Con ở thành phố nhận đồ tiếp tế từ bố mẹ trong thời bão giá

'Mẹ không gửi nhiều đâu' là câu cửa miệng của mẹ mỗi khi đóng thùng, gửi thức ăn lên TP.HCM cho Linh. Nhưng lần nào cô cũng nhận được cả thùng lớn thịt, cá, trái cây, rau, trứng.

Hàng loạt mặt hàng tăng giá khiến cuộc sống tự lập ở thành phố của nhiều người trẻ thêm phần khó khăn. Để giảm bớt gánh nặng chi tiêu cho con cái, nhiều bậc phụ huynh ở quê gom góp thực phẩm "cây nhà lá vườn" gửi xe lên thành phố.

Dù biết "thành phố không thiếu thứ gì", 4 bạn trẻ ở TP.HCM và Hà Nội chia sẻ với Zing họ cảm thấy vui và biết ơn khi nhận được từng mớ rau, chục trứng do bố mẹ chắt chiu, gói ghém gửi lên cho mình.

Đồ ăn tươi, ngon, bổ, rẻ

Nguyễn Hằng (sinh viên năm 2) đang thuê trọ cùng chị gái ở quận Cầu Giấy, Hà Nội. Đa phần chi phí sinh hoạt và học tập của Hằng được chị gái lo liệu, bố mẹ hỗ trợ một phần nên cô thừa nhận “ít quan tâm đến giá cả lên hay xuống”.

Tuy nhiên, thời gian này, khi mọi câu chuyện xung quanh đều xoay quanh vấn đề giá xăng, gas và các mặt hàng đồng loạt lên cao, Hằng đã cảm nhận được sự ảnh hưởng.

 Thùng đồ ăn mẹ của Hằng gửi vào đầu tháng 3, có đầy đủ rau, thịt, cá và bánh tét.

Thùng đồ ăn mẹ của Hằng gửi vào đầu tháng 3, có đầy đủ rau, thịt, cá và bánh tét.

“Nghe bạn bè kể giờ ra chợ mua một bó rau muống nhỏ mất 15.000 đồng, chắc mình không dám ăn rau. May mắn mình có bố mẹ luôn gửi đồ ăn ở nhà ra nên không chật vật lắm trong thời gian này. Ít phải mua đồ ăn nên chị em mình đỡ được một khoản kha khá, ăn uống cũng thoải mái và đầy đủ hơn”.

Khoảng 1 tháng, nghe con thông báo đã hết đồ ăn, mẹ của Hằng lại vội vàng chuẩn bị một thùng to nào rau củ trong vườn, gà, cá, tôm, gia vị…

Chị gái đi làm nên Hằng đảm nhận việc nấu nướng. Hai chị em chủ yếu ăn ở nhà, chỉ thỉnh thoảng đi ăn ngoài để “đổi gió”.

“Được nhận tiếp tế từ nhà thực sự là niềm hạnh phúc của chị em mình, nhất là trong thời kỳ giá cả leo thang. Ăn uống không phải lo vì đồ ăn luôn tươi, sạch. Nhưng giờ giá xăng lên cao nên chị em mình đổi từ thú vui chạy xe dạo phố chuyển sang đi bộ hóng gió ở gần nhà nhiều hơn”.

"Mẹ không gửi nhiều đâu"

Đó gần như là câu cửa miệng của mẹ mỗi khi đóng thùng, gửi thức ăn vào Sài Gòn cho Thảo Linh (29 tuổi, ngụ ở quận Tân Bình, TP.HCM).

"Nói vậy thôi chứ lần nào mình đi lấy đồ cũng cả một thùng to đùng, nào cá, nào thịt, rau, trứng, tôm, mực, trái cây đủ cả".

Gia đình ở Khánh Hòa đã bắt đầu gửi thức ăn cho Linh từ khi cô học năm nhất đại học. Trung bình cứ 1-2 tháng lại tiếp tế một lần. Bố mẹ cô luôn sợ thức ăn ở thành phố không được tươi ngon như ở quê và lo con gái bỏ bữa vì lười nấu ăn một mình.

Cứ 1-2 tháng, Linh lại nhận được đồ tiếp tế của bố mẹ ở quê gửi vào Sài Gòn.

Cứ 1-2 tháng, Linh lại nhận được đồ tiếp tế của bố mẹ ở quê gửi vào Sài Gòn.

"Khi mình bắt đầu đi làm, bố mẹ lại càng gửi thường xuyên hơn vì nghĩ mình bận rộn nên toàn ăn ngoài. Mình thì chỉ sợ bố mẹ khổ nên lúc nào cũng nhắn gửi ít thôi, nhưng lần nào cũng nhận được rất nhiều đồ.

Thời gian gần đây, nghe tin bão giá, bố mẹ mình còn có xu hướng gửi nhiều hơn trước. Nên hai tuần vừa rồi mình chỉ tốn tiền gạo, gas, nước, còn lại thì hầu như không cần đi chợ, siêu thị gì luôn", Linh chia sẻ.

Tiếp tế thức ăn, thuốc cho F0

Đầu tháng 3, Lê Thanh Hà (27 tuổi, ngụ ở thành phố Thủ Đức, TP.HCM) nhận kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19.

Sau 2 ngày suy nghĩ, Hà mới dám gọi điện về thông báo với bố mẹ ở quê. Trái với suy nghĩ người thân sẽ hoang mang, lo lắng, Hà bất ngờ khi thấy gia đình (hiện sống ở Cần Thơ) phản ứng rất bình tĩnh và tích cực.

"Đầu tiên bố mẹ động viên, nhắn hỏi rất kỹ về các triệu chứng của mình. Sau đó dặn mình viết một danh sách những thứ cần mua, còn thiếu gì trong nhà. Dù mình nói đã nhờ bạn bè mua giúp nhiều thứ, gia đình vẫn nhất quyết gửi thêm đồ lên cho F0 bồi bổ, nhanh khỏi bệnh".

Ngay hôm sau, Hà nhận được nguyên một thùng hàng bố mẹ chuẩn bị cho cô. Bên cạnh đồ ăn thức uống, người nhà còn gửi thêm cho cô từ vitamin tổng hợp cho đến viên ngậm ho, siro ho, thuốc xịt mũi...

 Số thuốc bổ, thuốc ho, thực phẩm chức năng mà bố mẹ gửi cho Hà.

Số thuốc bổ, thuốc ho, thực phẩm chức năng mà bố mẹ gửi cho Hà.

"Tâm lý bố mẹ ở quê là lúc nào cũng sợ con ở thành phố thiếu này, thiếu kia, nhất là những khi bệnh tật một mình lại càng thêm lo. Vì vậy mà gửi được bao nhiêu là gắng bấy nhiêu, thừa còn hơn thiếu", cô chia sẻ.

Nhờ có số thức ăn, thuốc, thực phẩm chức năng mà bố mẹ gửi nên một tuần điều trị F0 ở nhà của Hà trôi qua nhẹ nhàng. Cô không phải nhắn tin, gọi điện nhờ bạn bè, người quen giúp đỡ gì nhiều, một mình vẫn có thể tự lo.

"Nếu không có số thuốc và thức ăn bố mẹ gửi thì chắc mình sẽ phải tốn một khoản kha khá trong thời gian tự cách ly, điều trị. Tâm lý khi bị nhiễm bệnh và phải tự xoay xở một mình chắc cũng không thể thoải mái được như thế này", Hà cho hay.

Chăm nấu ăn ở nhà nhờ đồ mẹ gửi

Lương không tăng nhưng mọi mặt hàng đều lên giá, Hà Phương (25 tuổi, nhân viên văn phòng tại Hà Nội) có phần chật vật hơn khi cân đối chi tiêu từng tháng. Với thu nhập không cao, cô phải cố gắng mới dành ra được một khoản nhỏ phòng khi ốm đau hay thực hiện kế hoạch tương lai.

Hà Phương luôn tự đi chợ và nấu ăn tại nhà nên thời gian này, cô cảm nhận rất rõ sức ảnh hưởng của cơn bão giá.

“Từ sau Tết đến nay, rất nhiều thứ tăng giá, chỉ riêng rau dưa nhỏ nhặt cũng thấy rõ. Đặc biệt khi dịch lan rộng ở Hà Nội, các đồ gia vị để nấu nồi xông như như sả, gừng, tỏi tăng chóng mặt. Mình còn nhớ tháng trước, 5.000 đồng mới mua được một mớ rau mùi, sả thì 1.000 đồng chỉ được một củ”, Phương kể.

Cô gái quê Nghệ An cảm thấy được giảm bớt gánh nặng tiền bạc khi mẹ cô ở quê mỗi tháng đều gửi cho đồ ăn.

 Tủ lạnh của Hà Phương luôn chứa đầy đồ ăn mẹ gửi từ quê.

Tủ lạnh của Hà Phương luôn chứa đầy đồ ăn mẹ gửi từ quê.

Cô gái 25 tuổi cho hay nếu mẹ không gửi đồ, một tuần cô tốn gần 1 triệu đồng tiền đồ ăn. Nhưng nhờ có gia đình hỗ trợ, cô chỉ cần mua thêm gia vị. Luôn có đồ ở quê nên Phương chủ yếu nấu ăn ở nhà, chỉ cuối tuần mới đi ăn ở ngoài.

“Mẹ mình luôn gửi một ‘bầu trời’ thức ăn với nào là thịt heo, xương heo, cá biển tươi. Đợt này mình bị nhiễm Covid-19 nên mẹ còn gửi thêm chân giò heo để nấu cháo tẩm bổ. Rau thì không thể kể hết các loại, chủ yếu là những món mẹ trồng được trong vườn hoặc mua ở chợ quê. Mình đặc biệt thích trứng gà nhà mẹ gửi vì ngoài này không thể tìm thấy loại ngon như vậy”.

Phương nói rằng nhận được đồ ăn mẹ gửi đảm bảo ngon, tươi, sạch và giá cả rẻ hơn so với khi mua ở thành phố.

“Mẹ lúc nào cũng muốn con được ăn uống đầy đủ, an toàn nên gửi nhiều. Có hôm mẹ gửi thùng đồ to lên xe rồi, đến 4h sáng giật mình dậy vì nhận ra quên gửi mấy quả dừa với ổi. Bởi vậy, đó không chỉ là thực phẩm tiếp tế mà còn là tình cảm mẹ gửi cho chị em mình”.

Huệ Lâm - Đào Phương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/con-o-thanh-pho-nhan-do-tiep-te-tu-bo-me-trong-thoi-bao-gia-post1304092.html