Còn nhiều ý kiến khác nhau về sửa đổi cơ quan chủ trì tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo luật

Quy trình xây dựng pháp luật sẽ có vai trò quan trọng nhưng năng lực con người và kỷ cương, kỷ luật trong công tác xây dựng pháp luật còn quan trọng hơn', Bộ trưởng Tư pháp nói.

Sáng 21-11, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là đề xuất sửa đổi cơ quan chủ trì tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo luật.

Đai biểu Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc) nhất trí với quan điểm của đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật cũng như ý kiến của nhiều Đoàn đại biểu Quốc hội về việc ủng hộ phương án 1 do Chính phủ trình.

Quy định như vậy sẽ đảm bảo để các cơ quan, tổ chức đại biểu Quốc hội trình dự án luật, pháp luật và các cơ quan chủ trì thẩm tra thực hiện đúng, đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, phát huy cao nhất trách nhiệm của các cơ quan, bảo đảm trong suốt quá trình xem xét thông qua luật các chính sách phát sinh đều được xem xét, phản biện, thẩm tra phù hợp với nguyên tắc phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực trong việc thực hiện quyền lập pháp.

Theo phương án này, cơ quan soạn thảo sẽ thực hiện nhiệm vụ đến cùng, bảo đảm tính liên tục, thống nhất từ khâu đề xuất chính sách, soạn thảo, trình cho đến giai đoạn bảo vệ, giải trình và chỉnh lý, hoàn thiện.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tại phiên thảo luận (ảnh QH)

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tại phiên thảo luận (ảnh QH)

Cơ quan chủ trì thẩm tra sẽ thực hiện thẩm tra đến cùng, kể cả đối với những chính sách đã thay đổi trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật, đồng thời đề cao sự phản biện nhằm bảo đảm tính khách quan, độc lập trong hoạt động thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội.

“Trong trường hợp cơ quan chủ trì thẩm tra có ý kiến khác với ý kiến của cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án luật trong việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý thì cơ quan chủ trì thẩm tra báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định”, đại biểu nói.

Đại biểu Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) cũng tán thành Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật. Theo đại biểu, chúng ta đã trải qua khá nhiều vấn đề và chúng ta cần phải xem xét, nghiên cứu, rút kinh nghiệm trong quá trình ban hành Bộ luật Hình sự, Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội hay là tại kỳ họp này, mới xem xét để sửa đổi, bổ sung Điều 3 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

“Đây là một trong những nội dung chúng ta thấy khiếm khuyết trong việc xem xét về quy trình hiện nay. Quy trình hiện nay là quy trình được Ban soạn thảo Chính phủ trình và Ủy ban của Quốc hội thẩm tra, tiếp thu và chỉnh lý thuộc về Thường trực của Ủy ban, của các cơ quan Quốc hội khi tiếp tục trình và trình ra Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu giải trình.

Tôi thấy nên theo phương án 1, cơ quan Chính phủ là cơ quan soạn thảo trình dự án luật theo đúng quy định và sau đó Chính phủ tiếp tục cùng với Ủy ban của Quốc hội cùng thẩm tra và tiếp thu chỉnh lý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình ra Quốc hội”, đại biểu nói.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu lại chọn phương án 2, giữ nguyên như quy định hiện hành. Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) ủng hộ phương án 2 và cho rằng phương án đổi vai không phải là phương án mới.

“Ở bước trình luật quy định cơ quan trình luật xây dựng tờ trình và báo cáo trước Quốc hội là hoàn toàn đúng vai, nhưng khi chuẩn bị thông qua, nếu quy định cơ quan trình luật vào vai chủ trì xây dựng báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý luật để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định, sau đó trong kỳ họp để thông qua nếu cơ quan trình luật vào vai chủ thể để báo cáo trước Quốc hội việc tiếp thu, giải trình thì sẽ không ổn, các vai thì rất khó tròn”, đại biểu nói.

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) đề nghị chọn phương án 2 và phân tích, việc luật bị bất cập, bị yếu kém có hai nguyên nhân. Nguyên nhân thứ nhất, đó là yếu tố con người. Nguyên nhân thứ hai là một số Ủy ban không mạnh dạn, kiên quyết trả lại luật không đảm bảo chất lượng.

Phát biểu giải trình tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết đây là vấn đề còn có những ý kiến khác nhau giữa Chính phủ với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và giữa các đại biểu Quốc hội với nhau. Theo quy định tại Điều 72 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Quốc hội xem xét quyết định vấn đề này.

Nghiên cứu về kinh nghiệm của một số nước cho thấy họ không đặt vấn đề quá nặng nề về việc cơ quan nào chủ trì, tiếp tục tiếp thu, chỉnh lý. Bởi lẽ, đây là công đoạn chủ yếu mang tính chất kỹ thuật. Cơ quan trình đã nghiên cứu chính sách, dự kiến giải pháp xử lý vấn đề, tính toán về tính khả thi và nguồn lực thực hiện hầu như không có sự thay đổi lớn về chính sách hay phạm vi điều chỉnh hoặc những quy định có tác động lớn đến xã hội mà chưa được nghiên cứu trước khi trình.

“Việc xây dựng, ban hành với một quy trình ngày càng được chuẩn hóa chỉ là một trong số các yếu tố. Điều quan trọng là tổ chức thực thi với hệ thống các thiết chế bảo đảm và yếu tố con người vận hành trong hệ thống cùng với một xã hội thượng tôn pháp luật.

Quy trình xây dựng pháp luật sẽ có vai trò quan trọng nhưng năng lực con người và kỷ cương, kỷ luật trong công tác xây dựng pháp luật còn quan trọng hơn”, Bộ trưởng Tư pháp nói.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/con-nhieu-y-kien-khac-nhau-ve-sua-doi-co-quan-chu-tri-tiep-thu-chinh-ly-du-thao-luat-170914.html