Một thời cống hiến, một đời tri ân
Năm 2025 ghi dấu kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống lực lượng thanh niên xung phong (15/7/1950 - 15/7/2025). Một chặng đường dài được viết nên bằng mồ hôi, máu và cả nước mắt của những người từng sống, chiến đấu, hy sinh trong thầm lặng. Những gì các cựu thanh niên xung phong đang trao lại, về giá trị sống, lòng nhân ái, sự kiên cường sẽ mãi là bài học quý cho thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay và mai sau.
Hành trình đầy tự hào

Đội thanh niên xung phong tỉnh Bắc Thái bạt núi san đồi làm đường chống Mỹ cứu nước (1966). Ảnh: Trần Phác/ TTXVN
Ra đời trong khói lửa của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, được Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, lực lượng thanh niên xung phong là những người trẻ tuổi đi đầu, không ngại khó khăn gian khổ, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân. Bằng niềm tin, lòng trung thành vô hạn với Đảng, với Bác Hồ, lực lượng thanh niên xung phong đã không quản hy sinh, có mặt ở những nơi khó khăn nhất để chiến đấu, phục vụ chiến đấu, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và phát triển kinh tế-xã hội.
Không chỉ có sự gan dạ, tinh thần lao động bền bỉ mà với những sáng kiến, những suy nghĩ táo bạo của tuổi trẻ, đã giúp cho lực lượng thanh niên xung phong lập nên nhiều kỳ tích, xứng đáng với những phần thưởng cao quý như Huân chương Độc lập tặng lực lượng thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước (năm 1970), Huân chương Hồ Chí Minh (năm 1990), Huân chương Sao vàng (năm 2010), danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (năm 1997)... và nhiều danh hiệu cao quý khác. Chặng đường 75 năm xây dựng, phấn đấu và trưởng thành, lực lượng thanh niên xung phong đã góp phần viết nên trang sử vẻ vang, oanh liệt của thế hệ trẻ Việt Nam và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Theo báo cáo của Hội cựu Thanh niên xung phong Việt Nam, hiện cả nước có hơn 400.000 hội viên. Dù tuổi đã cao, sức khỏe đã yếu, nhưng mỗi hội viên vẫn luôn hướng đến nhau bằng tấm lòng ấm áp. Từ năm 2019 đến nay, Hội đã phối hợp giải quyết gần 20.000 hồ sơ trợ cấp xã hội một lần, hỗ trợ hơn 900 trường hợp trợ cấp thường xuyên và thực hiện 18.000 hồ sơ mai táng phí, giúp đỡ những hội viên khi họ rời cõi tạm được an yên, được người thân, đồng đội chăm lo phần hậu sự.
Không dừng lại ở đó, Hội còn tích cực hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho hội viên. Hơn 156.000 thẻ bảo hiểm y tế đã được cấp phát đến tận tay người cần. Có thể nói, đây không chỉ là công cụ chăm sóc y tế, mà qua đó còn thể hiện xã hội vẫn luôn đồng hành và không lãng quên những người đã góp phần làm nên hòa bình hôm nay.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trên 28 vạn nam nữ thanh niên đã tình nguyện tham gia, lên đường với quyết tâm “Xẻ dọc Trường sơn đi cứu nước,” “ở đâu chiến trường cần là Thanh niên xung phong có mặt,” “ở đâu có giặc là Thanh niên xung phong xuất quân”. Trong ảnh: Các chiến sĩ đoàn Khe Sanh ngụy trang xe trước khi tiến công vào Sài Gòn. Ảnh: Quang Thành/ TTXVN
Một điểm nhấn trong các hoạt động của Hội là việc công nhận danh hiệu liệt sĩ thanh niên xung phong cho 70 trường hợp từng hy sinh vì nhiệm vụ nhưng chưa được ghi nhận. Việc này không chỉ là công tác hành chính mà đó là sự công nhận chính đáng, là hành động "trả lại tên" cho những linh hồn đã lặng thầm nằm lại với đất. Phía sau mỗi tấm bằng liệt sĩ được trao, là bao năm chờ đợi, hy vọng, là bao giọt nước mắt của gia đình, của đồng đội và hơn hết là một lời hứa được giữ trọn: "Chúng tôi không bao giờ quên các anh!"
Các hoạt động tưởng niệm, thăm viếng nghĩa trang liệt sĩ, chăm sóc phần mộ đồng đội cũng được Hội tổ chức thường xuyên. Hàng trăm buổi lễ, hàng nghìn lần viếng thăm không mang tính hình thức mà thể hiện sự trân trọng, thành kính. Tại những nghĩa trang rợp bóng cây, nơi đâu đó giữa những nấm mộ cỏ mọc xanh rì, vẫn có bước chân lặng lẽ của những người đồng đội năm xưa đến thăm nhau bằng một nén nhang, một bó hoa, bằng những câu chuyện kể lại, để ký ức không phai mờ.
Theo Chủ tịch Hội cựu Thanh niên xung phong Việt Nam Nguyễn Trọng Kim, từ năm 2019 đến nay, Hội đã vận động được trên 700 tỷ đồng từ nguồn lực xã hội hóa. Nhờ nguồn lực ấy, đã có hơn 905.000 suất quà nghĩa tình được gửi trao, hàng nghìn sổ tiết kiệm, nhà tình nghĩa, các gói hỗ trợ y tế và đồ dùng sinh hoạt đã đến tay hội viên trong hoàn cảnh khó khăn.
Không ít những buổi khám bệnh, cấp thuốc miễn phí với hơn 2.500 lượt tổ chức trên toàn quốc đã được triển khai, hỗ trợ thiết thực cho các cựu thanh niên xung phong lớn tuổi, không nơi nương tựa, hoặc mắc bệnh hiểm nghèo.
Các cựu thanh niên xung phong còn cho đi bằng chính sức mình. Họ không ngừng lan tỏa tinh thần tự lực, vượt khó, thông qua các mô hình "Giúp nhau làm kinh tế giỏi - Vì nghĩa tình đồng đội". Những xưởng mộc nhỏ, trang trại nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, quán ăn gia đình… do chính cựu thanh niên xung phong làm chủ đã góp phần tạo việc làm cho hơn 30.000 lao động, trong đó không ít là con cháu của các cựu thanh niên xung phong. Có đến 12.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh trên cả nước - những con số biết nói về sự năng động, sáng tạo và khát vọng tiếp tục cống hiến của họ.
Không ít cựu thanh niên xung phong còn nêu gương sáng trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Các phong trào thi đua "Mỗi cựu thanh niên xung phong làm nhiều việc tốt", "Cựu thanh niên xung phong sống đẹp – sống có ích" ngày càng lan rộng, trở thành nguồn cảm hứng sống đẹp, sống trách nhiệm trong cộng đồng. Ghi nhận những đóng góp ấy, trong thời gian gần đây đã có gần 1.000 Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang được trao và truy tặng cho những tập thể, cá nhân tiêu biểu. Nếu như trước kia, lực lượng thanh niên xung phong góp sức mở đường, vận chuyển hàng hóa, bám trụ nơi tuyến lửa, thì hôm nay, họ tiếp tục "xung phong" bằng những cách thức khác.
Tiếp nối truyền thống

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trên 28 vạn nam nữ thanh niên đã tình nguyện tham gia, lên đường với quyết tâm “Xẻ dọc Trường sơn đi cứu nước,” “ở đâu chiến trường cần là Thanh niên xung phong có mặt"...Ảnh: Văn Sắc/TTXVN
Với đạo lý uống nước nhớ nguồn, nhiều năm qua Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã phối hợp với Hội cựu Thanh niên xung phong và các cơ quan liên quan có nhiều nội dung tham mưu với Đảng và Nhà nước về chế độ, chính sách đối với lực lượng thanh niên xung phong Việt Nam.
Trung ương Đoàn đã trao tặng hơn chục vạn Kỷ niệm chương cho cựu thanh niên xung phong hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến; chỉ đạo các cấp bộ Đoàn phối hợp tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, thể hiện tấm lòng tri ân, đạo lý đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn của thế hệ trẻ; xây dựng các tượng đài và khu di tích thanh niên xung phong, biên tập và phát hành lịch sử thanh niên xung phong...

Chủ tịch nước Tô Lâm gặp mặt thân mật Đoàn đại biểu cựu Thanh niên xung phong nhân kỷ niệm 74 năm Ngày truyền thống (15/7/1950-15/7/2024). Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN
Năm 2025, các cấp bộ Đoàn và Hội cựu Thanh niên xung phong các địa phương phối hợp tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống lực lượng thanh niên xung phong Việt Nam (15/7/1950 - 15/7/2025) như: tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà tri ân; sửa chữa, xây dựng nhà tình nghĩa tình tặng cựu thanh niên xung phong có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức hành trình về địa chỉ đỏ thanh niên xung phong; tổ chức dâng hương tại các khu tưởng niệm, di tích lịch sử thanh niên xung phong; gặp mặt truyền thống, kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống lực lượng thanh niên xung phong Việt Nam tại các địa phương, đơn vị...
Em Nông Thị Ánh (đến từ Tuyên Quang, sinh viên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam) chia sẻ, khi xem lại những thước phim, những câu chuyện về lực lượng thanh niên xung phong, em cảm thấy rất xúc động. Đó không chỉ là lịch sử của đất nước, mà còn là câu chuyện về tuổi trẻ, về những con người đã dám sống, dám hy sinh, dám làm điều lớn lao vì cộng đồng, vì Tổ quốc. Em thấy mình thật may mắn khi được lớn lên trong thời bình và điều đó khiến em càng thêm biết ơn những thế hệ đi trước. Với em, trách nhiệm của người trẻ hôm nay không phải là làm điều gì thật to tát, mà là sống tử tế, sống có ích. Có thể mình không đi mở đường như các cô chú thanh niên xung phong năm xưa, nhưng mình có thể mở đường theo cách của mình - trong học tập, lao động, sáng tạo và sẵn sàng giúp đỡ người khác khi cần. Đó là cách em hiểu và cố gắng tiếp nối tinh thần "xung phong", bằng việc nhỏ mỗi ngày.
Sự gắn bó giữa thế hệ cựu thanh niên xung phong và lớp trẻ hôm nay không chỉ dừng lại ở những hoạt động mang tính lễ nghi hay tri ân đơn thuần. Đó là mối liên kết đầy cảm xúc giữa một thế hệ từng sống, từng hy sinh vì Tổ quốc và một thế hệ đang lớn lên giữa hòa bình, học cách biết ơn và cống hiến từ chính những câu chuyện sống động còn hiện hữu quanh mình. Qua đó, giúp các bạn trẻ hiểu rằng: để có được hôm nay, đất nước đã phải đánh đổi bằng biết bao xương máu và mồ hôi của cha anh. Và để xứng đáng với điều đó, thế hệ hôm nay không thể sống hời hợt hay vô cảm - mà phải sống có trách nhiệm, có ước mơ và biết dấn thân vì cộng đồng, vì đất nước.

Phẩm chất của Thanh niên xung phong trong kháng chiến được phát huy, nuôi dưỡng đến hôm nay và là hình mẫu để thế hệ trẻ học hỏi, tiếp bước cha anh, cùng chung sức thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong ảnh: Đoàn viên thanh niên tình nguyện Hậu Giang tổ chức thu vớt rác trên kênh rạch, sau lễ ra quân Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè 2013. Ảnh: Duy Khương/ TTXVN
75 năm đã trôi qua, nhưng những ký ức về một thời thanh niên xung phong vẫn còn vẹn nguyên trong lòng người ở lại. Dù cuộc sống hôm nay đã đổi thay nhiều, dù những người từng đi qua năm tháng gian khó ấy giờ tóc đã bạc, bước chân đã chậm, thì tấm lòng son với đất nước, với đồng đội vẫn không hề phai nhạt.
Những việc làm âm thầm mà nghĩa tình của các cựu thanh niên xung phong, cùng sự tri ân chân thành của lớp trẻ hôm nay, chính là cách đẹp nhất để nối dài truyền thống. Ngọn lửa xung phong năm xưa vẫn cháy - trong những việc làm nhỏ mỗi ngày, trong cách sống nghĩa tình và trong từng câu chuyện được kể lại.