Cơn sốt vàng trên khắp châu Á chưa có dấu hiệu hạ nhiệt
Bất chấp giá vẫn dao động gần mức cao kỷ lục, cơn sốt vàng ở châu Á tiếp tục được thúc đẩy nhờ nhu cầu tích trữ để phòng ngừa bất ổn kinh tế và căng thẳng địa chính trị…
Giá vàng thế giới hiện đang giao dịch ở mức hơn 2.300 USD/ounce, ghi nhận đà tăng 12% kể từ đầu năm đến nay và chỉ thấp hơn khoảng 6% so với mức cao kỷ lục đạt được vào tháng 5.
Theo báo cáo của Hội đồng Vàng Thế giới, tổng nhu cầu vàng trong quý đầu tiên của năm 2024 đã tăng 3% so với cùng kỳ năm trước lên 1.283,3 tấn - mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2016. Diễn biến này được thúc đẩy bởi hoạt động mua vàng liên tục của các ngân hàng trung ương cũng như nhu cầu cao từ người tiêu dùng châu Á.
Joe Cavatoni, chiến lược gia thị trường Bắc Mỹ tại Hội đồng vàng thế giới, nói với MarketWatch: “Các ngân hàng trung ương tại nhiều thị trường mới nổi đã hỗ trợ cho hiệu suất của vàng. Vai trò của kim loại quý này trong danh mục dự trữ là rất quan trọng và xu hướng sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong thời gian còn lại của năm”.
Rất nhiều chuyên gia đã nhận thấy xu hướng đầu tư tích cực vào kênh tài sản trú ẩn an toàn này trên khắp châu Á, đặc biệt trong đó có sự tham gia của tập khách hàng trẻ tuổi.
Tại Nhật Bản, hiện có nhiều người mua hơn là người bán vàng dù cho giá vẫn ở mức cao kỷ lục, ông Bruce Ikemizu, giám đốc Hiệp hội Thị trường Vàng thỏi Nhật Bản chỉ ra.
Trong khi đó, ở Trung Quốc, vào thời điểm các nhà đầu tư phải vật lộn với sự mất giá của tiền tệ, suy thoái bất động sản kéo dài và căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, sức hút của vàng trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết. Riêng lượng mua lẻ vàng xu và vàng miếng của Trung Quốc đã tăng 27% trong quý đầu năm nay.
Ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam, Singapore và Thái Lan là những quốc gia chứng kiến sự bùng nổ trong nhu cầu về vàng.
Bên lề Hội nghị Kim loại quý Châu Á - Thái Bình Dương, ông Albert Cheng, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Thị trường Vàng thỏi Singapore đã tiết lộ với Reuters rằng: “Xu hướng trên thị trường Singapore hiện nay là nếu người tiêu dùng muốn mua thì họ sẽ mua. Giá cả không thành vấn đề”.
Riêng tại Thái Lan và Việt Nam, có thể thấy hàng dài người dân xếp hàng để mua vàng dự trữ ngay khi có tin giá vàng tăng cao.
Các nhà phân tích nhận định, việc người dân có thái độ e dè hơn trước các lựa chọn đầu tư khác, chẳng hạn như bất động sản và chứng khoán, cũng là một yếu tố thúc đẩy cho nhu cầu về vàng.
Ruth Crowell, giám đốc điều hành của Hiệp hội thị trường vàng thỏi London, nói với Reuters: “Khi bối cảnh kinh tế vĩ mô trở lại bình thường, khi bất động sản và chứng khoán trở nên thú vị hơn, tôi nghĩ rằng cơn sốt vàng sẽ dần dần hạ nhiệt”.
Không giống với nhiều quốc gia trong khu vực, các nhà đầu tư Ấn Độ và Australia vẫn có khuynh hướng thận trọng với giá cao. Giá vàng Ấn Độ đã giao dịch ở mức thấp hơn giá quốc tế trong 5 tuần liên tiếp, phản ánh nhu cầu ảm đạm ở quốc gia tiêu thụ vàng miếng lớn thứ hai thế giới. Nhập khẩu vàng của Ấn Độ vào năm 2024 dự kiến sẽ giảm gần 1/5 do giá cao kỷ lục đã thúc đẩy người tiêu dùng đổi đồ trang sức cũ thay vì mua mới.
Còn tại Australia, báo cáo từ nhà sản xuất kim loại quý Perth Mint cho thấy doanh số bán hàng của họ trong tháng 5 đã giảm tới 30% so với tháng trước đó.