Còn nhiều dư địa đưa thương mại Việt Nam - Trung Quốc lên tầm cao mới

Theo số liệu mới nhất của Bộ Công Thương, 7 tháng đầu năm 2024, Việt Nam nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc ước đạt 79,2 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 33,4 tỷ USD - tăng 7,5%, tương ứng gần 2,4 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Thương mại Việt Nam – Trung Quốc còn nhiều dư địa phát triển trong thời gian tới.

Sôi động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Việt Nam - Trung Quốc

Theo ghi nhận của cơ quan chức năng, từ đầu năm đến nay, hoạt động xuất nhập khẩu qua các cặp cửa khẩu với Trung Quốc rất sôi động. Tại Lạng Sơn, hoạt động thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng.

Xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Lào Cai. Ảnh: TL

Xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Lào Cai. Ảnh: TL

Đóng góp quan trọng vào thương mại hai chiều Việt Nam – Trung Quốc chính là nhờ kinh tế cửa khẩu. Hiện nay, Việt Nam với Trung Quốc có 19 cặp cửa khẩu.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ở tất cả các loại hình hàng hóa qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn lũy kế đến giữa tháng 7 đạt trên 32 tỷ USD. Con số này khẳng định vị trí cửa ngõ đặc biệt quan trọng của các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn trong giao thương biên mậu thời gian qua.

Trong đó, Hữu Nghị là cửa khẩu sôi động nhất. Thống kê từ Ban Quản lý cửa khẩu Lạng Sơn cho thấy, trung bình mỗi ngày, cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị thực hiện giải quyết thông quan cho trên 800 phương tiện; trong đó xuất khẩu khoảng trên dưới 200 xe, nhập khẩu khoảng 600 xe. Các mặt hàng xuất nhập khẩu chủ yếu là hoa quả tươi, máy móc công nghiệp, đồ gia dụng tiêu dùng, linh kiện điện tử…

Lào Cai cũng là địa phương có kim ngạch xuất nhập khẩu với Trung Quốc qua các cặp cửa khẩu đạt con số ấn tượng. Hoạt động xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2024 có nhiều khởi sắc với giá trị xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu ước đạt 1.574,46 triệu USD. Đây là mức tăng trưởng giá trị xuất nhập khẩu ấn tượng, với mức tăng đạt 64,20% so với cùng kỳ năm 2023.

Tại Móng Cái (Quảng Ninh), hoạt động giao thương biên mậu, du lịch cũng tiếp tục sôi động, khởi sắc. Kim ngạch xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm trên địa bàn Móng Cái đạt hơn 1,7 tỷ USD, tăng 17,85% so với cùng kỳ. Hoạt động giao thương biên mậu trên địa bàn Móng Cái luôn được đặc biệt quan tâm duy trì ổn định, tạo động lực thu hút đầu tư trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.

Với tình hình thông thương khởi sắc nêu trên, 7 tháng đầu năm 2024, thương mại hai chiều Việt Nam – Trung Quốc đã đạt 112,9 tỷ USD. Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Đồng thời là thị trường đầu tiên có kim ngạch hai chiều với Việt Nam vượt con số 100 tỷ USD, tính từ đầu năm đến nay.

Trung Quốc xem xét các thủ tục mở cửa thị trường cho nhiều loại nông thủy sản Việt Nam

Ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho hay, liên tục hơn 20 năm qua Trung Quốc luôn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN.

Xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Lạng Sơn. Ảnh: TL

Xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Lạng Sơn. Ảnh: TL

Từ nay đến cuối năm, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc dự báo sẽ còn nhiều triển vọng tăng tốc, nhờ cầu tiêu dùng theo thông lệ tăng cao dịp cuối năm, tập trung vào nhóm hàng mà Việt Nam có lợi thế.

Trong khi đó, với nhiều thỏa thuận hợp tác song phương và đa phương, như Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đang tạo cơ hội đáng kể cho hàng hóa Việt thâm nhập hơn nữa vào thị trường này.

Đặc biệt, hiện nay phí vận tải tàu biển tăng cao, căng thẳng thương mại với Mỹ, EU khiến nhiều doanh nghiệp Trung Quốc tìm kiếm nguồn cung nhập khẩu tại các khu vực lân cận, thay thế các doanh nghiệp châu Âu. Trong đó, Việt Nam là sự lựa chọn hàng đầu.

Hiện, Trung Quốc đang xem xét các thủ tục mở cửa thị trường cho nhiều loại nông thủy sản cho Việt Nam, trong đó có trái dừa tươi, rau quả đông lạnh, hoa quả có múi, bơ, na, roi… Các mặt hàng khác như dược liệu đông y có nguồn gốc thực vật, thịt bò, thịt heo, sản phẩm từ gia súc, gia cầm cũng được nước láng giềng tạo điều kiện nhập khẩu.

Đại diện Bộ Công thương lưu ý, Việt Nam là quốc gia có nhiều loại sản phẩm nông sản đặc sắc được xuất khẩu với số lượng lớn, nhận được sự ưa chuộng của các nước trên thế giới. Ngược lại, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai và tiêu thụ sản phẩm nông sản lớn cho nông dân Việt Nam. Tuy nhiên, Trung Quốc đang điều chỉnh các chính sách nhập khẩu nên ngoài việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, Trung Quốc đang siết chặt quản lý nông lâm thủy sản nhập khẩu.

Mặt khác, Trung Quốc đang giảm mức độ phụ thuộc, tiến tới dừng hình thức xuất khẩu tiểu ngạch và đang chuyển nhanh, chuyển mạnh sang hình thức thương mại chính quy. Do đó, doanh nghiệp xuất khẩu cần cập nhật xu hướng, thị hiếu mới của thị trường, hướng tới sản xuất mặt hàng chất lượng cao; tăng cường tiếp cận vùng, chuyển hẳn sang xuất khẩu chính ngạch.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ Công thương cũng sẽ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy xuất khẩu, hỗ trợ ngành hàng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu qua biên giới.

Với sự cải thiện mạnh mẽ về thương mại nửa đầu năm 2024, các cơ quan chức năng dự báo kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc trong năm nay sẽ tiến sát mốc 200 tỷ USD.

Nguyễn Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nhieu-du-dia-de-thuc-day-hop-tac-thuong-mai-viet-nam-trung-quoc-157536.html