổi hay điều chỉnh quy hoạch phải được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân có thể tiếp cận và giám sát”, ĐB Trương Lê Mỹ Ngọc phân tích.

Về cơ chế tham gia của người dân, ĐB Trương Lê Mỹ Ngọc đề xuất một cơ chế sử dụng công nghệ nhằm thu nhận và phản hồi lại ý kiến của người dân, qua đó tạo điều kiện, giúp người dân giám sát và đóng góp tích cực vào việc triển khai thực hiện quy hoạch.

Nhiều đại biểu cũng có ý kiến về quy hoạch trong lĩnh vực y tế và giáo dục. ĐB Phạm Đăng Khoa đề xuất tính toán lại quỹ đất cho giáo dục; đồng thời đề xuất phải có công nghiệp giáo dục, có tâm thế phát triển, giao lưu công nghiệp giáo dục, hướng đến xuất khẩu giáo dục.

 ĐB Phạm Đăng Khoa đề xuất tính toán lại quỹ đất cho giáo dục. Ảnh: VIỆT DŨNG

ĐB Phạm Đăng Khoa đề xuất tính toán lại quỹ đất cho giáo dục. Ảnh: VIỆT DŨNG

Ở góc độ cơ sở, ĐB Phạm Thị Thanh Hiền cho biết, đến năm 2030, huyện Củ Chi cần tổng số giường bệnh khoảng 4.200 giường để đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho người dân. Với tốc độ tăng dân số đến năm 2030, huyện Củ Chi cần bổ sung thêm khoảng 2.000 giường bệnh để đáp ứng nhu cầu khám, điều trị của người dân trên địa bàn huyện.

 ĐB Phạm Thị Thanh Hiền đề xuất về quy hoạch đất xây dựng cơ sở y tế trên địa bàn huyện Củ Chi. Ảnh: VIỆT DŨNG

ĐB Phạm Thị Thanh Hiền đề xuất về quy hoạch đất xây dựng cơ sở y tế trên địa bàn huyện Củ Chi. Ảnh: VIỆT DŨNG

Theo ĐB Phạm Thị Thanh Hiền ,quy hoạch trước đây, huyện Củ Chi có Khu Viện trường 108ha đang đề xuất xem xét chuyển thành Khu động lực phát triển, để kêu gọi đầu tư tạo động lực phát triển cho huyện (trong đó có xây dựng cơ sở y tế/bệnh viện và cơ sở đào tạo nhân lực về y tế).

UBND huyện đề nghị tiếp tục giữ quy hoạch đất xây dựng cơ sở y tế trong Khu động lực phát triển và đề xuất bổ sung quy hoạch thêm 01 bệnh viện có quy mô 1.000 giường tại khu vực Đông Nam của huyện (khu vực các xã Tân Thạnh Đông, Bình Mỹ, Hòa Phú, Trung An, Tân Thạnh Tây).

NGÔ BÌNH - THU HƯỜNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/con-nhieu-ban-khoan-ve-quy-hoach-tphcm-thoi-ky-2021-2030-post745772.html