Con sợ mẹ nghỉ việc: Chất keo giữ chân nhân viên
Không chỉ bằng lương bổng, chế độ phúc lợi hay môi trường làm việc tốt, bà Nguyễn Thị Minh Tâm, Giám đốc Nhân sự và đào tạo tiết lộ nghệ thuật giữ chân nhân viên ở Furama Resort Danang là xây dựng và duy trì mối quan hệ gắn bó giữa gia đình nhân viên và doanh nghiệp.
Trước đây, Furama Resort Danang từng là khu nghỉ dưỡng biển sang trọng duy nhất ở miền Trung nhưng hiện nay, các khách sạn và khu nghỉ dưỡng mọc lên như nấm, nhu cầu tuyển dụng nhân sự ngày càng tăng. Là giám đốc nhân sự của Furama, bà có chịu áp lực khi nhân sự của mình bị nơi khác lôi kéo không?
Bà Nguyễn Thị Minh Tâm: Khi thị trường phát triển, cơ hội việc làm nhiều lắm, không chỉ cho nhân viên hoặc đồng nghiệp của mình, mà còn cho chính bản thân mình. Nhưng áp lực với người phụ trách nhân sự của doanh nghiệp cũng không nhỏ vì khi cơ hội mở ra thì sẽ có nhân viên rời đi. Đây là điều mình phải học cách chấp nhận vì đó là bản chất của thị trường.
Tuy nhiên, chúng tôi cảm thấy tự hào khi thị trường có niềm tin vào chất lượng nhân sự Furama. Nhiều nhân viên cũ của Furama giờ đã giữ những vị trí quản lý ở các khách sạn khác. Có khách sạn khi tuyển dụng nhân sự thì những hồ sơ của những người có kinh nghiệm làm việc ở Furama được xếp riêng như một đặc cách vào ngay vòng tiếp theo, điều đó thể hiện uy tín của Furama trên thị trường.
Không biết bản thân bà có được nơi khác mời chào không? Điều gì giữ chân bà ở lại Furama tới 18 năm?
Bà Nguyễn Thị Minh Tâm: Tất nhiên là có. Nhưng bây giờ mà tôi nói chuyển việc là con mình sẽ rất buồn. Lý do là mẹ làm ở Furama thì con được vào trải nghiệm nhiều hoạt động. Ví dụ như vào mùa hè, các con được tham gia lớp dạy bơi, kỹ năng tự cứu cũng như có thể tham gia nhiều hoạt động trên biển.
Ngoài ra, cứ vào ngày 1 tháng 6, khu nghỉ dưỡng đều có tổ chức các hoạt động cho con em gia đình nhân viên. Tổng giám đốc Furama Nguyễn Đức Quỳnh nói rằng, “mình phục vụ khách tốt thì tại sao không phục vụ con em mình tốt hơn”.
Vì thế, Ngày Quốc tế thiếu nhi không chỉ là thời điểm dành cho trẻ em mà còn cho cả gia đình nhân viên ở Furama. Có rất nhiều hoạt động để các cháu theo từng bộ phận giao lưu, gắn kết với nhau, thi với nhau. Ban lãnh đạo cũng trao thưởng cho các cháu mà được giải cao, được học sinh giỏi. Có năm, khu nghỉ dưỡng tổ chức cho các con vào đây sáng tác những điều mình thích về Furama, có vẽ tranh, làm thơ, các con thích lắm.
Có vẻ như Furama đang tạo nên một chất keo gắn bó giữa gia đình nhân viên và doanh nghiệp, từ đó giữ chân nhân viên lại, khi mà công ty còn phát hành thẻ Furama Fabulous Card để cho gia đình nhân viên sử dụng dịch vụ trong khu nghỉ dưỡng?
Bà Nguyễn Thị Minh Tâm: Đúng vậy. Mỗi nhân viên đều được phát hành một cái thẻ để sử dụng dịch vụ của Furama. Phía công ty sẽ nạp tiền vào thẻ ở những thời điểm nhất định, như sinh nhật, lễ, tết.
Tiêu chí của ban lãnh đạo công ty đặt ra là thẻ này không chỉ để nhân viên mà còn để cho gia đình họ, đặc biệt là trẻ con, sử dụng dịch vụ trong khu nghỉ dưỡng. Không đơn giản là vào uống một ly nước, hay bơi lội mà họ sẽ cảm nhận được sự sang trọng như thế nào, đặc biệt với các cháu còn nhỏ thì đó là cách nhớ lâu hơn. Và cũng không đơn thuần là tận hưởng mà các gia đình có sự gắn kết với nhau. Thế mới nói giờ mà mình chuyển đi là con mình rất buồn.
Nhưng dẫu sao một trong những yếu tố nhân viên quan tâm nhất khi mà xin vào làm sẽ là lương và thu nhập. Furama có lợi thế cạnh tranh gì ở khía cạnh này không?
Bà Nguyễn Thị Minh Tâm: Trải qua 18 năm làm ở đây, tôi có thể nói chắc chắn là có. Lương và phúc lợi luôn là những điều cơ bản nhất được người lao động quan tâm. Có thể sẽ có những bên khác chi trả cao hơn, nhưng sự khác biệt lớn nhất ở Furama là tính ổn định.
Tôi để ý có những trường hợp đi những nơi khác làm, sau đó họ nói là tuy họ được trả lương cao hơn nhưng luôn trong tình trạng phập phồng không biết sẽ được chi trả vào ngày nào. Trong khi đó, Furama chắc chắn sẽ chi trả lương vào một ngày cố định, hoặc có chăng trùng vào ngày nghỉ cuối tuần thì sẽ trả sớm hơn, nên lương nhân viên ở đây được hưởng luôn ổn định.
Ngoài ra, bên mảng dịch vụ là một thu nhập đặc biệt là phí phục vụ mà nhân viên được hưởng. Phí này không có con số cố định hàng tháng nhưng tôi có thể khẳng định phí dịch vụ của Furama hiện tại rất tốt so với thị trường và cũng là một trong những điểm sáng khi tuyển dụng. Chi phí này có những tháng có thể cao ngang lương.
Phí dịch vụ tổng sẽ được dán lên bảng nhân viên nhưng của ai người ấy biết, và chính con số này cũng thể hiện cái khả năng làm việc, hoạt động của người lao động trong tháng vừa qua, khi mà ai càng năng nổ nhiệt tình, làm tốt công việc sẽ có lợi ích càng nhiều, cho nên họ cũng sẽ tích cực trong công việc hơn.
Ngoài lương ổn định và phí phục vụ cao, không biết chế độ phúc lợi dành cho người lao động của Furama có gì đặc biệt không?
Bà Nguyễn Thị Minh Tâm: Vừa rồi có một buổi định hướng, một bạn nhân viên phát biểu là ngạc nhiên khi phòng thay đồ nhân viên có máy lạnh và phát nhạc, khiến tất cả mọi người phải cười ồ lên. Người mới thì lạ chứ những người làm việc lâu năm ở Furama sẽ thấy vô cùng bình thường. Ở đây, phòng tắm cho nhân viên của khách sạn có trang bị sữa tắm và dầu gội đầu, nhưng những bên khác không phải chỗ nào cũng có.
Ban giám đốc cũng vừa cho tu sửa, nâng cấp toàn bộ khu vực thay đồ nhân viên, bởi khu ấy liên quan tới sự thoải mái và an toàn cho nhân viên. Ngoài ra, còn có một khu vực dành riêng để nghỉ ngơi và vắt sữa cho bà bầu. Vừa phụ trách mảng nhân sự vừa là một người mẹ nên tôi cảm thấy cực kì phấn khởi bởi vì không phải chỗ nào cũng làm được điều này.
Ngoài khu vực thay đồ thì khu nhà ăn cho nhân viên cũng mới được nâng cấp. Có điều gì đặc biệt khiến công ty đầu tư cho hạng mục này?
Bà Nguyễn Thị Minh Tâm: Ở khu nghỉ có rất nhiều bộ phận, đặc biệt có những bộ phận làm việc ngoài trời rất nóng và bữa ăn sẽ là nơi vừa để nghỉ ngơi vừa nói chuyện với nhau. Ban giám đốc muốn tạo không gian cho nhân viên được ăn uống và nghỉ ngơi thoải mái nhất nên đã quyết định nâng cấp và tu sửa.
Thực tế, khu vực này không còn gọi là nhà ăn như bình thường nữa mà là nhà hàng nhân viên vì thực đơn được lên hai tuần một lần, dán lên bảng nhân viên và do phòng nhân sự và có bác sỹ giám sát.
Thậm chí có cả một chiến dịch đặt tên cho nhà hàng, tất cả các bộ phận được tham gia, và cuối cùng cái tên Bếp Nhà Mình được lựa chọn vì thể hiện được không khí ấm cúng, tất cả mọi người đều là gia đình. Không gian bếp, không gian nhà ăn cực kỳ đẹp, mát mẻ nên được gọi là nhà hàng, có đầy đủ món khai vị, món chính, tráng miệng, cà phê và đồ uống để nhân viên ăn thoải mái. Các bạn nhân viên thấy thế thích lắm, được ăn miễn phí mà đầy đủ nữa.
Phúc lợi tốt như vậy nhưng vẫn không tránh khỏi có nhân viên chuyển việc. Khi xảy ra tình huống đó, là người phụ trách nhân sự, bà sẽ phản ứng thế nào?
Bà Nguyễn Thị Minh Tâm: Furama có chính sách rất tốt để giữ chân người lao động và đó là lý do mà ở đây lực lượng nhân viên làm việc từ 10 - 20 năm rất đông. Bản thân tôi cũng đã làm ở đây 18 năm, trải qua nhiều vị trí, từ vị trí thư ký, trợ lý tổng giám đốc đến phụ trách nhân sự và đào tạo. Mọi người ở những nơi khác có thể tự hào khi đã làm việc ở đó 3 năm rồi, nhưng tại Furama, làm việc 5 năm cũng chỉ là mới thôi. Lực lượng nhân viên lâu năm ở đây rất nhiều. Chắc chắn Furama phải có lợi thế cạnh tranh nhất định thì nhân viên mới ở lâu như thế.
Nhưng chuyện nhân viên nghỉ việc vẫn có. Khi có nhân viên nghỉ việc, chúng tôi sẽ sẽ có một buổi phỏng vấn thôi việc, thường do một quản lý phòng nhân sự thực hiện, còn đối với những vị trí từ quản lý trở lên sẽ do tôi trực tiếp làm việc.
Những thông tin từ cuộc nói chuyện với người nghỉ việc đương nhiên đảm bảo được giữ kín. Chúng tôi muốn trò chuyện để biết xem có những điều gì mình cần phải thay đổi, bởi vì họ nghỉ việc rồi, họ không cần thiết phải giấu làm gì. Hoặc nếu còn có những điều mà các bạn đang hiểu sai hay hiểu lệch lạc thì mình cũng thông tin lại để cả hai bên đều vui vẻ với nhau và có một cái kết có hậu.
Như từ đầu bà có nói nghề nhân sự có áp lực cạnh tranh rất lớn, nhưng các vấn đề đều được Furama lo liệu ổn thỏa, dường như không có áp lực như bà nói?
Bà Nguyễn Thị Minh Tâm: Có áp lực chứ. Áp lực rất lớn. Tiêu chuẩn đầu vào của Furama đã rất khó rồi, cộng thêm với thị trường cạnh tranh do có nhiều khách sạn mới ra đời trong khi nguồn nhân lực khan hiếm nên nhiều khi đầu vào không đúng như mong đợi. Nhưng đây là vấn đề mà người làm nhân sự phải chấp nhận và không thể đổ lỗi cho đơn vị đào tạo bởi vì họ cũng khó khăn và mỗi doanh nghiệp sẽ có nhu cầu khác nhau.
Bản thân mình phải chấp nhận và chuẩn bị bằng cách là mình sẽ tuyển dụng và tự đào tạo. Chúng tôi xác định những điểm ưu tiên nhân viên phải có, ứng viên phải có, còn những điểm thiếu thì lên kế hoạch đào tạo thêm. Tôi đã hỏi nhiều bạn và cũng bất ngờ khi họ không nói về lương và nói rằng họ yên tâm làm việc cho những doanh nghiệp có đào tạo tốt.
Ngoài ra, khó khăn nhất là tuyển dụng từ cấp bậc quản lý trở lên. Nhân viên cấp thấp thì không có vấn đề vì vào làm là được, nhưng khi tuyển người ở cấp bậc quản lý thì ngoài trình độ còn phải tuyển người phù hợp với đội ngũ nhân viên đang làm việc, đáp ứng được cái mà nhóm đó đang cần.
Bà đã làm ở đây 18 năm, từ thời kỳ ban đầu Furama là khách sạn 5 sao thuộc sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài cho đến hiện tại được chuyển giao cho chủ đầu tư trong nước. Trong quá trình đó, bà có thấy cách quản trị nhân sự có gì thay đổi không?
Bà Nguyễn Thị Minh Tâm: Mình cứ hay tư duy là nếu mà người Việt Nam tiếp quản thì sẽ cắt giảm chi phí, nhưng may mắn là chủ đầu tư của Furama giữ nguyên tất cả, không có sự thay đổi gì cả mà chỉ từ đó phát triển lên, nên duy trì được niềm tin rất lớn với người lao động cũng như khách hàng.
Tôi nghĩ đây cũng là cái may mắn của những người lao động ở đây và cũng là lý do tại sao Furama vẫn tiếp tục giữ được vị thế là khu nghỉ dưỡng biển hàng đầu không chỉ ở miền Trung mà của cả nước.
Yếu tố con người vẫn luôn được công ty coi trọng, nhiều hoạt động cho nhân viên như nâng cấp nhà ăn, hay phát hành thẻ, đều là những quyết định cần bỏ ra chi phí không hề nhỏ, nhân viên khi biết cũng ngạc nhiên. Nhưng ban lãnh đạo công rất dứt khoát, đã làm thì làm cho tới cùng, làm thật tốt cho chính nhân viên của mình.