Còn nhiều khó khăn để ngăn chặn dịch HIV ở An Giang

Đứng thứ 5 toàn quốc về số ca mắc HIV mới, An Giang hiện có 7.700 người nhiễm HIV đang sống trong cộng đồng. Tăng báo động ở địa phương là nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), chiếm gần 40% số ca mắc mới trong năm 2023.

Nếu như năm 2018, An Giang phát hiện 25 ca trong nhóm MSM mắc mới HIV, thì năm 2023, con số này tăng lên 205 ca, gấp hơn 8 lần. Độ tuổi mắc HIV ở An Giang ngày một trẻ hóa, tập trung nhiều vào nam giới tuổi từ 15-30.

15 tuổi nhiễm HIV do quan hệ tình dục đồng giới

Tới Phòng khám và điều trị ngoại trú dành cho bệnh nhân HIV/AIDS (OPC) – Trung tâm Y tế TP Long Xuyên, tỉnh An Giang, chúng tôi gặp nhiều bạn trẻ vào tư vấn, lấy thuốc điều trị HIV (ARV) và thuốc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (Prep). Gầy nhỏ, năm nay N.H.K (TP Long Xuyên) mới 15 tuổi, nhưng em phát hiện nhiễm HIV cách đây 1 năm.

An Giang cần huy động được y tế tư nhân, tổ chức cộng đồng tham gia vào hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

An Giang cần huy động được y tế tư nhân, tổ chức cộng đồng tham gia vào hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

Theo các bác sĩ ở đây, K vẫn đều đặn đến phòng khám lấy thuốc ARV, sức khỏe của em ổn định sau cú sốc phát hiện mình nhiễm HIV. Theo chia sẻ của K, bố mẹ mất sớm, em được người thân nuôi dưỡng. Cuộc sống khốn khó đã khiến em bỏ học từ năm lớp 9 để đi làm, sau đó bị nhiều người MSM lớn tuổi dụ dỗ quan hệ tình dục. Mỗi lần quan hệ, họ cho tiền, cho quà, dần dà cậu bé ngày một lún sâu. Sau nhiều lần quan hệ không an toàn, K lo ngại và lên mạng tìm kiếm thông tin. Tại đây, cậu gặp được một đồng đẳng viên và nhờ hỗ trợ. Cậu bé được tư vấn làm test nhanh HIV.

“Thật đáng buồn, kết quả test có phản ứng, bạn đồng đẳng đã tư vấn hướng dẫn cháu đi xét nghiệm khẳng định. Khi đến với chúng tôi, K đã cầm trên tay kết quả khẳng định dương tính”, điều dưỡng Trần Thị Bé Ba, Khoa Khám bệnh, Phòng khám OPC, Trung tâm Y tế TP Long Xuyên kể lại.

Khi nhận kết quả bị nhiễm HIV, cậu bé sốc, lo sợ, hoảng hốt không dám về nhà, không dám để ai biết. Nhờ người đồng đẳng viên mà cậu bé đã sớm trấn tĩnh trở lại, mang kết quả đến Trung tâm Y tế TP Long Xuyên làm thủ tục điều trị thuốc ARV. “Đây là trường hợp nhiễm HIV nhỏ tuổi nhất của TP Long Xuyên. Cậu bé đến tái khám rất đúng hẹn, mỗi lần đến bạn đều chia sẻ lo lắng, muốn lên TP Hồ Chí Minh tìm việc làm lo cho cuộc sống. Chúng tôi dặn khi nào cháu lên trên đó báo trước để các cô chuyển tiếp điều trị BHYT”, điều dưỡng Bé Ba cho biết.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) An Giang, tính đến ngày 28/5/2024, toàn tỉnh có 7.700 người nhiễm HIV đang sống trong cộng đồng. Năm 2023, An Giang ghi nhận 560 trường hợp phát hiện mới HIV dương tính, 158 trường hợp tử vong, đứng thứ 5 toàn quốc về số trường hợp mới phát hiện HIV, sau TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương và Đồng Nai. Tính đến nay, tổng số người nhiễm HIV tử vong ở An Giang là 6.082 trường hợp.

Phó Giám đốc CDC An Giang – BS Dương Anh Linh cho biết, trong số xét nghiệm phát hiện mới HIV năm 2023, ghi nhận có hơn 80% là nam giới và 78% lây nhiễm qua đường tình dục. TP Long Xuyên là địa bàn có số ca phát hiện mới cao nhất, chiếm gần 19%. Theo dữ liệu giám sát phát hiện giai đoạn 2020-2023, dịch HIV tại An Giang có xu hướng tăng trở lại và tăng nhanh trong nhóm nam giới trẻ tuổi từ 15-30, đặc biệt là nhóm MSM trẻ. Đáng chú ý, nguy cơ lây nhiễm HIV khó kiểm soát trong nhóm MSM do nhóm này di biến động thường xuyên, không thích sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục, khó tiếp cận để tư vấn, cũng như đưa vào điều trị dự phòng…

“Nếu như năm 2018, tỉnh phát hiện 25 ca trong nhóm MSM mắc mới HIV thì 5 năm sau, con số này đã tăng hơn 8 lần, là 205 ca. Trong 560 trường hợp phát hiện HIV mới năm 2023, có 36,5% là nhóm MSM, lứa tuổi 20-29 chiếm khoảng 38,7%. Quý I/2024, tổng số người được xét nghiệm HIV là 14.094 lượt người, trong đó phát hiện 91 ca dương tính và nhóm MSM chiếm 24%”, BS Huỳnh Minh Trí - Khoa phòng, chống HIV/AIDS - Lao - Da Liễu, CDC An Giang cho biết.

Nguy cơ bùng phát dịch trở lại

Theo nhận định của CDC An Giang, dịch HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh đang diễn biến phức tạp và có nguy cơ bùng phát trở lại vì địa bàn rộng, có đường biên giới dài, giáp ranh với nhiều tỉnh, chưa tiếp cận tuyên truyền được vào trường học, khu công nghiệp… Bên cạnh đó, trong 2 năm qua, An Giang còn xảy ra tình trạng thiếu sinh phẩm xét nghiệm HIV do công tác đấu thầu, mua sắm chậm, làm ảnh hưởng đến hoạt động xét nghiệm tìm ca nhiễm mới và điều trị dự phòng Prep, cũng như điều trị HIV. Hơn thế, địa phương còn chưa huy động được nguồn lực từ y tế tư nhân (phòng khám, nhà thuốc), tổ chức cộng đồng, doanh nghiệp xã hội, hay mô hình dịch vụ thân thiện… tham gia vào hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Những khó khăn trên là thách thức rất lớn để An Giang đạt được mục tiêu kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030.

Theo Phó Giám đốc CDC An Giang, để khống chế dịch, ngăn chặn lây nhiễm, giảm ca mắc, tỉnh còn rất nhiều việc phải triển khai. Nếu không làm tốt công tác dự phòng, đặc biệt là nhóm MSM thì nguy cơ dịch bùng phát là hiện hữu. Tìm ca nhiễm mới để điều trị dự phòng bằng thuốc Prep nhằm cắt đứt nguồn lây là điều quan trọng với An Giang lúc này. Song đến nay, An Giang mới tuyển được 55 nhân viên hỗ trợ cộng đồng, tuy nhiên mỗi cơ sở chỉ tuyển được 1-2 nhân viên can thiệp được trực tiếp vào nhóm MSM, đây là con số rất nhỏ so với tình hình dịch gia tăng nhanh như hiện nay.

“Để trực tiếp can thiệp được vào nhóm MSM thì tỉnh cần có các tổ chức tự nguyện CBO để kết nối, vì họ tiếp cận với nhóm MSM dễ hơn nhiều so với cán bộ y tế”, BS Dương Anh Linh cho biết. Theo ông Huỳnh Minh Trí, thống kê chưa đầy đủ trên các app hẹn hò, An Giang có khoảng 8.000 người MSM. Cả tỉnh hiện có 12 cơ sở y tế nhà nước và 2 cơ sở tư nhân điều trị Prep ở 11 huyện, thị xã, TP. Tính đến quý 1/2024, lũy tích khách hàng điều trị Prep là 1.487 lượt người tại các phòng khám cố định. Số khách hàng duy trì Prep trên 3 tháng đạt hơn 83,9%; hơn 70% số khách hàng MSM đang sử dụng Prep.

Xác định còn rất khó khăn trong phòng, chống dịch, BS Dương Anh Linh cho biết, tới đây, CDC An Giang đẩy mạnh hoạt động truyền thông, cung cấp kiến thức về tình dục an toàn, phát bao cao su tại các khu công nghiệp; phối hợp với Sở GD&ĐT, các nhà trường để tuyên truyền lồng ghép kiến thức HIV/AIDS cũng như cách phòng, chống vào chương trình học đến các trường đại học, cao đẳng, THPT, THCS trên địa bàn. Đồng thời đề xuất chính sách hỗ trợ cho các đồng đẳng viên để họ có động lực và tài chính tham gia vào hoạt động tiếp cận nhóm MSM tìm ca nhiễm mới…

Trần Hằng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/y-te/con-nhieu-kho-khan-de-ngan-chan-dich-hiv-o-an-giang-i732991/