Còn nhiều thách thức với phát triển giao thông xanh

Giao thông vận tải (GTVT) là lĩnh vực sử dụng nhiều nhiên liệu hóa thạch, phát thải lượng lớn khí nhà kính, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường.

Phát triển giao thông theo hướng xanh hóa, trong đó, chú trọng chuyển đổi phương tiện sang sử dụng các loại nhiên liệu thân thiện với môi trường là giải pháp quan trọng hàng đầu. Đặc biệt, cần quan tâm hơn nữa đến đầu tư cho phương tiện giao thông công cộng xanh, xây dựng hạ tầng, trạm sạc cho xe điện, giảm dần xe cá nhân.

Cần kiểm soát phát thải đối với phương tiện giao thông

Đánh giá về tình hình giao thông tại Việt Nam hiện nay, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, điểm đặc trưng là phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch. GS, TS Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, gần 95% nhu cầu năng lượng trong ngành GTVT đến từ loại nhiên liệu này. Do sử dụng nhiều nhiên liệu hóa thạch nên ngành GTVT phát thải khí nhà kính lớn, chiếm tới gần 24% tổng lượng khí nhà kính cả nước. GS, TS Lê Anh Tuấn cho rằng, cần kiểm soát phát thải, đặc biệt đối với giao thông đường bộ. Việt Nam đã cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050. Để đạt được điều này với lĩnh vực giao thông đường bộ, phát triển phương tiện giao thông chạy bằng điện đã được thúc đẩy thông qua các chiến lược, chính sách và chương trình hành động quốc gia.

GS, TS Lê Anh Tuấn cũng đánh giá, Việt Nam là một thị trường tiềm năng với phương tiện giao thông điện, hơn 40% doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng có nhu cầu hoặc phương án để chuyển đổi sang phương tiện giao thông điện. Việt Nam cũng có các chính sách trợ giá và hỗ trợ lãi suất để phát triển xe điện. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số rào cản nhất định. Người tiêu dùng còn lo ngại về giá thành xe điện cao, vấn đề pin, trạm sạc. Doanh nghiệp vận tải thì lo lắng về chi phí đầu tư lớn, hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ.

 Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đóng góp thêm phương tiện giao thông xanh tại Thủ đô. Ảnh: PHẠM HƯNG

Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đóng góp thêm phương tiện giao thông xanh tại Thủ đô. Ảnh: PHẠM HƯNG

GS, TS Lê Anh Tuấn đề xuất chương trình chuyển đổi phương tiện giao thông điện với 3 giai đoạn gồm khởi động (giai đoạn 2024-2030), tăng trưởng nhanh (2030-2040) và tăng trưởng ổn định (2040-2050). Để đạt được mục tiêu này, cần rà soát, sửa đổi, xây dựng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ chuyển đổi phương tiện, đầu tư phát triển hạ tầng, sản xuất nội địa; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức, hướng dẫn kỹ thuật; nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ mới; đào tạo nguồn nhân lực; truyền thông đến người dân và doanh nghiệp.

Theo nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, nhu cầu phát triển giao thông rất lớn, trong đó về hạ tầng ngoài trạm sạc cho xe điện còn có bến cảng, sân bay, đường sắt... Việc huy động nguồn lực để đạt Net Zero như cam kết là thách thức rất lớn. Ngoài nguồn lực trong nước cần khơi thông để huy động nguồn lực quốc tế. Các đối tác đã có cam kết, sẵn sàng hỗ trợ nhưng chúng ta phải tiếp cận, sử dụng hiệu quả nguồn lực trên cơ sở đáp ứng điều kiện nhất định...

Tháo gỡ dần các rào cản

Thực hiện các cam kết của Việt Nam về Net Zero, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 876/QĐ-TTg phê duyệt chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành GTVT, với mục tiêu phát triển hệ thống GTVT xanh, góp phần đưa phát thải ròng khí nhà kính về 0 vào năm 2050. Chương trình hành động đã đưa ra các giải pháp cụ thể gồm: Phát triển hệ thống đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao, đường sắt quốc gia điện khí hóa, phát triển cảng xanh và lộ trình chuyển đổi phương tiện sang sử dụng điện, năng lượng xanh.

Kinh nghiệm từ nhiều nước phát triển trên thế giới cho thấy, việc thúc đẩy giao thông công cộng như xe buýt điện, tàu điện đường sắt đô thị là giải pháp hiệu quả, không chỉ giảm ô nhiễm môi trường mà còn giúp hạn chế phương tiện cá nhân. Theo đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), xe buýt điện hiện có nhu cầu lớn, đóng góp hiệu quả vào giảm phát thải... Tuy nhiên, có một số thách thức khi chuyển sang sử dụng xe buýt điện như cơ sở hạ tầng trạm sạc, không gian kho bãi đáp ứng cho số lượng xe buýt. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư ban đầu của xe buýt điện cao hơn so với xe buýt thường.

Từ phía đơn vị phát triển giải pháp về hệ thống sạc cho xe điện, ông Nguyễn Đắc Hưng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Giải pháp sạc xe điện iCharge bày tỏ quan tâm đến chính sách, hành lang pháp lý về xây dựng hạ tầng trạm sạc, ví dụ có cần xin cấp phép xây dựng không, cơ chế giao, thuê, ưu đãi mặt bằng để lắp trạm sạc ở bến xe buýt; nguồn điện đủ công suất, hạ tầng điện ưu tiên, tính toán phụ tải... Ngoài trạm sạc ở bến xe buýt còn có trạm sạc công cộng; trạm sạc trong khu chung cư, khu đô thị; trạm sạc logistics...

Các đơn vị phát triển trạm sạc sẽ tăng cường hợp tác với các hãng sản xuất xe điện, đơn vị phát triển bất động sản, đơn vị vận hành bãi đỗ xe, tập đoàn công nghệ, các viện nghiên cứu, trường đại học và cơ quan quản lý hạ tầng để bảo đảm việc lắp đặt, vận hành trạm sạc được triển khai hiệu quả, đồng bộ. Ông Nguyễn Đắc Hưng cho rằng, để thúc đẩy chuyển đổi phương tiện di chuyển xanh, thân thiện với môi trường, cần ưu đãi, khuyến khích sản xuất, lắp ráp xe điện; khuyến khích người sử dụng thông qua hỗ trợ tài chính; hỗ trợ vốn vay, quỹ đất, hoàn thiện pháp lý để phát triển hạ tầng trạm sạc điện và phát triển vận tải hành khách công cộng sử dụng điện như xe buýt, taxi điện.

Hiện nay, các thương hiệu xe điện của Việt Nam, nổi bật như VinFast ngày càng khẳng định được uy tín, chất lượng và được khách hàng đón nhận, đánh giá cao. Đồng thời, có những bước tiến mạnh mẽ ra thị trường thế giới. Để phát triển giao thông xanh, việc đẩy mạnh xe điện thương hiệu Việt cần được xác định là một trong những giải pháp trọng tâm.

Các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đều có lộ trình để xanh hóa vận tải công cộng. Đối với TP Hồ Chí Minh, giai đoạn 2025-2029 sẽ ưu tiên chuyển đổi phương tiện xe buýt sang xe điện. Trong thời gian quá độ của lộ trình chuyển đổi, có thể đầu tư, thay thế bằng xe buýt sử dụng nhiên liệu CNG (khí thiên nhiên nén) trên các tuyến xe buýt hiện hữu, tiến tới đến năm 2030, 100% xe buýt tại TP Hồ Chí Minh sử dụng năng lượng xanh. Đối với Hà Nội, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 70-90% xe buýt sử dụng điện và năng lượng xanh, tăng lên 100% vào năm 2035. Trong quá trình này, sẽ xác định cơ cấu tỷ lệ hợp lý giữa xe buýt dùng điện và năng lượng xanh, bảo đảm phù hợp thực tế về cơ sở hạ tầng và khả năng cung cấp nguồn điện. Các tuyến buýt mới mở ưu tiên sử dụng xe điện, năng lượng xanh.

Nhấn mạnh, trong lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là giao thông xanh, Việt Nam đã có tuyến đường sắt đô thị, hàng trăm xe buýt điện, hàng chục nghìn ô tô điện đang vận hành, tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng nhìn nhận, so với mục tiêu đặt ra thì đây mới là kết quả bước đầu, còn khiêm tốn. Vì vậy, cần tiếp tục dành nguồn lực, các chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp sản xuất và sử dụng phương tiện. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, để thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 cũng như mục tiêu cụ thể cho ngành GTVT, cần sự hỗ trợ rất lớn của quốc tế, không chỉ về tài chính mà còn là kinh nghiệm trong xây dựng và thực thi chính sách. Từ đó, áp dụng một cách phù hợp với đặc thù của Việt Nam và từng ngành, lĩnh vực.

MẠNH HƯNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/con-nhieu-thach-thuc-voi-phat-trien-giao-thong-xanh-791954