Côn Sơn-Kiếp Bạc: Nơi hội tụ hào khí dân tộc và tinh hoa Phật giáo Trúc Lâm

Với bề dày lịch sử hơn bảy thế kỷ, Côn Sơn-Kiếp Bạc không chỉ là chốn Tổ linh thiêng của Thiền phái Trúc Lâm, là nơi lưu dấu Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo và Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi, mà còn là minh chứng sinh động cho sự kết tinh, giao thoa giữa đạo-đời, giữa truyền thống yêu nước và tín ngưỡng tâm linh của dân tộc Việt Nam.

Khu di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc nằm trên địa bàn phường Trần Hưng Đạo, thành phố Hải Phòng. Đây là vùng đất địa linh nhân kiệt, từng là căn cứ quân sự trọng yếu bảo vệ vùng Đông Bắc Kinh thành Thăng Long xưa. Tại nơi này, Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo đã chỉ huy quân dân Đại Việt đánh giặc Nguyên Mông, đồng thời tổ chức hai trận quyết chiến chiến lược (trận Vạn Kiếp năm 1285 và trận Bạch Đằng năm 1288), tiêu diệt hàng chục vạn quân xâm lược, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông, bảo vệ nền độc lập dân tộc.

Lễ hội truyền thống Côn Sơn – Kiếp Bạc đã trở thành sự kiện tín ngưỡng, văn hóa mang đậm truyền thống gắn kết cộng đồng, hướng về nguồn cội.

Lễ hội truyền thống Côn Sơn – Kiếp Bạc đã trở thành sự kiện tín ngưỡng, văn hóa mang đậm truyền thống gắn kết cộng đồng, hướng về nguồn cội.

Theo bà Phạm Thị Huệ, Phó Trưởng phòng Du lịch – Dịch vụ, Ban Quản lý Khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc, trải qua hơn 700 năm, đền Kiếp Bạc cùng Đức Thánh Trần vẫn được các tầng lớp nhân dân tôn kính, trở thành biểu tượng của sự hòa quyện giữa nhà nước, tín ngưỡng, tôn giáo và lòng dân.Đền Kiếp Bạc hiện còn bảo tồn và lưu giữ rất nhiều các giá trị vật thể và phi vật thể vô cùng phong phú. Trong đó có 5 pho tượng cổ bằng đồng, đó là tượng Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, tượng phu nhân của Người, tượng 2 cô con gái và con rể Người là Tướng quân Phạm Ngũ Lão. Cùng với đó, Đền Kiếp Bạc hiện còn lưu giữ được một bộ ấn tín bằng đồng của Đức Hưng Đạo Đại Vương...”, bà Huệ chia sẻ.

Nghi môn đền Kiếp Bạc (khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc)

Nghi môn đền Kiếp Bạc (khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc)

Chùa Côn Sơn từ xa xưa đã nổi danh là một trong những trung tâm của Phật giáo Trúc Lâm Đại Việt. Đặc biệt, khi Đệ tam tổ Huyền Quang tôn giả về trụ trì tại chùa Côn Sơn, Ngài đã cho xây dựng, đưa Côn Sơn trở thành một trong những trung tâm Phật giáo lớn ở đồng bằng Bắc Bộ, với nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng. Theo ông Lê Duy Mạnh, Phó trưởng ban quản lý di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc, không chỉ là trung tâm tôn giáo, chùa Côn Sơn và chùa Thanh Mai còn là nơi quy tụ nhiều danh nhân văn hóa và chí sĩ qua các triều đại, góp phần tạo nên một không gian linh thiêng, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa, tư tưởng của dân tộc Việt Nam.

Diễn xướng tái hiện hội quân trên sông Lục Đầu trong Lễ hội mùa Thu Côn Sơn - Kiếp Bạc.

Diễn xướng tái hiện hội quân trên sông Lục Đầu trong Lễ hội mùa Thu Côn Sơn - Kiếp Bạc.

“Côn Sơn - Kiếp Bạc - Thanh Mai là những di tích lịch sử văn hóa được hình thành trên cùng một vùng đất, tồn tại và phát triển cực thịnh cho đến ngày nay. Nơi đây ẩn chứa tinh thần tự tôn dân tộc, tự tôn tôn giáo, tự tôn hệ tư tưởng độc lập với thiền phái Phật giáo Trúc Lâm Đại Việt mà giáo chủ là Phật Hoàng Trần Nhân Tông, Thánh giáo nội đạo mà giáo chủ là Cửu Thiên Vũ Đế Đức Thánh Trần. Chính vì vậy, khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc - Thanh Mai đáp ứng được các tiêu chí nổi bật toàn cầu về di sản thế giới”, ông Mạnh chia sẻ thêm.

Lễ rước nước tại Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc, biểu tượng sức mạnh và gắn kết cộng đồng.

Lễ rước nước tại Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc, biểu tượng sức mạnh và gắn kết cộng đồng.

Cùng với Côn Sơn – Kiếp Bạc, trên địa bàn TP Hải Phòng hiện có các di tích nằm trong Quần thể Di tích Danh thắng Yên Tử, Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn - Kiếp Bạc vừa được UNESCO công nhận là Di sản thế giới là: chùa Thanh Mai, chùa Nhẫm Dương và động Kính Chủ.

Ông Vũ Trường Sơn, Trưởng Phòng Quản lý Di sản văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng cho biết, trải qua bao thăng trầm của thời gian, các di tích này vẫn được bảo tồn, gìn giữ và trở thành di sản văn hóa không chỉ của người Việt mà còn là tài sản quý giá của nhân loại. Ngoài ra, chùa Nhẫm Dương là di chỉ khảo cổ học rất có giá trị trên địa bàn thành phố cũng như là của Việt Nam. Động Kính Chủ với 47 văn bia ma nhai được khắc trên vách đá, là bảo vật quốc gia và được coi như bảo tàng về văn bia của Việt Nam

Động Kính Chủ với 47 văn bia ma nhai được khắc trên vách đá, là bảo vật quốc gia và được ví như bảo tàng về văn bia của Việt Nam.

Động Kính Chủ với 47 văn bia ma nhai được khắc trên vách đá, là bảo vật quốc gia và được ví như bảo tàng về văn bia của Việt Nam.

Việc quần thể di tích danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc được UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản thế giới không chỉ là niềm tự hào mà còn là động lực để các địa phương và nhân dân tiếp tục nỗ lực gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản, để những tinh hoa văn hóa được tiếp nối và chảy mãi với thời gian.

Thanh Nga/VOV-Đông Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/con-son-kiep-bac-noi-hoi-tu-hao-khi-dan-toc-va-tinh-hoa-phat-giao-truc-lam-post1214592.vov