Còn nhiều dư địa để tăng trưởng
Theo thống kê của Bộ Công thương, 11 tháng của năm 2021, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU ước đạt 35,7 tỷ USD, tăng 11,9% so với cùng kỳ và chiếm 11,9% xuất khẩu của cả nước. Kết quả này có được nhờ tận dụng có hiệu quả ưu đãi từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA).
Doanh nghiệp đã tận dụng tốt ưu đãi cắt giảm thuế
Theo đánh giá của Bộ Công thương sau 1 năm thực thi EVFTA, bức tranh thương mại song phương Việt Nam – với Liên minh châu Âu (EU) tăng trưởng lạc quan.
Nguồn: TL
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh nhấn mạnh, những kết quả tích cực sau một năm triển khai EVFTA đã đáp ứng được kỳ vọng về kim ngạch thương mại đề ra. Số liệu từ Bộ Công thương đã cho thấy, 11 tháng của năm 2021, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU ước đạt 35,7 tỷ USD, tăng 11,9% so với cùng kỳ. Như vậy trong hơn 1 năm qua, xuất khẩu sang EU đã duy trì tăng trưởng thường xuyên ở mức trên dưới 10%.
“Một tín hiệu rất quan trọng trong việc thực hiện EVFTA là các doanh nghiệp xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR1 tăng nhanh chóng. Từ đầu năm đến nay, Bộ Công thương đã cấp hơn 171.000 bộ C/O EUR1, với tổng kim ngạch lên gần 8 tỷ USD và chiếm khoảng hơn 20% trị giá xuất khẩu sang EU” - ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), khẳng định. Điều đó cũng cho thấy, nhiều doanh nghiệp đã chú ý và tận dụng tốt các ưu đãi cắt giảm thuế quan trong hiệp định.
Theo thống kê của Cục Xuất nhập khẩu, tính đến thời điểm hiện tại, thị trường đang xuất khẩu có nhiều lô hàng được cấp chứng nhận xuất xứ nhất là Đức, Bỉ, Pháp, Hà Lan - là những thị trường có các cảng biển nhập khẩu và là điểm trung chuyển, trung tâm phân phối của EU lan tỏa ra các thị trường khác trong khu vực.
Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang EU là điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, giày dép, dệt may, rau quả, thủy sản, gạo, cà phê…
Từ đầu năm đến nay điện thoại các loại và linh kiện đứng đầu về kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang EU, đạt trên 6,13 tỷ USD, chiếm 19% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa các loại sang thị trường này. Nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đứng thứ 2 về kim ngạch, đạt gần 4,81 tỷ USD, chiếm 14,9%, tăng 3,2%.
Đáng chú ý, các mặt hàng nông sản, thủy sản cũng có thêm nhiều cơ hội từ khi EVFTA được thực thi. Đến nay, EU là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 2 của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 15%. 10 tháng của năm 2021, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang EU đạt gần 439 triệu USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước.
Tận dụng cơ hội khi kinh tế EU phục hồi
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, EVFTA mang lại cho Việt Nam nhiều lợi thế trong thời gian tới. Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường EU sẽ tiếp tục phục hồi khi tình hình kinh tế EU đang được cải thiện và có sự hỗ trợ của EVFTA.
Đánh giá về vấn đề tận dụng cơ hội của EVFTA, ông Trần Thanh Hải cho rằng, hiện nay khả năng tận dụng các FTA, trong đó có EVFTA của các doanh nghiệp đang rất tốt. Điều này cũng dễ hiểu vì DN đã có cơ sở vật chất cũng như mạng lưới liên kết giữa nơi sản xuất là Việt Nam với các thị trường tiêu thụ. Như vậy, doanh nghiệp cũng nắm rất rõ các yêu cầu về quy tắc xuất xứ, thuế xuất hàng hóa để có thể tận dụng ưu đãi từ EVFTA.
Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cũng đưa ra ý kiến tư vấn, các bộ, ngành khi xây dựng các giải pháp phục hồi sau đại dịch Covid-19 nên ưu tiên đặc biệt cho những ngành quan trọng, có đóng góp nhiều nhất vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU trong thời gian gần đây, để tiếp tục tận dụng lợi thế khi thực hiện EVFTA.
Bên cạnh các mặt hàng như dệt may và da giày, điện thoại di động, máy tính, nông sản luôn được coi là các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam, về lâu dài, cần tập trung đầu tư các ngành có tiềm năng phát triển trong tương lai như năng lượng tái tạo, ô tô sử dụng năng lượng sạch và những sản phẩm khác Việt Nam có cơ hội thâm nhập sâu vào chuỗi giá trị để tạo ra giá trị gia tăng cao hơn (từ khâu thiết kế đến xây dựng thương hiệu) như đồ gỗ nội thất, dệt may, nông sản nguồn gốc thiên nhiên chế biến…
Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại cũng đưa ra cảnh báo, xuất khẩu hàng hóa sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi diễn biến dịch Covid-19 tại EU vẫn còn phức tạp. Trong bối cảnh đó, chi phí logistics, nguyên liệu nhập khẩu tăng cao cũng ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất và xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU.
Hơn 30% doanh nghiệp tìm hiểu nắm rõ quy định EVFTA
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), so với các FTA đã có hiệu lực, mức độ hiểu biết và kỳ vọng của doanh nghiệp đối với EVFTA là tương đối cao với 30,19% doanh nghiệp được khảo sát hiểu và nắm rõ các thông tin về các cam kết trong EVFTA so với mức trung bình 22,95% ở các FTA khác.
Để có tận dụng hiệu quả lợi thế từ EVFTA, VCCI cũng khuyến nghị, các bộ, ngành, địa phương chú trọng các biện pháp cải cách thủ tục hành chính, tăng cường các biện pháp hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành hàng và doanh nghiệp, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về mặt chính sách để tạo điều kiện cho việc phát triển nguồn nguyên liệu trong nước, giúp doanh nghiệp đáp ứng quy tắc xuất xứ của FTA.
Doanh nghiệp xuất khẩu cũng cần liên kết chặt chẽ với các hộ gia đình, hợp tác xã sản xuất tạo ra các chuỗi giá trị theo hướng đáp ứng tiêu chuẩn cao về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và nguồn gốc, xuất xứ của thị trường EU qua các chứng nhận GlobalGAP, hữu cơ... để có thể thâm nhập thị trường EVFTA một cách bền vững.