Các công ty Nga ngày càng khó nhận tiền từ Trung Quốc

Những thách thức trong thương mại giữa Nga và Trung Quốc đã gia tăng kể từ lệnh trừng phạt mở rộng của Mỹ vào tháng 6.

Theo Bloomberg, việc thực hiện thanh toán trực tiếp từ Trung Quốc sang Nga đang trở nên rất khó khăn hoặc thậm chí không thể thực hiện được, ngay cả khi sử dụng đồng nhân dân tệ.

Vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến các mặt hàng như kim loại và nông nghiệp mà còn ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp khác.

Hiệp hội các đại lý ô tô Nga tuần trước cảnh báo rằng việc nhập khẩu ô tô và phụ tùng ô tô từ Trung Quốc, hiện là nhà cung cấp chính của Nga, có thể bị đình trệ do các trục trặc trong quá trình thanh toán.

Trung Quốc là đối tác thương mại chính của Nga kể từ khi xung đột ở Ukraine bùng nổ vào tháng 2/2022. (Ảnh: Tân Hoa xã)

Trung Quốc là đối tác thương mại chính của Nga kể từ khi xung đột ở Ukraine bùng nổ vào tháng 2/2022. (Ảnh: Tân Hoa xã)

Trung Quốc trở thành đối tác thương mại chính của Nga kể từ khi bùng nổ xung đột ở Ukraine vào tháng 2/2022, dẫn tới các lệnh trừng phạt sâu rộng sau đó do Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) áp đặt đối với Moskva.

Dữ liệu hải quan Trung Quốc cho thấy thương mại giữa hai nước đã tăng hơn 60% lên 240 tỷ USD vào năm 2023 kể từ đó. Nga cũng vượt qua Đức, Australia và Việt Nam trong danh sách các đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc.

Đồng nhân dân tệ hiện chiếm khoảng 40% thanh toán xuất nhập khẩu của Nga và hơn một nửa giá trị trên thị trường ngoại tệ của Nga.

Tuy nhiên, các khoản thanh toán giữa hai nước bắt đầu gặp trở ngại kể từ tháng 12/2023, khi Mỹ đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với các ngân hàng hỗ trợ thương mại với các ngành liên quan đến quân sự của Nga.

Các công ty Nga cho biết vấn đề đã được giải quyết bằng cách sử dụng các ngân hàng nhỏ trong khu vực sau khi Tổng thống Vladimir Putin gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 5, nhưng sau đó Mỹ đã mở rộng tiêu chí trừng phạt của họ.

Tháng 6, Mỹ mở rộng các giới hạn xem xét việc áp dụng các biện pháp trừng phạt thứ cấp, bằng việc mở rộng định nghĩa về cơ sở công nghiệp quân sự của Nga.

Alexander Potavin, nhà phân tích của Finam ở Moskva, nói: “Các lệnh trừng phạt của Mỹ và mối đe dọa trừng phạt thứ cấp đã khiến ngày càng nhiều ngân hàng ở Trung Quốc không muốn thực hiện thanh toán và các thỏa thuận thương mại với Nga”.

Các phương thức thanh toán thay thế đã được đưa ra, bao gồm sử dụng tiền điện tử hoặc định tuyến các giao dịch qua các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ như Kazakhstan hoặc Uzbekistan, nhưng điều đó làm tăng thêm chi phí.

"Dù chúng tôi chưa ghi nhận sự sụt giảm rõ ràng trong nhập khẩu do khó khăn thanh toán, nhưng nhập khẩu bằng đồng rúp đã bắt đầu giảm", Dmitry Polevoy, giám đốc đầu tư của Astra Asset Management có trụ sở tại Moskva, cho biết. Tỷ trọng nhập khẩu bằng đồng rúp trong GDP “đang giảm đáng kể sau khi phục hồi vào năm 2023”.

Một số thương nhân vẫn có thể thanh toán bằng nhân dân tệ cho Nga, nhưng chỉ thông qua một số lượng hạn chế các ngân hàng nhà nước lớn. Các tổ chức cho vay nhỏ hơn hoặc cấp địa phương không còn là sự lựa chọn nữa sau khi các lệnh trừng phạt được mở rộng.

Điều đó cho thấy các hình phạt ngày càng hà khắc đối với Nga đang dần tác động đến nền kinh tế nước này.

Ngân hàng trung ương Nga cho biết trong báo cáo tháng 7 về xu hướng vĩ mô và tài chính rằng "mức độ cởi mở của nền kinh tế Nga có xu hướng giảm, điều này được phản ánh bởi sự sụt giảm tỷ trọng của nhập khẩu và xuất khẩu trong GDP, trong khi vai trò của nhu cầu và sản xuất trong nước tăng lên".

Kể từ cuối năm ngoái, Nga cũng gặp khó khăn trong hoạt động với các đối tác thương mại lớn khác, bao gồm Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Thổ Nhĩ Kỳ, do áp lực của Mỹ đối với các bên cho vay làm chậm giao dịch. Thương mại với Ấn Độ cũng gặp nhiều trở ngại vì đồng rupee không có khả năng chuyển đổi hoàn toàn.

Hoa Vũ (Nguồn: Bloomberg)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/cac-cong-ty-nga-ngay-cang-kho-nhan-tien-tu-trung-quoc-ar884032.html