Còn nhiều rào cản phát triển kinh tế xanh

Việc phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam hiện còn gặp nhiều rào cản, cần sớm có các giải pháp đồng bộ để tháo gỡ.

Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Công Luật-TTXVN

Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Công Luật-TTXVN

Phát biểu tại Hội thảo khoa học quốc gia "Phát triển kinh tế xanh - Lý luận và thực tiễn" tổ chức sáng 26/6, tại Nam Định, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, ông Lê Quốc Minh cho biết Hội thảo là cơ hội để các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách, quản lý Nhà nước và các nhà khoa học phân tích làm rõ xu hướng, kinh nghiệm phát triển kinh tế xanh trên thế giới và bài học rút ra cho Việt Nam; đồng thời, đề xuất phương hướng, giải pháp thực hiện có hiệu quả mô hình kinh tế xanh và đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh trong thời gian tới.

Xác định tăng trưởng xanh là chìa khóa của phát triển bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đề ra mục tiêu tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội, hướng tới nền kinh tế xanh trung hòa carbon, giảm cường độ phát thải khí nhà kính.

Đến nay, nền kinh tế Việt Nam đã có những tiến bộ vượt bậc trên hành trình “xanh hóa”. Trong lĩnh vực công nghiệp, đã và đang triển khai nhiều biện pháp tích cực nhằm quản lý và hạn chế phát thải khí nhà kính, hóa chất độc hại từ các nhà máy, khu công nghiệp, khu chế xuất, đồng thời nghiên cứu phát triển các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, áp dụng máy móc kỹ thuật mới thân thiện với môi trường, phát triển các ngành công nghiệp xanh gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn.

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Công Luật-TTXVN

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Công Luật-TTXVN

Về lĩnh vực nông nghiệp, chuyển đổi sang xu hướng xanh với công nghệ sinh học, phân bón sinh học, nông nghiệp hữu cơ và xuất khẩu nông sản hữu cơ, áp dụng những tiến bộ trong canh tác và nghiên cứu về giống, kỹ năng thâm canh mới để tạo ra sự gia tăng năng suất cây trồng, vật nuôi.

Trong lĩnh vực dịch vụ, với sự hỗ trợ của các công nghệ tiên tiến, vừa chuyển đổi theo hướng xanh hóa, vừa nâng cao chất lượng trải nghiệm và tính tiện ích cho người dùng, như các mô hình du lịch thông minh, du lịch xanh thu hút lượng lớn khách du lịch trong nước và quốc tế, dịch vụ vận tải trên các nền tảng công nghệ số, dịch vụ thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt, dịch vụ mua sắm online, thương mại điện tử; dịch vụ công trực tuyến…

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, đây là yếu tố hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp thực hiện kinh doanh để phát huy những thành quả từ công nghệ khi nắm bắt thời cơ như: việc sử dụng nguyên liệu thân thiện môi trường, đến đầu tư nghiêm túc vào những dây chuyền sản xuất giảm thiểu chất thải và khí thải.

Chủ tọa Hội thảo. Ảnh: Công Luật-TTXVN

Chủ tọa Hội thảo. Ảnh: Công Luật-TTXVN

Tuy nhiên, thực tế phát triển kinh tế xanh tại nước ta hiện nay còn gặp nhiều rào cản bao gồm: các cơ chế, chính sách, văn bản pháp luật cụ thể hướng tới thực hiện kinh tế xanh chưa được hoàn thiện, mới dừng ở việc đề xuất hướng tiếp cận, chủ yếu tập trung vào tăng trưởng xanh; ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường chưa cao; vấn đề tài chính, nguồn vốn cho thực hiện mục tiêu xây dựng và phát triển kinh tế xanh còn thiếu; công nghệ sản xuất ở Việt Nam so với thế giới phần lớn là công nghệ cũ, tiêu hao năng lượng lớn, xử lý chất thải kém dẫn đến hiệu quả sản xuất thấp. Các ngành sản xuất năng lượng sạch, như: gió, mặt trời...phát triển chưa đủ mạnh để đáp ứng được nhu cầu năng lượng quốc gia.

Phó giáo sư, tiến sĩ Vũ Trọng Lâm, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cho rằng, để tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế xanh hiệu quả, Việt Nam cần hoàn thiện hệ thống chính sách về phát triển kinh tế xanh đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho sự tham gia của doanh nghiệp, người dân vào nền kinh tế xanh; đồng thời, phát huy trách nhiệm và thay đổi hành vi sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của doanh nghiệp, người dân theo hướng “xanh hóa”, bền vững và thân thiện với môi trường, nhằm góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phục hồi tài nguyên và hệ sinh thái.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Minh Sơn - Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, các tham luận tại hội thảo đều khẳng định phát triển kinh tế xanh là xu hướng tất yếu của nền kinh tế nhằm đạt được sự tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Ý kiến của các nhà khoa học sẽ cung cấp thêm những luận cứ khoa học hữu ích, góp phần giải quyết những vấn đề đang đặt ra đối với việc phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam.

Đây cũng là cơ sở để các cơ quan xây dựng, soạn thảo kiến nghị với Đảng và Nhà nước nhằm tiếp tục xây dựng và phát triển nền kinh tế xanh bền vững, hiệu quả và tăng trưởng ở Việt Nam trong thời gian tới, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Công Luật/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/con-nhieu-rao-can-phat-trien-kinh-te-xanh/338609.html